-  Năm 2012 qua đi với bao nhiêu biến động của nền kinh tế Việt Nam, có những điều đã được giải quyết thỏa đáng để đợi nhiệm vụ năm mới, có những điều còn dang dở đối với nền kinh tế phải đợi đến năm sau, năm sau nữa mới mong giải quyết được thỏa đáng, trọn vẹn như các vấn đề tồn kho bất động sản, nợ xấu ngân hàng.


Nhưng vẫn có những vấn đề khác được xới xáo lên và tiếp tục gây tranh cãi…

Độ mươi ngày cuối cùng của năm 2012, nhiều quyết sách kinh tế quan trọng được đưa ra hoặc dự tính sẽ được đưa ra khiến dư luận và công luận lại được hâm nóng trở lại, kéo theo những lao xao, trăn trở của người dân, của cộng đồng DN xã hội trở nên nóng hơn.

Trước hết, chuyện nóng bỏng nhất. Bộ Tài chính vừa chính thức công bố 21 đề xuất hỗ trợ nền kinh tế, trong đó liên quan rất nhiều tới bất động sản (BĐS). Riêng NHNN cho biết: trong 2013, sẽ tập trung xử lý khoảng 100.000 - 150.000 tỷ đồng nợ trong bất động sản. Ngoài ra, NHNN sẽ cung ứng từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng cho các NHTM để cho vay mua nhà trong thời hạn 5 - 10 năm.

Thoạt tiên, cả giới doanh nghiệp BĐS và người tiêu dùng đều rất phấn khích. Tuy nhiên, dần dà không ít người làm công ăn lương tỏ ra lo lắng với nhóm giải pháp cứu doanh nghiệp BĐS nói trên.

Họ lo về khả năng giá BĐS sẽ được giữ ở mức cao, ngân sách Nhà nước bị hao hụt và theo đó nền kinh tế sẽ ngày càng kém cạnh tranh. Trong khi, thu nhập của người dân đang ở mức thấp và ngày càng “gầy” đi bởi những chi phí mới từ năm 2013.

Thực tế, đối với những người có thu nhập trung bình khá mới chỉ đủ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày thì việc có tiền để mua nhà, hay vay tiền ngân hàng để mua nhà hầu như không dễ.


Bản chất của vấn đề nằm ở chỗ cung không gặp cầu, giá BĐS có lẽ đang cao hơn hẳn so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Nếu không thay đổi được mấu chốt của vấn đề này là giá thì các giải pháp trên cũng chỉ mang tính tình thế. Nó rất có thể không phát huy được tác dụng như mong muốn là người nghèo có nhà.

Thậm chí, không ít ý kiến đã lo ngại, nếu không có sự giám sát chặt chẽ để dòng tiền hỗ trợ kích cầu cho thị trường bất động sản đi đúng hướng. Thì không khéo tiền này sẽ được các DN bất động sản dùng để trả nợ ngân hàng, chứ không dành cho sản xuất kinh doanh. Bởi ai cũng biết, nợ ngân hàng đang là vấn đề gay gắt với không ít DN, nay như chết đuối vớ được cọc, họ cứ làm những gì để cứu mình trước trước khi cứu những dự án và cứu người chưa có nhà.

Câu chuyện đất đai, bất động sản chưa lắng thì lại bùng lên những tranh cãi xung quanh vấn đề điện và giá điện.

EVN đã áp dụng giá bán điện mới, theo đó, giá bán điện bình quân tăng 5% -một tin không vui đối với DN và người dân, nhất là trong bối cảnh khó khăn đang chồng chất.

Mà tăng giá điện vào thời điểm này sẽ thêm gánh nặng chi tiêu cho người dân vốn đã khó khăn và sẽ khiến chi phí đầu vào của DN Việt Nam đang ở mức cao hơn nhiều nước trong khu vực thêm khó khăn hơn. Như vậy, tăng giá điện có thể là niềm vui của ngành điện, nhưng lại là nỗi ngao ngán chung của các DN và người tiêu dùng.

Chưa hết, gần đến Tết Âm lịch, nhu cầu sử dụng ATM của người dân tăng vọt, cũng như mọi năm bắt đầu thời điểm này cũng đã có một số nhà băng thương mại hoặc công khai, hoặc nửa kín nửa hở tuyên bố đã chuẩn bị “đầu tư lớn” cho các cây ATM để phục vụ người rút tiền, cương quyết không để tình trạng cây ATM nghẽn mạch, hết tiền, hở điện xảy ra trong cái dịp lễ tết trang trọng này.

Đương nhiên trước thông tin này, người tiêu dùng không khỏi khấp khởi mừng vui vì hơn ai hết họ hiểu được nỗi khổ ải của chuyện rồng rắn đi rút tiền ATM dịp tết và thầm cảm ơn các nhà băng đã hết sức “tâm lý” hộ trợ để họ cất bỏ gánh nặng này.

Tuy nhiên, với những người lo xa, thì sau niềm vui này ATM “hình như” sắp mang lại một lỗi sầu mới cho họ. Bởi nếu Dự thảo Thông tư thu phí ATM mới được NHNN trưng cầu lấy ý kiến mấy tuần qua chính thức được thông qua, thì từ 2013 họ phải gánh thêm một khoản phí nữa để nuôi ATM, nhất là trong bối cảnh cuộc sống của họ hứa hẹn sẽ còn nhiều khó khăn hơn trong năm 2013 sắp tới…

Một năm với nhiều biến động, những tín hiệu mới khiến cho nhiều người có thêm niềm tin vào một năm mới. Nhưng bên cạnh đó, với những gì đã trải qua trong biến đông nên cũng dễ hiểu ai cũng hay giật mình lo sợ. Nhưng vơi những gì mà chúng ta đã trụ vững qua khó khăn đã cho thấy những bước đi cơ bản và đúng hướng. Những điều lo sợ rồi cũng sẽ trôi qua và niềm vui sẽ đến nhiều hơn chứ không phải chỉ là một điều bất chợt.

Tâm Thời