Sim số đẹp không có một mức giá nhất định mà lên xuống thất thường. Người buôn có thể kiếm cả triệu, thậm chí tiền tỷ trong chốc lát, nhưng cũng không ít trường hợp phải bỏ nghề.

"Làm sim số, nhiều người thu tiền tỷ nhưng cũng không ít người phải bỏ nghề", anh Kiên, chủ hàng linh kiện điện thoại kiêm thợ sim ở Hà Nội, chia sẻ.

Anh cho biết, có những chiếc sim VIP giá rất cao, thậm chí lên đến vài tỷ đồng. Người buôn có thể sẽ gặp rủi ro với loại sim này.

Để giữ giá trị sim và tiết kiệm nguồn vốn, giới kinh doanh luôn gắn kết mật thiết với nhau. Họ trao đổi một lượng số đẹp nhất định để kiếm tiền "hoa hồng".

"Thông thường, mức hoa hồng là 30-35% cho mỗi giao dịch đối với sim có giá trị dưới 10 triệu đồng. Với loại có giá cao hơn, mức này từ 20-25%", thợ sim cho hay.

Theo giới buôn, giá thành và danh sách sim sẽ thay đổi theo thời điểm. Vì thế, người làm nghề này phải cập nhật tin tức từng giờ.

Chủ một cửa hàng sim thẻ ở Hà Nội còn cho hay, thực tế giá của số thuê bao không đắt, nhưng bị đẩy lên do nhu cầu của khách và người bán.

Đôi khi chủ buôn có thể đẩy giá lên gấp 2-3, thậm chí hàng chục lần với những khách đang cần săn các số được cho là hợp mệnh, phát tài với làm ăn, buôn bán.

Hiện nay, những số tứ quý, ngũ quý, tam hoa, thần tài, số gánh vẫn được nhiều người săn lùng.

{keywords}

Nhu cầu của người mua đã khiến giá sim số đẹp được đẩy lên cao.

Thường một dải số chỉ có vài ba sim có giá trị, phần còn lại là sim rác. Muốn bán được, thợ sử dụng sim rác sẽ spam (tin nhắn rác) đến những thuê bao số đẹp, để chào hàng.

Số còn lại thanh lý với giá cực rẻ, chỉ 10.000-12.000 đồng một sim. Vì thế, người buôn phải ước chừng được giá trị của dải sim trước khi mua.

Những thợ non tay rất dễ bị hụt vốn, do không cân giá được dải số trên. "Sau vài lần 'vấp ngã', nhiều người chấp nhận phải bỏ nghề", anh Kiên cho hay.

Anh Tú, một chủ buôn ở TP Hà Giang, chia sẻ, người muốn kinh doanh số đẹp ngoài kinh nghiệm còn cần nguồn vốn dồi dào.

Giá sim mua theo dải số từ nhà mạng thấp hơn bên ngoài nhưng nhiều rủi ro.

Người có vốn sẽ mua có chọn lọc của các thợ khác, giá cao hơn nhưng đảm bảo độ an toàn. Để kinh doanh số đẹp, thông thường chủ hàng phải có số vốn trên 50 triệu đồng.

Cũng theo anh Tú, sim đẹp có 2 dạng. Một là loại nguyên kít (chưa kích hoạt), thời hạn tùy theo thời gian nhà mạng cho đấu nối.

Nếu thợ quên không kích trước ngày quy định, nhà mạng sẽ thu hồi về kho số. Thứ 2 là sim đã kích.

Loại này thường được chuyển sang gói Tomato. Trong 60 ngày không phát sinh gói cước thuê bao (gọi điện, nhắn tin hoặc nạp thẻ), sim cũng bị thu hồi.

"Với số lượng sim quá nhiều, không ít thợ thường xuyên mất đến vài chục triệu đồng mỗi tháng", anh Tú cho hay.

{keywords}

Kinh doanh sim số đẹp thu nhập cao nhưng rất nhiều rủi ro, đặc biệt với những thợ non tay.

Tuy rủi ro cao, song theo T., một thợ buôn sim lâu năm ở Hà Nội, một khi đã đầu tư buôn sim số đẹp thì phần thắng là rất cao, nhất là những thợ lâu năm, đã có tiếng trên thị trường.

Và điều cần nhất với người kinh doanh là luôn có sẵn hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ, để "ôm" ngay những chiếc sim quý giá khi phát hiện có người muốn bán.

Cũng theo T, cuộc chiến giữa các tay ôm sim rất khốc liệt. Vì thế, bất cứ ai kinh doanh loại này đều phải biết cách định giá sim, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến phong thuỷ, ý nghĩa số,... để tư vấn cho khách VIP.

"Không ít trường hợp thợ ôm một dải sim toàn số đẹp, giá trị đến vài trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ.

Song không nhạy bén với thị trường, sim không bán được, các dịch vụ kèm theo ế ẩm, không có vốn quay vòng.

Thanh lý giá rẻ thì lỗ, mà giữ lại cũng không xong, vì nguồn vốn bị chết đứng ngày nào là thiệt hại hàng chục, hàng trăm triệu ngày ấy", thợ sim này cho hay.

Ngoài hưởng tiền bán sim, người kinh doanh còn phụ thu từ những dịch vụ kèm theo, như cho thuê, làm số theo yêu cầu, bán trả góp.

Gần đây, nhiều nơi xuất hiện hình thức cầm cố sim với thủ tục tương đối đơn giản. Giá phụ thuộc thỏa thuận giữa người mua và bán. Sau khi trao đổi, hai bên sẽ viết giấy cam kết hoặc hợp đồng.

(Theo Zing)