Tăng trưởng nông nghiệp có dấu hiệu suy giảm trong vài năm trở lại đây, từng được cảnh báo từ 8 năm trước. Các chuyên gia cho rằng, đây không phải là điều bất ngờ.

Tài nguyên cạn, nông dân khó

Lần đầu tiên sản xuất nông nghiệp rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, tăng trưởng của ngành nông - lâm - thuỷ sản giảm tới 0,18%, tương ứng 397.400 tỷ đồng.

Nguyên nhân, Bộ NN-PTNT lý giải, là do sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn, giảm mạnh so với cùng kỳ khiến nông nghiệp giảm 0,78%.

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), cho rằng, nông nghiệp tăng trưởng âm không khiến người khác bất ngờ, song vẫn làm cho mọi người trở tay không kịp.

Theo ông Sơn, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp đã có dấu hiệu suy giảm trong vài năm trở lại đây, năm sau tăng trưởng chậm hơn năm trước. Nguy cơ này đã được cảnh báo từ cách đây 8 năm, song vẫn gây ngạc nhiên khi 6 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên nông nghiệp tăng trưởng âm trong suốt 30 năm đổi mới.

{keywords}
Tình trạng hạn hán xâm nhập mặn kỷ lục diễn ra trên diện rộng trong năm nay

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, ông Sơn nói. Thứ nhất, năm nay thời tiết bất lợi. Rét đậm rét hại kéo dài khiến hàng vạn con trâu bò ở các tỉnh miền núi phía Bắc chết. Tiếp đến là hạn hán kỷ lục tại các tỉnh miền Trung và hạn mặn ở các tỉnh ĐBSCL làm cho năng suất cây trồng giảm mạnh, diện tích nuôi trồng thuỷ sản co hẹp,...

"Nguyên nhân chủ quan chính là tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, trong khi nông dân cũng kiệt sức’", ông Sơn nói.

Ông Sơn phân tích, bản thân xuất phát điểm của ngành nông nghiệp Việt Nam rất thấp, quy mô đất đai thuộc diện nhỏ nhất vùng. Người nông dân lại không biết cách tổ chức lại. Chính sách phát triển theo chuỗi liên kết thì không có sự đột phá. Doanh nghiệp nông nghiệp lại nhỏ và cực yếu. Họ không liên kết với nhau và với nông dân.

Ngoài ra, đầu tư cho nông nghiệp rất nhỏ. Hiện đầu tư toàn xã hội cho ngành mới đạt 5%.

Theo ông Sơn, điều này là bất hợp lý và không công bằng bởi nông nghiệp là lĩnh vực đóng góp 18-20% GDP, là ngành có gần 50% lao động làm việc, đóng góp 1/4 kim ngạch xuất khẩu. Nông nghiệp trở thành ngành duy nhất xuất siêu, cán mốc xuất khẩu đạt 31 tỷ USD.

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp lại quá lạc hậu. Công nghiệp phục vụ cho ngành nông nghiệp yếu kém, sản phẩm đầu ra có đến 80% bán thô nên công sức đầu tư nhiều nhưng giá trị thu được rất thấp.

Ông Sơn nhận xét, sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam vẫn thế, nếu có hơn chỉ là đầu tư mua được thêm vài loại máy móc cũ từ Trung Quốc, Nhật Bản. Còn nông dân tự vật lộn. Họ đã không được tiếp viện, không được yểm trợ... Vì đơn độc trên thị trường nên dần kiệt sức là điều tất yếu.

Trong khi đó, chúng ta tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên quá nhiều, dẫn tới cạn kiệt nên tốc độ tăng trưởng cũng bắt đầu chững lại. "Tài nguyên đất, nước,... và sức lao động đã được huy động hết. Duy chỉ có vốn là không vào. Nếu bây giờ tiếp tục khai thác tài nguyên, sức lao động nữa thì ngành nông nghiệp vẫn không thể tăng trưởng như kỳ vọng", ông Sơn cho hay.

{keywords}
Tăng trưởng ngành nông nghiệp sẽ bấp bênh trong vài năm tới

Tổ chức lại ngành nông nghiệp

Trong khi đó, ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), lại cho rằng, nông nghiệp tăng trưởng âm hay không chưa đáng lo ngại. Nó có thể tăng hoặc giảm phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan và khách quan.

Tuy nhiên, điều đáng lo là chúng ta tự tạo ra mâu thuẫn. Ví như, muốn vươn ra thị trường thế giới, muốn cạnh tranh sản phẩm nông sản với các nước khác nhưng chúng ta lại tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tiểu nông, manh mún nhỏ lẻ,...

Việt Nam muốn đưa sản xuất chăn nuôi lên một ngành lớn, làm ra một cánh đồng mẫu lớn, nhưng lại vấp phải những trở lực do chính chúng ta tạo ra. Đó là làm sao để tập trung ruộng đất khi còn vướng Luật Đất đai? Cánh đồng mẫu lớn, vì thế, thực chất là cánh đồng mẫu nhỏ.

Chúng ta chật vật tìm thị trường, thị trường đó đòi hỏi chuẩn mực rất cao. Nhưng, một sản phẩm lại được sản xuất từ hàng nghìn người nông dân, từ hàng nghìn mảnh đất khác nhau với những giống khác nhau, cách chăm sóc khác nhau. Kiểu sản xuất như thế không bao giờ đáp ứng được các điều kiện của thị trường lớn và khó tính.

"Từ đó có thể thấy, muốn nông nghiệp tăng trưởng trở lại phải giải quyết được những mâu thuẫn trên", ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, gần đây ngành nông nghiệp bắt đầu đã có dấu hiệu tương đối tốt. Các doanh nghiệp lớn như TH True Milk, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup,... bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt. Song, đó mới chỉ mang tầm doanh nghiệp, cần phải được nhân rộng.

Ông Thắng cũng nhận định, 6 tháng cuối năm và nửa đầu năm 2017, nông nghiệp chưa có dấu hiệu nào đột phá để tăng trưởng trở lại. Còn trong 5 năm tới, nếu tận dụng được nguồn vốn nước ngoài, tận dụng được khoa học kỹ thuật từ các nước như Nhật Bản, Úc, Mỹ,... đầu tư vào Việt Nam thì may ra, nông nghiệp mới có sự chuyển biến tốt.

Giải pháp đưa khoa học công nghệ, áp dụng chính sách mới sẽ làm nông nghiệp tăng trưởng trở lại cũng là quan điểm của TS. Đặng Kim Sơn.

Tuy nhiên, muốn làm vậy phải chấp nhận đảo lộn, đưa cơ sở hạ tầng về nông thôn, khoa học công nghệ cũng như giáo dục phải đổi mới, bố trí cân đối giữa nông nghiệp với công nghiệp, thành thị với nông thôn, tránh chỉ tập trung vào hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM như hiện nay.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh, nhiều người nói khi bị dồn đến chân tường thì ắt sẽ thay đổi. Tuy nhiên, nếu muộn quá thì sẽ không thay đổi được.

Tại một hội thảo liên quan đến triển vọng ngành nông nghiệp mới đây, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, lo ngại, với khó khăn chồng chất, tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam trong ngắn hạn giờ chỉ dựa vào cầu may.

Bài viết có sự hợp tác của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bảo Hân