Mỗi lần đến Mỹ tôi đều ngạc nhiên khi thấy một số bạn trẻ không chịu vào Walmart để mua sắm mặc dù giá cả ở chuỗi siêu thị này xem chừng rẻ nhất trong các loại cửa hàng. Họ tẩy chay Walmart vì họ bảo Walmart cư xử tệ mạt với nhân viên. Biết đâu chừng Amazon sẽ là nơi bị mọi người ghét bỏ nhưng vì một lý do khác.

Tờ The Atlantic vừa có một bài dài về Amazon với cái tít không thể trực diện hơn: “Tài sản 150 tỉ đô la của Jeff Bezos là một thất bại chính sách”. Bezos, người sáng lập và đang điều hành Amazon là người giàu nhất hành tinh, tài sản bằng 2 triệu lần tài sản một gia đình trung bình ở Mỹ, tiền nhiều hơn Bill Gates 50%, gấp đôi Mark Zuckerberg và có lẽ giàu hơn Tổng thống Donald Trump cỡ 100 lần! Nói như thế này cho dễ hình dung: mỗi ngày ông ta phải tiêu hết 28 triệu đô la thì sản nghiệp mới đứng nguyên mốc cũ.

Nghịch lý giàu nghèo tại Amazon

Lý do The Atlantic nói thẳng thừng như tít bài là bởi sự giàu có của Jeff Bezos, theo tờ báo, là hiện thân của sự thất bại về chính sách thuế cũng như môi trường kinh doanh và luật lệ được thiết kế để khuyến khích tích lũy tài sản ở một số người rất ít. Còn nói theo lý lẽ thông thường thì Bezos hay những tỉ phú khác kể cả Bill Gates, Mark Zuckerberg, Sergey Brin và Larry Page (hai nhà sáng lập Google) là minh chứng của một nền kinh tế bị méo mó vì trọng vốn hơn lao động, ai tích lũy được vốn rồi thì ngày sẽ càng giàu, không gì cưỡng lại được. Bezos giàu đến nỗi ông ta tuyên bố hành tinh này không đủ chương trình thiện nguyện để ông tiêu tiền (mặc dù trong thực tế ông ta, khác với Gates hay Zuckerberg, hầu như ít khi mở hầu bao); cách duy nhất để tiêu hết tiền là tài trợ cho các chương trình du hành vũ trụ!

{keywords}
Công nhân Amazon tại nhà kho Kent, đang thuê mướn 2.500 người. Ảnh: The Seattle Times

Ngược lại, đến một nửa nhân viên Amazon thu nhập mỗi năm chưa đến 28.446 đô la, công nhân đi vệ sinh bị bấm giờ để không quá 6 phút (thậm chí một bài báo trên tờ Seattle Times trích lời một phóng viên ở Anh giả làm nhân viên tại một nhà kho Amazon cho biết nhân viên Amazon phải tiểu trong chai vì sợ bị đánh giá lười và làm không đủ định mức). Mỗi ca, công nhân đóng gói phải xử lý chừng 1.000 gói hàng, phải đi lại chừng 24 cây số, tốc độ làm việc bị giám sát gắt gao bằng hệ thống camera đầy khắp. Cách đây mấy năm báo chí ồn ào vụ một công nhân Amazon chết ngay tại chỗ làm vì kiệt sức.

Nghịch lý đầu tiên là thuế: thuế thu nhập cá nhân có tính lũy tiến, tức người có thu nhập cao nộp thuế suất cao (lên đến 37%) so với người có thu nhập thấp nhưng Jeff Bezos nhận lương thấp (81.840 đô la/năm - 2017) nên chuyện thuế đánh lên thu nhập hầu như không đáng kể. Cái giàu của Bezos đến từ tư bản mà thuế trên thu nhập từ vốn tối đa chỉ 20%. Chính vì thế mà tỉ phú Warren Buffet có lần “than” ông ta đóng thuế còn ít hơn cô thư ký của ông.

Nghịch lý thứ hai là Amazon coi vậy chứ cả năm vừa rồi không đóng đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào cả dù lãi tiền tỉ (5,6 tỉ đô la) nhờ nhiều yếu tố như đặt trụ sở chính ở tận Luxembourg, nhờ luật thuế mới của Trump và các chính sách miễn giảm thuế ở những nơi Amazon hoạt động để đổi lại lời hứa hẹn tạo công ăn việc làm của Amazon.

