Dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng (PVTex Hải Phòng) là một trong 12 dự án kém hiệu quả ngành Công Thương. Dự án đã phải trải qua thời kỳ đen tối khi phải dừng hoạt động. Không rót thêm vốn nhà nước nhưng cơ chế và sự hợp tác với các nhà đầu tư mới đang “hồi sinh” dự án.

Số phận của Vũ Đình Duy trong vụ án PVTex

Tái khởi động PVTex bắt đầu khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tìm được đối tác để vận hành lại nhà máy - đó là Tổ hợp An Phát Holdings + Fortrec Chemical + Reliance Pte. Ltd. (Tổ hợp An Phát Holdings).

Để thực hiện giai đoạn 1, ngày 24/7/2018, PVTEX đã ký Hợp đồng gia công sợi DTY trực tiếp với An Phát Holdings và đơn vị được An Phát Holdings ủy quyền thực hiện là CTCP xơ sợi tổng hợp An Sơn (AST).

Trong hợp đồng nêu rõ, để có thể triển khai thì An Phát Holdings và/hoặc thành viên khác của An Phát Holdings, trong vòng 30 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, ký kết được thỏa thuận bao tiêu sản phẩm hạt nhựa PP của Nhà máy lọc dầu Dung Quất (BSR) với số lượng tối thiểu bằng 35% tổng sản lượng trong thời hạn 5-10 năm, giá bao tiêu tương đương các khách hàng hiện tại của BSR và trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến lợi ích của Lọc dầu dung Quất.

{keywords}
PVTex đã sống lại sau thời gian dài đắp chiếu.

Sau khi khởi động lại, lũy kế tính đến ngày 20/10/2018, PVTEX đã ký hợp đồng bán hơn 1.200 tấn sợi các loại cho khách hàng với tổng giá trị trước thuế gần 48 tỷ đồng và doanh thu mang về cho công ty gần 40 tỷ đồng.

Sau gần 3 năm tạm ngừng hoạt động, khi vận hành thương mại trở lại, PVTEX đã sản xuất kinh doanh có lãi, sau tròn 6 tháng với khởi đầu là 3 dây chuyền sản xuất sợi DTY, lãi chưa bao gồm định phí là hơn 500 triệu đồng.

Từ 1/11/2018, PVTEX đã bước vào giai đoạn mới khi chính thức nâng công suất phân xưởng sợi DTY lên gấp đôi giai đoạn đầu tiên với 6 dây chuyền sản xuất, dự kiến sẽ sản xuất khoảng 400 tấn sợi DTY/tháng.

Thế nhưng, câu chuyện về việc hợp tác sản xuất giữa PVTEX, đơn vị đang chịu trách nhiệm quản lý, vận hành Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ, và Tổ hợp APH đang bị nhiều ý kiến đặt câu hỏi.

Để thực hiện cam kết với đối tác của PVTex, ngày 25/7/2018, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã tổ chức cuộc họp với 5 khách hàng (Công ty  OPEC, công ty Cổ phần hóa chất nhựa Đà Nẵng, Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ dầu khí miền Trung, Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (DMC), Công ty Cổ phần nhà và thương mại dầu khí) để thông báo về việc sẽ cắt giảm 35% khối lượng đã ký (tương đương 4.500 tấn/tháng) để bán lại cho Công ty An Phát Holding.

Việc này khiến nhiều đối tác của lọc dầu Dung Quất không đồng tình và cho rằng, việc BSR thực hiện cắt giảm 35% khối lượng sản phẩm nhựa PP theo hợp đồng đã ký với khách hàng để cung cấp cho An Phát Holdings là theo “mệnh lệnh hành chính” của PVN.

Ông Đinh Văn Sơn, Thành viên Hội đồng thành viên PVN, khẳng định, trong quá trình đàm phán, trao đổi hợp tác, chuyện các đối tác khi đàm phán hợp tác tận dụng lợi thế, vị thế của nhau trong hoạt động kinh doanh là bình thường và phù hợp với các quy định pháp luật.

“Ở đây, xin nhấn mạnh là PVN không can thiệp vào bất kỳ hợp đồng kinh tế nào, mà PVN chỉ thực hiện quyền và trách nhiệm được quy định theo pháp luật (Luật Doanh nghiệp, Điều lệ) để yêu cầu người đại diện vốn của Tập đoàn tại đơn vị triển khai nhiệm vụ để đạt được mục tiêu Ban Chỉ đạo đề ra là đưa Nhà máy PVTEX Đình Vũ vào vận hành toàn bộ, có hiệu quả. 12 dự án chưa hiệu quả, nếu không được xử lý, sẽ để lại gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế. Mục tiêu giải cứu các dự án chưa hiệu quả là nhất quán, công cụ Tập đoàn sử dụng trong trường hợp PVTEX là không đổi. Sản phẩm nhựa PP của BSR chỉ là một công cụ trong các giải pháp.” - ông Đinh Văn Sơn nói.

{keywords}
Tìm đối tác khởi động lại nhà máy PVTex là hợp lý.


Việc bán sản phẩm cho An Phát như một trong nhiều giải pháp để khởi động lại PVTex bỗng dưng bị nhận ý kiến phản ứng. Nhưng trên thực tế, việc BSR đồng ý cho 5 đối tác kể trên bao tiêu sản phẩm hạt nhựa PP của lọc dầu Dung Quất lại xuất hiện nhiều yếu tố được chính PVN lưu ý.

Mới đây, kết quả của Đoàn kiểm tra PVN về công tác tiêu thụ sản phẩm, trong đó có việc bao tiêu hạt nhựa PP này ở lọc dầu Dung Quất cho thấy việc lọc dầu Dung Quất lựa chọn những đối tác bao tiêu sản phẩm hạt nhựa PP có nguy cơ tạo ra thế độc quyền của một đối tác.

Điều đó có thể gây khó khăn cho lọc dầu Dung Quất trong việc có điều chỉnh các khách hàng mới mở rộng thị trường tránh rủi ro, thậm chí gây bất lợi cho BSR về kinh tế và giảm sự chủ động trong sản xuất kinh doanh như hiện nay khi muốn bán cho đối tác khác để thực hiện các chủ trương kinh tế - chính trị. 

Liên quan đến việc bán hạt nhựa PP của lọc dầu Dung Quất, Đoàn kiểm tra của PVN đánh giá: Mặc dù quy chế và quy trình nội bộ liên quan đến việc bán sản phẩm PP là tương đối đầy đủ nhưng quá trình thực hiện thực tế không phù hợp với quy chế đã ban hành. Chưa thực hiện theo chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí về việc sửa đổi quy trình đấu giá. Đặc biệt từ năm 2018, phương án bán sản phẩm PP mà BSR trình Tập đoàn để xem xét và phê duyệt đã không tuân thủ Quy chế kinh doanh sản phẩm của BSR. Do đó BSR cần phải xem xét lại tính khả thi và tính hiệu quả của các quy chế này.

Ngoài ra, do không có quy chế, quy trình nội bộ để thực hiện công tác đánh giá thị trường tiêu thụ và khách hàng nên trong quá trình triển khai dẫn tới việc các tiêu chí lựa chọn khách hàng tiêu thụ chưa thực sự phù hợp nên có thể dẫn tới hạn chế khách hàng tham gia tiêu thụ sản phẩm PP của Dung Quất hoặc chưa đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch khi xử lý tình huống, đặc biệt đối với các đơn vị là công ty con hoặc đơn vị trong ngành...

Do đó đoàn kiểm tra kiến nghị BSR cần rà soát lại việc xây dựng quy chế nội bộ để đảm bảo các quy chế nội bộ có tính áp dụng và khả thi trong quá trình thực hiện, đảm bảo hàng lang pháp lý cho việc tiêu thụ sản phẩm PP. Đồng thời Tập đoàn cần có đánh giá về tính cần thiết của việc quản lý tiêu thụ sản phẩm PP đối với BSR. Ngoài ra, BSR cần củng cố công tác pháp lý hợp đồng để đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro cho BSR; củng cố công tác dự báo và đánh giá thị trường để đảm bảo có thể dự báo tốt hơn và sát hơn với biến động của thị trường từng loại sản phẩm.

Riêng đối với việc bán sản phẩm PP cho Công ty An Phát, đề nghị BSR có báo cáo tổng thể, chi tiết về toàn bộ sự việc với Tập đoàn và đề xuất phương án xử lý đảm bảo phù hợp với quy chế nội bộ của BSR và các quy định pháp luật hiện hành.

Hơn hết, theo nhiều chuyên gia, hiện nay, khả năng đáp ứng nhu cầu sợi cho ngành dệt may ở trong nước còn rất hạn chế, phần lớn vẫn đang phải nhập khẩu từ nước ngoài về. Nếu có được nguồn nguyên liệu trong nước, như từ Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ, doanh nghiệp sẽ tiết giảm được chi phí rất nhiều.

Sau thời gian dài tạm ngừng sản xuất, nguồn lực về vốn của PVTEX có thể nói là đã cạn kiệt. Nhà nước cũng không được bỏ thêm vốn vào. Vì thế việc tìm kiếm hợp tác với một đối tác bên ngoài có đủ năng lực về tài chính, công nghệ, thị trường… là hướng đi duy nhất để trục vớt 1 đại dự án đã từng bị đắp chiếu theo đúng tinh thần chỉ đạo và Đề án đã được Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương trên nề tảng những cơ chế chính sách tuân thủ nguyên tắc thị trường.

H.Nam