Để tránh việc thất thoát đất đai, tài sản nhà nước khi đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng, Bộ Tài chính đã xây dựng phương án ngăn chặn. Đây là lần đầu tiên có một văn bản quy định rõ việc đổi tài sản công lấy hạ tầng này.

Quản chặt việc thanh toán cho nhà đầu tư BT

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT.

Dự thảo Nghị định cho hay, một trong các nguyên tắc thanh toán dự án BT bằng tài sản công là “chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép" theo quy định của pháp luật và việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án BT theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị tài sản công thanh toán.

Bảo tàng Hà Nội là một dự án theo hình thức BT

Cụ thể, giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán theo quy định của pháp luật. Còn giá trị dự án BT được xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ hơn về thời điểm thanh toán dự án BT. Theo đó, đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất hoặc trụ sở làm việc, thời điểm thanh toán là thời điểm UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho Nhà đầu tư. Đối với trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng và các loại tài sản khác là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao tài sản cho nhà đầu tư.

“Thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản cho Nhà đầu tư được triển khai đồng thời hoặc sau khi hoàn thành dự án BT theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư”, dự thảo nêu rõ.

BT - nôm na là hình thức “hàng đổi hàng”, tức nhà đầu tư xây cho nhà nước một công trình, khi hoàn thành sẽ chuyển giao lại cho Nhà nước. Đổi lại, nhà đầu tư được nhận một phần đất khác.

Giá trị dự án BT ghi tại hợp đồng BT là toàn bộ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (nếu có), chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, lãi vay huy động vốn đầu tư, chi phí hợp lý khác (không bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng phát sinh và trượt giá theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật khác có liên quan).

Các loại tài sản nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư

Các tài sản nhà nước dùng để thanh toán cho nhà đầu tư BT tại các công trình, dự án “đổi đất lấy hạ tầng” là quỹ đất sạch, quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng, dùng trụ sở, tài sản kết cấu hạ tầng.

Với quỹ đất đã giải phóng mặt bằng, việc thanh toán được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Theo đó, trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT thì nhà đầu tư nộp phần chênh lệch bằng tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị dự án BT thì Nhà nước thanh toán phần chênh lệch cho nhà đầu tư bằng tiền tại thời điểm quyết toán dự án BT hoàn thành theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.

Còn việc sử dụng quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng để thanh toán dự án BT, dự thảo Nghị định nêu rằng: Căn cứ kết quả thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai.

Liên quan việc dùng trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT, dự thảo Nghị định quy định: Giá trị trụ sở làm việc thanh toán dự án BT là giá trị quyền sử dụng đất và giá trị theo đánh giá lại của tài sản trên đất.

Việc sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT đầu tư xây dựng công trình tại vị trí mới thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và được thực hiện sau khi có quyết định hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Giá tài sản trên đất phải đảm bảo phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại; giá trị quyền sử dụng đất (là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê) được xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường theo mục đích sử dụng đất mới, không thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định”, dự thảo nêu rõ.

Một hình thức khác để thanh toán cho nhà đầu tư BT là dùng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán. Theo đó, giá trị tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán dự án BT là giá trị quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng và pháp luật khác có liên quan.

Mới đây, Kiểm toán nhà nước cho hay, từ kết quả kiểm toán, cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.815 tỷ đồng đối với 21 dự án BT, tương đương 12,5% giá trị được kiểm toán (3.815 tỷ đồng/30.425 tỷ đồng).

Một dẫn chứng khác cho thấy, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ thanh tra 15 dự án BT, cả 15 dự án đều có sai phạm, ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có tới 14 dự án là chỉ định thầu, để lọt nhiều nhà đầu tư yếu kém.

Lương Bằng