Hà Giang đạt mục tiêu thu hút 1,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.400 tỷ đồng vào năm 2020. Để đạt được con số này, tỉnh đang tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch và kêu gọi thu hút đầu tư.

Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch “Hũng vĩ Hà Giang” diễn ra ngày 18/8 tại Hà Nội, sau thành công của hội nghị tương tự tại TP.HCM.

Lần “xuống núi” này, Hà Giang muốn giới thiệu các điểm du lịch mới để các DN lữ hành tìm hiểu đưa vào khi thiết kế tour tuyến mới, đồng thời cũng kêu gọi các công ty, tập đoàn đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đó là các sản phẩm: chinh phục Chiêu Lầu Thi, đỉnh núi cao thứ nhì ở Hà Giang; tour vượt thác Minh Tân với các hoạt động thể thao như chèo thuyền kayak, trượt nước; tour Cán Tỷ - Cổng Thành chuyên về tìm hiểu văn hóa lịch sử và tour dù lượn bay trên cao nguyên đá Đồng Văn.

{keywords}
Chiêu Lầu Thi, điểm đến mới ở Hà Giang (ảnh báo Hà Giang)

Góp thêm sản phẩm mới cho tỉnh, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM), cũng giới thiệu 3 điểm đến, đó là Tu Sản, tour Bắc Mê - Na Hang và động Lùng Khúy.

Tuy nhiên, ông Dũng góp ý, hiện khách mới biết đến Hà Giang nhiều qua cao nguyên đá Đồng Văn, chợ phiên Đồng Văn, đỉnh Mã Pì Lèng,... nên khách ở Đồng Văn rất đông. Nhiều khi đoàn khách của công ty ông phải qua Mèo Vạc ngủ rồi sáng hôm sau quay lại đi chợ Đồng Văn, rất mất thời gian.

Hà Giang cũng bị ảnh hưởng của tính chất mùa vụ trong du lịch ở miền Bắc, tức mùa thu và mùa đông kín khách, còn mùa hè lại thưa vắng. Ngoài ra, do thời tiết khắc nghiệt, việc quảng bá chưa mạnh mới nhắm tới Đồng Văn,... nên theo ông Dũng, lượng khách đến đây chưa xứng với tiềm năng, lưu trú rất ngắn ngày.

Một DN du lịch khác ở Hà Giang cũng thừa nhận, khách từ phía Bắc lên Hà Giang chưa nhiều, chủ yếu đi theo các nhóm nhỏ, đi phượt hay khách về nguồn; còn khách từ phía Nam, Đà Nẵng lại nhiều hơn, thường đi theo đoàn lớn.

Mặc dù có nhiều cải thiện, nhưng hạ tầng cơ sở ở Hà Giang vẫn là rào cản lớn, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách, đặc biệt là khách “nhà giàu”. Cả tỉnh mới có 1 khách sạn 3 sa0, 18 khách sạn 2 sao, còn 42 khách sạn 1 sao và hơn 150 nhà nghỉ, homestay.

Số liệu thống kê của Hà Giang cho thấy, năm 2016, có 850.000 lượt khách đến tỉnh, tăng 12% so với năm trước. Lượng du khách đến đây vẫn tăng trưởng hai con số, khi 7 tháng đầu năm Hà Giang đã đón trên 500.000 lượt khách, doanh thu đạt hơn 400 tỷ đồng.

Tỉnh đang phấn đấu thu hút 1,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.400 tỷ đồng vào năm 2020.

Chính vì vậy, tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh mong muốn các DN đầu tư vào 4 lĩnh vực ở Hà Giang, gồm: đầu tư vào hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng, các khu vui chơi giải trí, các làng văn hóa và hang động. Tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục nhanh gọn,...

“Chỉ cần đăng ký kinh doanh qua mạng là đã có thể thành lập công ty hay chi nhánh ở Hà Giang. Chúng tôi đang thay đổi cách tiếp cận với các nhà đầu tư, như làm việc theo nhóm, hỗ trợ khởi nghiệp, các cuộc họp trực tuyến,... và tới đây có cơ chế hỗ trợ tối đa các DN”, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, cam kết.

Ngọc Hà