- Nhiều dự báo cho thấy Việt Nam có cơ hội tăng trưởng xuất nhập khẩu mạnh mẽ nhờ vào hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, các báo cáo này cho thấy, sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc vẫn rất lớn, thậm chí còn gia tăng.

Cơ hội vào top 10 thế giới

Báo cáo dự báo thương mại toàn cầu VN của Ngân hàng HSBC vừa đưa ra dự báo: xuất khẩu của VN sẽ đạt tăng trưởng trên 10% trong giai đoạn 2016 - 2030. Trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng là 11%/năm.

Đây là một dự báo tươi sáng, dựa trên nỗ lực hội nhập sâu rộng của VN trong các năm vừa qua, đặc biệt là 2015 với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTAs) được kết thúc đàm phán như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), EVFTA, Liên minh Kinh tế Á - Âu, VN - Hàn Quốc (VKFTA)…

Trong báo cáo “Những làn gió thương mại” trước đó, theo HSBC, VN sẽ trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2050 với kim ngạch xuất khẩu đạt 1.437 tỷ USD (so với mức khoảng 165 tỷ USD trong năm 2015) trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu sẽ bước vào làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo.

Ngay trong năm 2015, VN đã vượt lên các nước láng giềng về xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). VN đã có một năm phát triển bền vững, tăng 9,6% trong chín tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu giảm ở TQ và các nền kinh tế chủ chốt khác của châu Á.

{keywords}

Nhiều dự báo cho thấy Việt Nam có cơ hội tăng trưởng xuất nhập khẩu mạnh mẽ.

“Ba yếu tố sẽ hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu một cách mạnh mẽ là lực lượng lao động lớn chi phí thấp, chính sách hướng tới mở cửa thương mại và FDI và những yếu tố cơ bản của nền kinh tế vĩ mô đang ngày càng ổn định. Lĩnh vực thiết bị CNTT đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục phát triển. Quần áo, phụ liệu và dệt may, sản xuất gỗ cũng là những lĩnh vực quan trọng”, HSBC cho biết.

Ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Ngân hàng ANZ, cũng cho rằng, VN có thành tích vượt trội về xuất khẩu và nhập khẩu, trái ngược với bức tranh suy thoái thương mại của khu vực châu Á. VN là nước duy nhất trong khu vực không bị ảnh hưởng nặng bởi sự giảm tốc của TQ.

Lý do được đại diện ANZ đưa ra là, hàng xuất khẩu của VN đã được đa dạng đáng kể, từ các mặt hàng truyền thống như dầu thô, dệt may, thủy sản, thì giờ đây đã có các mặt hàng công nghệ có giá trị cao như điện thoại, máy tính… Tỷ trọng các mặt hàng công nghệ đã tăng vọt từ dưới 10% lên 25-50%.

WB cũng đánh giá cao về triển vọng thương mại của VN khi tham gia TPP, theo đó, VN sẽ là nước đạt được nhiều lợi ích nhất.

Vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc

Vị trí địa lý trong lòng châu Á của VN, bao quanh bởi Ấn Độ, TQ và Đông Nam Á cho VN vị thế tốt để giao thương với những nước láng giềng đang phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố khiến VN đối mặt với nhiều rủi ro.

{keywords}

Tuy nhiên, sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc vẫn rất lớn, thậm chí còn gia tăng.

VN mở rộng quan hệ với rất nhiều nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhưng sự phụ thuộc vào thị trường TQ vẫn rất lớn.

Theo dự báo của HSBC, tới 2030, TQ vẫn sẽ là đối tác lớn nhất của VN. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ VN vào TQ vẫn tăng ở mức 15% trong giai đoạn 2021-2030.

“Thậm chí kỳ vọng về tăng trưởng đi xuống, TQ vẫn có vị thế rất mạnh mẽ với dân số lớn nhất thế giới và tăng trưởng thu nhập tiếp tục gia tăng khi nền kinh tế tái cân bằng theo hướng gia tăng chi tiêu tiêu dùng”, theo báo cáo của HSBC.

VN cũng nhập khẩu mạnh từ TQ. Trong hơn 5 năm qua, VN luôn nhập siêu từ TQ và tốc độ nhập siêu vẫn đang gia tăng. Nhiều mặt hàng vẫn có giá trị nhập khẩu lên tới nhiều tỷ USD như: máy móc thiết bị phụ tùng; điện thoại và linh kiện; vải, nguyên phụ liệu dệt may da giày; sản phẩm điện tử; sắt thép…

Sự phụ thuộc vào thương mại của TQ có thể sẽ ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế và sự ổn định vĩ mô của VN. Sự ngưng trễ thương mại bất cứ vì lý do gì cũng gây ra thiệt hại khôn lường. Nguy cơ còn nằm ở chỗ, đồng NDT được dự báo còn nhiều biến động theo diễn biến kinh tế khó lường của TQ.

Theo HSBC, biến động của USD và NDT sẽ gây áp lực không nhỏ tới tỷ giá và tăng trưởng thương mại của VN.

Trên thực tế, việc mở rộng quan hệ thương mại, nhất là các FTAs lớn EVFTA, TPP vừa ký gần đây sẽ giúp VN có thể phát triển mạnh hơn ở các thị trường lớn như Mỹ. Đây cũng là hướng để thực thi chủ trương không tập trung quá mức vào một thị trường của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ cấu xuất khẩu dựa vào nhập khẩu từ các nước trong khu vực như hiện nay có thể khiến VN không những rời xa chuỗi giá trị toàn cầu mà còn đối mặt với các cú sốc.

Áp lực từ quy định xuất xứ đối với các sản phẩm theo FTAs trong đó có TPP về ngắn hạn có thể gây khó khăn cho nhiều DN xuất khẩu trong nước. Nhưng về dài hạn, nó có thể giúp DN vượt chủ động hơn vào nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Vấn đề nằm ở chỗ, DN Việt có chớp được cơ hội để thay đổi và các chính sách có cụ thể và sâu sát để giúp DN phát triển hay không.

M.Hà