- Mỗi lần điều chỉnh tỷ giá thì hoạt động xuất – nhập khẩu luôn là một tâm điểm chịu tác động. Sau hai lần điều chỉnh tỷ giá liên tiếp, dù bất ngờ và khá sốc nhưng giới xuất khẩu không thể giấu được cái sướng.

Xuất khẩu háo hức

Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm nhận định: “Tỷ giá tăng, các DN xuất khẩu sẽ được lợi rất nhiều. Chắc chắn họ sẽ háo hức đón nhận tin này. Những ngành hàng được hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá là nông thủy sản, dệt may, da giày... “.

Từ thực tế kinh doanh, một DN xuất khẩu gạo tại Lào Cai kể, trước 11/8, khi NDT chưa bị phá giá, xuất một tấn gạo cho khách Trung Quốc (TQ), tính ra tiền Việt, thu về 11,6 triệu đồng. Nhưng từ 14/8 NDT giảm giá, 1 tấn gạo xuất đi, chỉ thu về được 11,3 triệu đồng, mất 300 nghìn đồng. Nay VND giảm giá, quy đổi 1 NDT “ăn” 3.500 đồng như trước, thiệt hại không còn, vì vậy rất mừng.

Trong khi đó, một DN xuất khẩu thủy sản trực tiếp đi Mỹ cho biết, lợi ích là nhìn thấy rõ, nhất là khi DN có nguồn thu trực tiếp từ USD. Đồng USD vẫn mạnh lên trong khi VND giảm giá chắc chắn sẽ kích thích xuất khẩu. Nếu không có gì đột biết, lợi nhuận của các DN xuất khẩu thủy sản năm nay tăng lên chắc chắn có yếu tố tăng tỷ giá lần này.

Chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “các DN xuất khẩu có lợi thấy rõ, các DN trong nước cũng nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa TQ. các DN, ngân hàng, và người dân cũng không dại gì mà giữ ngoại tệ mà họ duy trì trạng thái Việt Nam đồng để có lợi hơn”.

{keywords}

Sau hai lần điều chỉnh tỷ giá liên tiếp, dù bất ngờ và khá sốc nhưng giới xuất khẩu không thể giấu được sự háo hức.

Báo cáo về tiền đồng giảm giá của HSBC nhấn mạnh: TQ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, chiếm tới 21% tổng thương mại. NDT yếu hơn sẽ làm trầm trọng hơn nỗi lo sợ xuất khẩu sang thị trường TQ giảm sút, từ đó có thể đẩy cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt sâu hơn. Thậm chí, TQ là đối thủ cạnh tranh xuất khẩu chính yếu của Việt Nam, đặc biệt ở các mặt hàng sản xuất. Việc phá giá VND lần này là một bước đi cần thiết để đảm bảo các nhà xuất khẩu của Việt Nam duy trì năng lực cạnh tranh trên các thị trường quốc tế.

Trên cơ sở so sánh số liệu toàn cầu, HSBC cho biết, thời gian gần đây, Việt Nam là một nền kinh tế xuất khẩu mạnh mẽ. Việt Nam là quốc gia duy nhất có mức tăng trưởng dương với một biên độ dù chiếc bánh thương mại toàn cầu không có tăng.

Chính vì thế, HSBC khẳng định, VND đã có phản ứng phù hợp, giảm gần 3% so với đồng USD trong tuần vừa qua. Và nếu phải chấp nhận giảm giá tiếp tiền đồng nữa từ nay đến cuối năm khi NDT yếu hơn cũng sẽ tạo ra một môi trường ngày càng cạnh tranh cho ngành xuất khẩu của Việt Nam.

Nhập khẩu tính nước đối phó

Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam thừa nhận tỷ giá tăng sẽ gây khó cho các DN thức ăn chăn nuôi, vì chi phí nhập khẩu chiếm 60%- 65% trong tổng chi phí. Người chăn nuôi phải mua thức ăn giá cao. Hiện các DN nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đang tìm nguồn cung mới từ Nga, châu Âu, Nhật Bản... để tận dụng cơ hội khi đồng bản địa của các nước này đang giảm mạnh.

{keywords}

Trong khi đó, nhiều công ty nhập khẩu "đứng ngồi không yên" sau những đợt tỷ giá tăng vừa qua.

Nhiều công ty nhập khẩu cũng "đứng ngồi không yên" sau những đợt tỷ giá tăng vừa qua. Một DN nhập khẩu ô tô tại Hà Nội cho biết, công ty ông có thể bị thiệt khoảng 500 triệu đồng, do tỷ giá tăng cho một đơn hàng 1 triệu USD.

Ngay cả các DN xuất khẩu cũng phải tính toán, một DN làm hàng xuất khẩu may mặc tại Hà Nội lo ngại khi đối tác cung cấp nguyên liệu đã đặt vấn đề tăng giá thêm 3%. Điều này khiến chi phí đầu vào của sản phẩm tăng cao, làm mất tính cạnh tranh của hàng hóa khi xuất khẩu.

Không những thế, tỷ giá tăng, sẽ ảnh hưởng lớn đến DN vay nợ nước ngoài. Hiện lãi suất vay USD vào khoảng 5%/năm, nay tỷ giá tăng, gây áp lực rất lớn, từ đó ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh và cuối cùng tác động lên cổ phiếu, khiến những DN đã "trót" vay bằng USD như "ngồi trên lửa".

“Các DN nhập khẩu sẽ thiệt thòi, khi phải mua USD với giá đắt hơn. Tuy nhiên, chúng ta buộc phải điều chỉnh, trước áp lực phá giá đồng tiền của Trung Quốc, cùng hàng loạt các nước trên thế giới. Việc tỷ giá biến động liên tục trong năm nay, chắc chắn trong ngắn hạn, sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường, nhưng sau các đợt biến động, thị trường sẽ ổn định quanh mức cân bằng mới”, Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm nhận định.

Trong khi đó, việc nới tỷ giá, rõ ràng sẽ khiến Việt Nam thêm gánh nặng nợ công. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hiện đồng EURO và đồng yên Nhật cũng chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong nợ công. Việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND có thể không ảnh hưởng, vì trong cơ cấu nợ công, có những đồng tiền đã yếu đi rất nhiều, như đồng EURO, đồng yên Nhật...

Việc nới tỷ giá VND cũng sẽ không ảnh hưởng quyết định của các nhà đầu tư. Họ sẽ cân nhắc về sự ổn định đồng tiền của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới, từ đó đưa ra quyết định đầu tư. Không những thế, khi VND rẻ hơn, còn kích thích các nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền vào, vì có lợi nhuận gia tăng hơn.

“Còn với người dân, tăng tỷ giá, sẽ làm gia tăng lạm phát, ảnh hưởng rõ rệt đến túi tiền của mọi người. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát thấp như hiện nay, chúng ta hãy bớt lo lắng”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

Trần Thủy - Lê Hà