Làm thì vất vả nhưng lương khởi điểm ở Amazon thấp hơn mức lương đủ sống ở Mỹ đến 5 đô la/giờ. Tệ hại nhất, theo tờ The Intercept, ở tiểu bang Arizona, cứ ba nhân viên Amazon thì có một người phải sống nhờ tem phiếu thực phẩm. Ở hai bang Pennsylvania và Ohio tỷ lệ có khá hơn: 1 trên 10 nhân viên nhưng nếu tôi là Jeff Bezos, ắt sẽ xấu hổ lắm khi nghe một nhân viên than: “Tôi làm việc cho người giàu nhất thế giới và tôi sống ngay trên xe tôi” (câu chuyện của Vickie Shannon Allen kể cho tờ The Guardian về việc cô làm cho Amazon rồi bị tai nạn lao động rồi trở thành người vô gia cư như thế nào). Nói cách khác Amazon thuê mướn đến 220.000 nhân viên ở Mỹ nhưng nhiều người trong số họ lương không đủ mua thức ăn.

Tưởng vậy là đã quá đáng, Amazon còn thêm thủ thuật bắt nhân viên ký hợp đồng “không cạnh tranh”, có nghĩa bắt nhân viên hứa sau khi nghỉ làm thì trong vòng 18 tháng không được làm việc cho công ty “trực tiếp hay gián tiếp” cạnh tranh với Amazon. Với quy mô ngày càng mở rộng của hãng này, ký như thế là bịt đường xin việc của cựu nhân viên, không chỉ ở Walmart mà còn ở công ty vận chuyển, công ty logistics, nhà kho hay cửa hàng bán lẻ...

Một khảo sát trên tờ The Economist cho biết mỗi khi Amazon mở một trung tâm giao hàng ở đâu thì lương công nhân nhà kho ở khu vực đó bị ép giảm. Ở những địa phương không có trung tâm Amazon thì công nhân nhà kho hưởng lương chừng 45.000 đô la/năm; còn ở đâu có trung tâm Amazon, lương sẽ tụt xuống còn 41.000 đô la/năm. Số liệu khảo sát cho thấy Amazon mở trung tâm giao hàng thì sau hai năm rưỡi, mức lương bình quân ở quanh đó giảm 3%.

Tờ The Atlantic cũng cho biết Amazon chống lại việc thành lập công đoàn bằng cách đóng cửa nơi nào công nhân rục rịch tổ chức công đoàn, sa thải công nhân vận động thành lập công đoàn và thuê luật sư để đối phó lại các nỗ lực khác. Chính quyền Tổng thống Donald Trump không thích gì Amazon và ông chủ Jeff Bezos, đồng thời là chủ nhân tờ Washington Post. Trump từng lên án Amazon lợi dụng hệ thống bưu điện Mỹ để gửi hàng giá rẻ và đòi Amazon trả phí vận chuyển cao hơn. Nhưng chính sách chung của Mỹ hiện nay là thuận lợi cho Bezos vì cắt giảm thuế cho doanh nghiệp và người có thu nhập cao.

Mô hình có vấn đề

Tờ The Atlantic thì cho rằng lỗi không phải nằm ở Jeff Bezos ngày càng giàu trong khi bình quân dân Mỹ ngày nay nghèo hơn lúc xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2008. Bezos giàu vì đã tạo ra được một mô hình kinh doanh làm thay đổi cục diện ngành bán lẻ tận gốc rễ và đầy sức sáng tạo khi vươn ra nhiều lĩnh vực khác. Người viết lại nghĩ nếu Bezos giàu trên sự vất vả của công nhân mình, trên đống đổ nát của biết bao cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa vì Amazon thì sự giàu có đó đã mất đi một phần ý nghĩa.

Amazon còn làm giàu trên sự nhượng bộ của các địa phương mong thu hút đầu tư nên tạo ra cuộc đua ưu đãi mà người hưởng lợi là Amazon còn bên chịu thiệt hại là người dân bình thường. Ví dụ, tại Hạt Miami-Dade, năm ngoái Amazon đề nghị mở một kho hàng, hứa hẹn tuyển dụng 2.300 công nhân với mức lương 37.000 đô la/năm. Thế là hãng này được hưởng 1,5 triệu đô la tiền hoàn thuế và 5 triệu đô la trái phiếu để chỉnh trang cơ sở hạ tầng dựa trên các dự báo này. Thế nhưng cuối cùng, số lượng việc làm tạo ra còn 1.000; lương chỉ còn 27.500 đô la. Tờ The Intercept cho biết đây là cách Amazon vắt kiệt các địa phương để làm giàu cho mình. Khi tờ New York Times điều tra các ưu đãi cho Amazon vào năm 2012 thì tập đoàn này mới nhận 348 triệu đô la từ chính quyền tiểu bang và địa phương nhưng đến năm 2017, theo tờ Business Journal, con số ưu đãi đã lên 1,2 tỉ đô la!

