Nông sản lên sàn

Dịch Covid-19 xảy ra, nhiều nông sản khó tiêu thụ và xuất khẩu. Hồi tháng 4 năm nay, Bến Tre là địa phương đầu tiên được mời tham gia chương trình “Làng nghề đặc sản online”. Kết quả ghi nhận của sự kiện này ngoài sự mong đợi.

Theo báo cáo tổng kết của Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, chủ đề “Ngày của làng Dừa Bến Tre Online” thu hút sự quan tâm theo dõi của người tiêu dùng khắp nơi trong và ngoài nước. Doanh nghiệp ngành dừa đã tận dụng tốt cơ hội để quảng bá sản phẩm, nâng cao thương hiệu, tăng doanh thu bán hàng, tạo được tiếng vang trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Thực tế, dừa Bến Tre nổi tiếng, được cả nước biết đến, tuy nhiên, sự hiểu biết về dừa, các sản phẩm từ dừa vẫn chưa thật sự tường tận, đặc biệt là công dụng của các sản phẩm dừa, các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm thủ công mỹ nghệ,... theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).

{keywords}
Cách tiếp cận mới: bán hàng nông sản qua sàn thương mại điện tử 

VECOM khẳng định, sản phẩm vùng miền rất cần được quảng bá rộng rãi, thay đổi phương thức bán hàng để có thể đi xa hơn trong các hoạt động thương mại hiện đại.

Sau Bến Tre, các địa phương khác như Long An, Đồng Tháp, An Giang,... cũng ấp ủ những kế hoạch riêng để đưa nông sản địa phương lên sàn thương mại điện tử, mở ra cánh cửa tiêu thụ mới cho người dân và doanh nghiệp địa phương; đồng thời, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm đặc sản vùng miền với giá tốt.

Tại Lào Cai, đầu năm 2019, tỉnh này đã chọn sàn Postmart như một giải pháp xúc tiến thương mại trọn gói với mức chi phí phù hợp và hiệu quả để cung cấp cho địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chế biến.

Bằng việc hỗ trợ giải pháp đưa sản phẩm như hình ảnh, thông tin chi tiết sản phẩm, giá cả,… lên sàn giao dịch thương mại điện tử, Bưu điện tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ cho các nhà cung cấp một giải pháp khép kín từ việc đưa sản phẩm đến xúc tiến bán hàng, giao hàng và thanh toán tiền đều được thực hiện nhanh chóng.

Người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước dễ dàng mua các nông sản đặc trưng Lào Cai chỉ bằng một click chuột. Hiện, Lào Cai đã có 38 sản phẩm đặc sản được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử này.

Nông dân vào cuộc chơi lớn 43 tỷ USD

Thành công bước đầu của Lào Cai hay Bến Tre cho thấy, thương mại điện tử đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp lớn nhờ vào tính cạnh tranh bình đẳng và linh hoạt của môi trường kinh doanh số.

Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới. Bởi vậy, việc doanh nghiệp, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, cập nhật cách thức kinh doanh từ truyền thống sang kinh doanh online là xu thế tất yếu.

Theo khảo sát của VECOM, năm 2019, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt trên 32%, đưa tốc độ tăng trưởng của cả giai đoạn 2016-2019 đạt khoảng 30%.

Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD, dự báo năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô thương mại điện tử sẽ vượt 15 tỷ USD.

Còn theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, nhiều khả năng quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Báo cáo mới đây do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố cho thấy: “Đại dịch Covid-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.”

{keywords}
Nhiều đặc sản vùng miền được đưa lên sàn

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cũng cho rằng: Mặc dù hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất - kinh doanh nhằm vượt qua khó khăn. Thương mại điện tử sẽ  phát triển ngày càng mạnh và được coi là lĩnh vực sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam.

Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử tăng từ 10-30%, có đơn vị tăng tới 50%; trong đó doanh thu bán lẻ của thành phố đang chiếm 8% trong tổng mức doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng. Chỉ số phát triển thương mại điện tử của Hà Nội và TP.HCM luôn là hai thành phố dẫn đầu cả nước.

Hỗ trợ từ doanh nghiệp Việt

Gần đây nông sản Việt đánh dấu bước chuyển mình khi nhiều doanh nghiệp triển khai các sàn thương mại điện tử chuyên về lĩnh vực này như Voso của Viettelpost hay Postmart của Vnpost. Thay vì đối đầu trực tiếp với nhóm 4 đại gia, Voso và Postmart lại chọn hướng khai thác đặc sản vùng miền và tiếp cận thị trường nông thôn nhờ tận dụng mạng lưới giao hàng và bưu cục rộng khắp.

Các sàn cung cấp cho người nông dân thêm một kênh bán hàng, đặc biệt là các sản vật địa phương, đến tận tay người tiêu dùng, không nhất thiết phải qua thương lái bán buôn.

Việc Viettel Post, Vietnam Post vừa ra mắt sàn đặc sản chứng tỏ giờ đây, thương mại điện tử không chỉ có các "ông lớn" về công nghệ hay hơi hướng công nghệ, mà các giá trị nông sản Việt đang được quan tâm đặc biệt.

Voso nhấn mạnh sẽ trực tiếp đồng hành và trang bị cho bà con nông dân, các hợp tác xã những kiến thức về kinh doanh thương mại điện tử 4.0, giúp giới thiệu, quảng bá rộng rãi sản vật địa phương trên nền tảng số. Trong khi đó, Viettel Post cam kết mang đến những sản phẩm dịch vụ công nghệ tốt nhất trong hệ sinh thái của Viettel để đảm bảo tính hiệu quả cũng như lợi ích của bà con nông dân.

Chuyên về nông sản Việt, Postmart đang bán hàng chục nghìn sản phẩm đặc sản các loại thuộc về những ngành hàng: Nông - lâm - thủy sản (hàng khô); thực phẩm thảo dược bổ dưỡng; thực phẩm chế biến, đồ uống; đồ thủ công và nhiều ngành hàng khác.

Ngay từ khi mới ra mắt, sàn giao dịch thương mại điện tử này được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối kết nối doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất uy tín của 63 tỉnh, thành đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Qua đó, giúp phát huy tối đa các lợi thế doanh nghiệp và địa phương.

Điểm yếu của đa số người nông dân, doanh nghiệp nhỏ chưa sẵn sàng đầu tư ứng dụng thương mại điện tử. Ngoài việc bị hạn chế tài chính, các doanh nghiệp còn thiếu trang thiết bị, nhân sự triển khai ứng dụng thương mại điện tử. Đặc biệt, nhân lực chưa đủ kiến thức, kỹ năng quản lý, vận hành, ứng dụng thương mại điện tử là điểm hạn chế lớn, cần được đào tạo, tập huấn.

D.Anh