Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan đến hợp đồng tổng thầu (EPC) nhà máy đạm Ninh Bình 12.000 tỷ thua lỗ.

Theo đó, việc xử lý tồn tại của hợp đồng EPC dự án nhà máy đạm Ninh Bình thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu. Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình và chịu trách nhiệm xử lý dứt điểm các tồn tại về hợp đồng.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát tính pháp lý của hợp đồng EPC của dự án, bảo đảm tuân thủ các quy định về hợp đồng xây dựng, làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia, trách nhiệm của các cá nhân trong quá trình thực hiện.

{keywords}
Nhà máy đạm Ninh Bình 12.000 tỷ tạm hoạt động trở lại từ đầu 2017 sau thời gian đắp chiếu

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, căn cứ vào kết quả giải quyết các nội dung tồn tại của hợp đồng, thực hiện quyết toán hợp đồng EPC. Đối với các nội dung công việc, gói thầu, hạng mục công trình độc lập hoàn thành đưa vào sử dụng, việc quyết toán thực hiện theo quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.

“Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thu xếp vốn để thanh toán theo hợp đồng đã ký kết. Trường hợp vay vốn, chủ đầu tư cần có phương án vay, trả nợ hợp lý gửi các ngân hàng thương mại thẩm định, quyết định việc cho vay phù hợp với Luật tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật”, văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.

Trước đó, trong kết luận thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình, Bộ Công Thương đã chỉ ra nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án này với nhà thầu Trung Quốc là Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu.

Chẳng hạn, chủ đầu tư cấp than cho nhà thầu phục vụ chạy thử vượt so với hợp đồng EPC. Hợp đồng EPC còn có điểm bất lợi cho chủ đầu tư về trách nhiệm của nhà thầu khi vượt lượng than chạy thử.

“Đây là một trong số các nguyên nhân của việc chưa quyết toán được Hợp đồng EPC”, Bộ Công Thương lưu ý.

Đáng chú ý, nhà thầu EPC thi công chậm tiến độ so với Hợp đồng đã ký là 420 ngày. Điều này làm phát sinh chi phí, riêng số tiền lãi vay đã trả trong thời gian Hợp đồng EPC bị kéo dài là 527 tỷ đồng.

Hay, chủ đầu tư nhận bàn giao tạm thời nguyên trạng nhà máy từ Nhà thầu khi các thông số kỹ thuật “chưa đạt theo Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và Hợp đồng EPC đã ký”.

Đến nay, sau hơn 4 năm vận hành thương mại nhưng chủ đầu tư và nhà thầu chưa tiến hành ký nghiệm thu bàn giao Dự án chính thức và vẫn đang trong quá trình tiếp tục đàm phán để xử lý các tồn tại của dự án.

Kết quả là sản xuất kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình liên tục lỗ từ năm 2012 đến năm 2015.

Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi lỗ kế hoạch được đặt ra trong 3 năm đầu là 1.025 tỷ đồng. Trên thực tế, tổng lỗ lũy kế từ khi Nhà máy đi vào sản xuất năm 2012 đến 31/12/2014 là 1.719 tỷ đồng, vượt 694 tỷ đồng.

Cũng theo đó, từ năm thứ 4 trở đi nhà máy sẽ có lãi nhưng thực tế năm 2015 (năm thứ 4) công ty lỗ 364 tỷ đồng.

Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai phạm, khuyết điểm; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự án Đạm Ninh Bình là 1 trong 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương.

L.Bằng