Mức lương trung vị của Amazon là 28.446 đô la/năm trong khi nên nhớ trên nửa triệu nhân viên của Amazon trên khắp thế giới đâu phải ai cũng là công nhân đóng gói hàng; họ còn làm ở các bộ phận công nghệ cao như dịch vụ đám mây, các nhóm sáng tạo ra các sản phẩm dẫn đầu như loa thông minh Echo, máy đọc sách Kindle... Thế nhưng mức lương bình quân của các hãng công nghệ khác cao hơn nhiều, như Apple là 100.733 đô la/năm, Google là 190.854 đô la/năm và Facebook là 203.894 đô la/năm.

Tháng 7 vừa rồi công nhân Amazon tại châu Âu tuyên bố họ chịu đựng như thế là quá đủ: hàng ngàn công nhân làm việc tại các nhà kho của Amazon ở Đức, Ba Lan và Tây Ban Nha đình công để phản đối lương thấp, điều kiện làm việc tồi tệ và không được bảo hiểm y tế.

Thật ra tờ New York Times từng có một phóng sự dài về điều kiện làm việc ở Amazon và đọng lại từ bài báo này là hai hình ảnh. Một là công nhân ở một nhà kho Amazon tại Pennsylvania trong thời tiết nóng bức đến nỗi xe cứu thương đậu sẵn ở ngoài để chở công nhân nào ngất xỉu vào bệnh viện. Bị phản đối dữ quá, Amazon sau đó mới cho lắp máy lạnh. Hình ảnh thứ nhì là một câu trích từ một nhân viên Amazn được phóng lớn trong bài: “Gần như mọi người tôi có dịp làm việc chung, tôi đều thấy có lần khóc tại bàn làm việc”. Xây dựng một doanh nghiệp bị gán hình ảnh như thế chẳng có gì đáng tự hào. 

(Theo TBKTSG) 

Lùm xùm ly hôn vợ, Đặng Lê Nguyên Vũ bí ẩn, Trung Nguyên sóng gió

Lùm xùm ly hôn vợ, Đặng Lê Nguyên Vũ bí ẩn, Trung Nguyên sóng gió

Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ thêm lần nữa bất ngờ xuất hiện trước công chúng, nhưng ấn tượng để lại trái ngược với hình ảnh trau chuốt của dàn siêu xe.

Đề xuất mới về xếp lương quản lý doanh nghiệp chuyển vào làm việc trong cơ quan nhà nước

Đề xuất mới về xếp lương quản lý doanh nghiệp chuyển vào làm việc trong cơ quan nhà nước

Bộ Nội vụ đang dự thảo Thông tư sửa đổi khoản 8 mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc...

Rùng mình cảnh tay không vồ bắt hổ mang chúa trong rừng sâu Lào Cai

Rùng mình cảnh tay không vồ bắt hổ mang chúa trong rừng sâu Lào Cai

Theo lời “phường săn rắn”, ở địa phương đã có nhiều người bị rắn cắn dẫn đến tử vong hoặc mang tật suốt đời.

Lan tin ông chủ tiền ảo mất liên hệ, dân chơi lo sợ tiền 'tươi' thành tiền 'chết'

Lan tin ông chủ tiền ảo mất liên hệ, dân chơi lo sợ tiền 'tươi' thành tiền 'chết'

Tiếp theo tuyên bố phá sản và bỏ trốn của ông chủ Sky mining, các nhà đầu tư trên các diễn đàn tiền ảo mới đây lại rộ lên thông tin ông chủ Asama mining không liên lạc được, không trả tiền lãi cho nhà đầu tư. 

Khách Tàu sang Việt Nam mua hàng, tiền chạy về Trung Quốc

Khách Tàu sang Việt Nam mua hàng, tiền chạy về Trung Quốc

Du khách Trung Quốc khi đến Nha Trang thường dùng Wechat Pay để mua sắm. Dòng tiền chạy từ ví điện tử này qua ví điện tử Wechat khác chỉ “chạy” ở Trung Quốc, không có ở Việt Nam, khiến Nhà nước thất thu.

Vụ cà phê Trung Nguyên: Bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói gì?

Vụ cà phê Trung Nguyên: Bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói gì?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ ông chủ Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cũng là nhà đồng sáng lập, đồng sở hữu thương hiệu này hiện đang rất bức xúc với những gì đang xảy ra ở Trung Nguyên.