ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) bày tỏ lo lắng trước thông tin Bộ GTVT cho rằng, tính tới thời điểm hiện tại chỉ có những nhà đầu đến từ Trung Quốc quan tâm tới các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam.

Cụ thể, thông tin được ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết tại phiên họp của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội mới đây. Tại đây, khi thông tin về tiến độ đầu tư dự án, ông Nhật cho biết, theo nghị quyết 52 của Quốc hội, từ nay đến 2021 sẽ đầu tư 654 km, chia thành 11 dự án, trong đó có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án BOT.

Với các dự án đầu tư công hiện không có vướng mắc gì, nhưng 8 dự án BOT thì nhà đầu tư trong nước không đủ năng lực tham gia còn nhà đầu tư Pháp, Mỹ, Anh, Nhật... chưa thấy ai tìm hiểu. Duy nhất có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm tới dự án.

{keywords}
Hình mô phỏng tuyến cao tốc Bắc - Nam được vẽ từ 10 năm trước. Ảnh: TEDI

Trước thông tin trên, đại biểu Lê Công Nhường cho biết, trước hết về việc các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thì phải xem lại cơ chế, chính sách của Việt Nam? Trách nhiệm này trước hết thuộc về Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính...

"Liệu chính sách của chúng ta đã đủ hấp dẫn, đủ hợp lý để các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn tham gia chưa? Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thế nào, vì sao lại không ai muốn tham gia?", ông Nhường đặt câu hỏi.

Vị đại biểu cho biết, thời gian qua, các nhà đầu tư nước ngoài thường than phiền rất nhiều về cách thức quản lý, thủ tục phức tạp, tham nhũng, thiếu minh bạch; thường yêu cầu giá rẻ, trong khi các nước phát triển thường làm chất lượng, giá thành cao; tỷ giá chưa ổn định... Vậy những rào cản trên đã được nhìn nhận và khắc phục thế nào?

Hơn nữa, dư luận cũng nói nhiều về các quy định đấu thầu mà chỉ nhà đầu tư Trung Quốc dễ dàng đáp ứng, việc này cơ quan quản lý đã nhìn nhận thấy chưa? Các tiêu chí ràng buộc để hoặc loại nhà thầu năng lực yếu hoặc ngăn chặn các chiêu trò của nhà thầu sau khi trúng thầu được thực hiện thế nào? Từ dự án Cát Linh - Hà Đông thì các quy định trên đã được rút kinh nghiệm và chỉnh sửa ra sao...?

Từ rất nhiều câu hỏi cần đặt ra, ông cho rằng, nếu còn vấn đề chưa rõ ràng khiến các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn khi tham gia đấu thầu các dự án BOT tại Việt Nam, có thể đưa ra lấy ý kiến công khai trước Quốc hội để điều chỉnh cho phù hợp.

Tiếp theo, đề cập tới việc chỉ các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc bày tỏ quan tâm tới các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam, vị đại biểu cho rằng phải thận trọng.

Ông phân tích: tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam là đường quốc lộ huyết mạch quốc gia xuyên suốt từ Nam chí Bắc là cột sống của đất nước, có vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng... vì thế không thể tạo nên thế độc quyền.

"Nếu để duy nhất một nhà đầu tư nước ngoài thực hiện toàn bộ 8 dự án BOT trải dọc suốt tuyến quốc lộ lối liền Bắc - Nam thì nguy cơ độc quyền rất lớn.

Độc quyền ở đây là độc quyền trong tổ chức thu giá phí, độc quyền trong kiểm soát tuyến cao tốc. Trong trường hợp nhà đầu tư kéo dài thời gian thi công, đẩy vốn, để tăng phí, kéo dài thời gian thu phí qua trạm BOT thì chúng ta sẽ tính thế nào? Có kiểm soát được không hay lại giống như các trạm BOT trước đây?

Trường hợp thứ hai, nếu xảy ra biến cố hoặc có tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư đóng trạm, dân sẽ đi lối nào? Điều này rất đáng ngại.

Với cơ chế quản lý, kiểm soát như thời gian vừa qua là rất khó khiến dư luận có thể yên tâm, tin tưởng. Liệu cuối cùng người dân có phải đóng thuế để chi trả cho nhà đầu tư nước ngoài?

Vì thế, trong trường hợp này, chỉ nên để nhà thầu Trung Quốc làm thí điểm một trạm BOT, không nên giao cả 8 dự án BOT cho nhà thầu của một nước", vị đại biểu cảnh báo.

Ông nhấn mạnh, việc lựa chọn nhà thầu phải được tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi, khách quan, minh bạch, không ưu ái chỉ định một nhà thầu nào.

Vị đại biểu lưu ý, điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng công trình, đúng tiến độ, không đội vốn, không lặp lại trường hợp nhiều dự án có nhà thầu Trung Quốc thời gian qua đều chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém. Từ trường hợp dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), ông Nhường cảnh báo, nhà thầu và nhà đầu tư Trung Quốc thường đưa ra giá thấp để trúng thầu, sau đó thi công rồi cố tình trì hoãn tiến độ để yêu cầu tăng vốn gấp 2-3 lần ban đầu, trong khi chất lượng công trình thường rất kém.

"Một phần trách nhiệm và năng lực của phía cơ quan quản lý nước chủ quản, là Việt Nam. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ và các cơ quan bộ, ban, ngành liên quan phải đủ năng lực quản lý, đủ công tâm, khách quan, luôn biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân thì mới kịp thời phát hiện và ngăn chặn được nhà đầu tư làm bừa" - ĐBQH Lê Công Nhường khẳng định.

(Theo Đất Việt)