Các DN cho biết, nhiều mặt hàng của Việt Nam đưa sang Thái Lan bán hiện có giá rẻ hơn cả hàng Thái. Chất lượng cũng đảm bảo, nên có thể cạnh tranh được với hàng Thái ngay trên đất Thái.

Cạnh tranh hàng Thái

Lần đầu đi tiếp thị tại Thái Lan, bà Nguyễn Thái Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang cho biết, các sản phẩm của DN nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng tại đây.

Khách hàng ban đầu còn lạ lẫm vì thương hiệu mới, nhưng thấy giá rẻ hơn hàng nội địa, lại được giới thiệu là sản phẩm của DN hàng đầu Việt Nam nên tin tưởng. "Chỉ trong 1 buổi sáng chúng tôi đã bán hết sạch số hàng mang theo. Đây là cơ hội mở ra để Dn thâm nhập thị trường. Tới đây, chúng tôi sẽ lên kế hoạch đưa hàng sang Thái Lan bán", bà Nga nói.

Ông Đào Duy Tùng, Phó giám đốc Công ty thực phẩm Dakmark cho biết: "Sản phẩm cà phê của chúng tôi đã được xuất sang thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhưng chưa đưa sang Thái Lan. Lần đầu sang thị trường Thái nhưng không ngờ người tiêu dùng Thái Lan lại tỏ ra rất ưa thích. Điều này thôi thúc chúng tôi nhanh chóng đưa sản phẩm thâm nhập Thái Lan".

{keywords}

Nhiều sản phẩm của Việt Nam đã làm nhiều người tiêu dùng Thái mê mẩn.

Thực tế, thời gian qua, đã có 1 số mặt hàng của Việt Nam thâm nhập thị trường Thái và mang lại thành công bước đầu. Sản phẩm bún tươi, bánh hỏi thương hiệu Ba cô gái, hay bánh Bông lan... đã được bán tại nhiều siêu thị trên khắp Thái Lan và được khách hàng không chỉ là người Thái mà cả người Ấn Độ, Malaisia... ưa chộng.

Thái Lan là quốc gia có thế mạnh về nuôi và chế biến thủy sản, nhưng đến nay đã trở thành thị trường tiêu thụ lớn cá tra của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Thái Lan đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2015 và đạt kim ngạch 12 triệu USD trong quý 1/2016.

Ông Philippe Broianigo, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Central Group cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua Central Group vào Thái Lan tăng đều và đã đạt mức 20 triệu USD. Chắc chắn sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, bởi có rất nhiều sản phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng.

Các DN Việt Nam cho biết, ban đầu họ không tự tin khi mang hàng sang Thái tiếp thị. Mình có sản phẩm gì họ cũng có sản phẩm đó, cái gì của họ cũng được đánh giá tốt, nên nghĩ rằng mang hàng sang đây sẽ khó cạnh tranh. Nhưng khi tới nơi mới biết, người Thái rất cá tính và thích sự khác biệt. Họ luôn muốn sự đổi mới, nên những sản phẩm mang từ Việt Nam sang, mặc dù Thái Lan cũng có, nhưng vẫn thích sự mới lạ, bà Đặng Thị Trúc Lan Chi, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến, chuyên các sản phẩm về dừa tại Bến Tre nói.

Một số DN cũng cho biết, so về giá cả, hàng Việt hoàn toàn có khả năng cạnh tranh. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đưa sang Thái Lan bán hiện có giá rẻ hơn cả hàng Thái. Chất lượng cũng đảm bảo, nên có thể cạnh tranh được với hàng Thái ngay trên đất Thái.

Cơ hội vươn ra toàn cầu

Ông Philippe Broianigo cho rằng: "Đừng nên lo ngại khi các tập đoàn Thái Lan thâm nhập vào Việt Nam. DN Thái vào Việt Nam, cũng sẽ phát triển hệ thống nhà cung cấp tại chỗ, để cung cấp các sản phẩm không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu, trong đó có Thái Lan. Phải coi đây là cơ hội hợp tác giữa các DN, nhằm phát triển sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

"Việt Nam có chi phí nhân công rẻ và có tay nghề cao, nhất là trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, đó là lợi thế lớn. