Bà Hương cho bạn mình mượn tài khoản để nhận tiền từ một người khác, nhưng lại bị tuyên án thành “con nợ”, buộc phải trả 500 triệu đồng cho bị đơn. Mặc dù các chứng cứ vô lý, thiếu thuyết phục, bị đơn cùng người liên quan đã chứng minh không giao dịch vay nợ, nhưng tòa cấp sơ thẩm vẫn ra bản án hết sức vô lý.

Cho mượn tài khoản, thành con nợ

Tiếp xúc với phóng viên, bà Hoàng Mỹ Hương (trú 22 Lê Duẩn, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) trình bày về những điều trái khoáy của một bản án khiến cho công việc, sinh hoạt, cuộc sống của bà cùng gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sự việc bắt đầu từ đơn khởi kiện của bà Phan Thị Hồng Vân (SN 1976, quê Quảng Trị; hộ khẩu thường trú: 270A Điện Biên Phủ, P.Trường An, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế; chỗ ở: 1/268 Điện Biên Phủ, P.Trường An) vào ngày 16-12-2014 đối với bà Hương.

Đơn có nội dung: “Do có quen biết từ trước, nên tháng 11-2010 tôi có chuyển cho bà Hương mượn 500 triệu đồng. Theo thỏa thuận đến ngày 1-1-2013 bà Hương phải trả tiền cho tôi. Tôi yêu cầu bà Hương trả tiền, đến gia đình gặp bà Hương, nhưng bà vẫn cố tình không trả”.

Vì vậy, bà Vân đề nghị TAND TP. Đông Hà buộc bà Hương phải trả cho mình 500 triệu đồng cùng số tiền lãi gần 109 triệu đồng. Ngày 13-1-2015, TAND TP .Đông Hà thụ lý vụ án “tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Bản án số 19/2015/DSST ngày 13-8-2015 của TAND TP. Đông Hà tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà Hương phải trả cho bà Vân tiền gốc 500 triệu đồng và gần 24 triệu đồng tiền lãi. Ngoài ra, bà Hương còn phải chịu gần 25 triệu đồng tiền án phí.

{keywords}

Bà Hoàng Mỹ Hương cho người khác mượn tài khoản bỗng biến thành con nợ

Bản án được tuyên trong sự bất ngờ, phẫn nộ của bà Hương, thân nhân và những người có liên quan, trái với hồ sơ, chứng cứ; trình bày của nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; tranh luận của đại diện Viện KSND TP. Đông Hà.

Bà Hương bức xúc: “Việc tòa xác định tôi có quan hệ quen biết và vay mượn với bà Vân là hết sức vô lý. Việc tôi cho người khác mượn tài khoản để bà Vân chuyển tiền trả nợ cho người đó là chuyện bình thường, rất dễ hiểu, dễ giải quyết nhưng tòa lại biến tôi thành con nợ của bà Vân”.

Bà Hương nhớ lại: “Ngày 12-8-2010, tôi cho người bạn là Ngô Thị Tình (hộ khẩu thường trú: 306 Lê Duẩn, TP. Đông Hà, Quảng Trị; hiện trú 14A Hồ Bá Phấn, quận 9, TP.HCM) mượn tài khoản số 3900205123826 mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Quảng Trị, để giao dịch số tiền 500 triệu đồng mà bà Vân chuyển tiền trả nợ cho bà Tình. Ngay trong ngày, tôi đã rút toàn bộ số tiền trên giao lại cho bà Tình. Thực tế tôi không hề quen biết và không vay mượn tiền với bà Vân. Hơn nữa, nếu tôi có vay bà Vân thì tại sao gần 5 năm qua bà Vân không đòi, không có giấy tờ chứng minh nào, nay lại đòi và được tòa tuyên tôi phải trả tiền cho bà Vân?”.

Trong các ý kiến gửi tòa cũng như trình bày tại tòa, bà Ngô Thị Tình khẳng định: “Vào ngày 12-8-2010, tôi có mượn tài khoản mang tên bà Hương để giao dịch 500 triệu đồng do bà Vân chuyển vào trả các khoản mà bà Vân nhờ tôi vay mượn trước đó. Trước khi thực hiện việc này, được biết bà Hương không hề quen biết với bà Vân”. Tuy nhiên, lời khai này bị Hội đồng xét xử (HĐXX) bỏ qua.

Sửa bản án thiếu căn cứ, bác đơn khởi kiện

Quá uất ức vì bản án trên, bà Hương làm đơn kháng cáo. Đồng thời, không đồng ý với bản án, Viện KSND TP. Đông Hà ngày 27-8-2015 ra Quyết định số 864/QĐKNPT-VKS kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND TP. Đông Hà theo thủ tục phúc thẩm.

Kháng nghị có nội dung: tòa án chưa làm rõ mục đích của việc chuyển tiền mà chỉ căn cứ vào giấy chuyển tiền ngày 12-8-2010 để xác định bà Vân và bà Hương đã xác lập vay tài sản là thiếu căn cứ, không thuyết phục. HĐXX đã không xác định nguồn gốc các giấy tờ vay tiền giữa bà Vân và bà Tình, không yêu cầu bà Vân xác nhận chữ viết và chữ ký trong các bản photo là của mình hay không, để tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ được quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự, làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. TAND TP. Đông Hà chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để làm căn cứ giải quyết vụ án như đã phân tích ở trên, nhưng vẫn chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của bà Hoàng Mỹ Hương.

Ngày 3-12-2015, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án trên, tuyên án theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Vân. Như vậy, những nhận định của tòa cấp sơ thẩm đã bị tòa phúc thẩm bác bỏ; đồng thời xuất hiện thêm một số tình tiết, chứng cứ mới chứng minh nội dung đơn khởi kiện của bà Vân là không đúng.

Về trách nhiệm đối với bản án sơ thẩm, trao đổi qua điện thoại, bà Đoàn Thị Kim Thương - thẩm phán, Phó Chánh án TAND TP.Đông Hà, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm, cho biết sẽ chịu mức kỷ luật theo quy định của ngành.

Bà Hoàng Mỹ Hương cho biết sẽ xem xét để kiện bà Vân về việc vu khống, tố cáo không đúng khiến bản thân cùng gia đình bị thiệt hại về vật chất và tinh thần, sau khi bản án sơ thẩm của TAND TP.Đông Hà có hiệu lực cho đến ngày xét xử phúc thẩm với thời gian hơn ba tháng rưỡi.

Bà Vân là ai?

Tháng 6-2013, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phan Thị Hồng Vân - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam và Công ty cổ phần thương mại Đức Phương (đều có trụ sở tại 270A đường Điện Biên Phủ, TP. Huế) về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bà Vân câu kết với bà Lê Thị Lệ Hằng (SN 1978, quê Quảng Bình, trú phường Trường An, TP. Huế) - nguyên giám đốc phòng giao dịch Trường Tiền chi nhánh Thừa Thiên - Huế của VIB rút ruột, chiếm đoạt của ngân hàng hơn 40 tỷ đồng.

Được biết, cuối tháng 11-2015, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế mở phiên xét xử phúc thẩm đối với bà Phan Thị Hồng Vân, bà Lê Thị Lệ Hằng cùng đồng phạm về tội “vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trong đó bà Vân bị tuyên phạt 19 năm tù, tuy nhiên được tại ngoại do mới sinh con nhỏ.

(Theo CA TP.HCM)