Chính phủ thể hiện quyết tâm đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Bên cạnh đó, lạm phát có thể tăng trở lại vẫn luôn được cảnh giác. Kinh nghiệm điều hành kinh tế cho thấy, một khi 'con hổ' lạm phát đã 'xổng chuồng' thì rất khó kiềm tỏa.

Kỷ lục 10 năm

Câu chuyện tăng trưởng GDP luôn trở thành tâm điểm dư luận những tháng vừa qua. GDP quý 2 tăng 6,17% so với cùng kì góp phần giúp tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt mức 5,73%.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, từng hào hứng khi so sánh tốc độ tăng trưởng của quý này so với quý trước vì tăng trưởng quý 2 cao hơn quý 1 tới hơn 1 điểm phần trăm (quý 1 GDP chỉ tăng 5,15%).

Việc GDP quý sau cao hơn quý trước là điều bình thường. Nhưng chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Công ty nghiên cứu thị trường Market Intello, cho rằng việc tăng tới hơn 1 điểm phần trăm “có thể được xem là mức tăng đột biến”. 

{keywords}
Tăng trưởng GDP quý 2/2017 có sự bứt phá mạnh.

Phân tích kỹ hơn, ông Đinh Tuấn Minh cho biết: Từ năm 2001 trở lại đây, chỉ có một lần duy nhất điều này diễn ra vào quý 2. Đó là vào năm 2009, khi tăng trưởng quý 1/2009 của Việt Nam chỉ đạt 3,14% do khủng khoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, và tăng trưởng quý 2 đã hồi phục trở lại, đạt mức 4,41%.

“Nếu chúng ta loại trừ trường hợp đặc biệt năm 2009, trong quá khứ từ 2001 tới 2016, mức tăng quý sau hơn quý trước trên 1 điểm phần trăm chỉ diễn ra 6 lần và đều rơi vào quý 3”, ông Minh thống kê để thấy mức tăng GDP quý 2 ấn tượng nhất 15 năm qua.

Chính phủ thể hiện quyết tâm đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 thông qua một loạt giải pháp. Về cơ bản, các giải pháp này hướng đến việc tăng tổng mức đầu tư toàn xã hội. Trong khi đó, chính sách tài khóa không còn nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ có vẻ như được Chính phủ cân nhắc.

Ngân hàng Nhà nước đã có một số động thái để theo đuổi chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Trước hết là việc thuyết phục Chính phủ và Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu nhằm củng cố, nâng cao năng lực hệ thống ngân hàng. Tiếp đến, vào ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước giảm 3 loại lãi suất chính sách 0,25 điểm phần trăm; và giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn cho một số lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5 điểm phần trăm, từ 7% xuống 6,5%. Những giải pháp này, sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và về dài hạn.

Tập đoàn Dầu khí đang tăng khai thác dầu thô để kích tăng trưởng.

Cảnh giác "con hổ" lạm phát

Chuyên gia Đinh Tuấn Minh chia sẻ: “Kinh nghiệm tăng trưởng nóng của nền kinh tế giai đoạn 2006-2008 cho thấy một khi “con hổ” lạm phát đã sổng chuồng thì rất khó có thể nhốt lại mà không khiến cho nền kinh tế phải trả giá”.

Theo vị chuyên gia này, những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng Chính phủ đề ra về cơ bản trông vào chính sách tiền tệ. Điều này có thể giúp cho nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao hơn vào cuối năm. Tuy nhiên, mục tiêu đạt 6,7% tăng trưởng GDP cũng như duy trì được mức tăng trưởng cao trong dài hạn vẫn là câu hỏi mở.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng, đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Cách tư duy mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô... sẽ cần được cân nhắc kỹ.

Ông Thành cũng cảnh báo rủi ro “lạm phát có thể quay trở lại bất cứ lúc nào” và các biện pháp hiện tại có thể dẫn tới khả năng lạm phát cao hơn trong năm 2018.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và  Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, lưu ý cần nhìn nhận 2 mặt của quyết tâm đạt tăng trưởng cao hơn. Chuyên gia này cho rằng Chính phủ vẫn coi ổn định vĩ mô là mục tiêu rất quan trọng.

"Không nên nhìn đơn thuần góc độ kinh tế" - ông Thắng nói. "Nếu chỉ nhìn ở góc độ kinh tế, rõ ràng Chính phủ đang tập trung các nguồn lực trong ngắn hạn để kích tăng trưởng. Điều đó có thể ảnh hưởng đến dài hạn".

Nhưng nếu đặt vấn đề, ví dụ tăng trưởng Việt Nam chỉ đạt 5%/năm, liệu có tạo ra cú sốc tăng trưởng, gửi ra cho DN tín hiệu nền kinh tế đang đi xuống, cầu đang đi xuống, không có lý do gì đầu tư thêm. Đó là điều cần nhìn một cách cân bằng.

Ông Trần Toàn Thắng cho rằng: Nếu nhìn đơn thuần kinh tế vĩ mô rõ ràng Chính phủ đang dồn sức cho tăng trưởng, nhưng việc ấy nếu được thực hiện một cách hiệu quả, cùng một đồng đầu tư công mà hiệu quả cao hơn thì vẫn là ổn. Nếu dùng các công cụ để ép tăng trưởng mà công cụ ấy không hiệu quả thì đó mới là vấn đề.

Lương Bằng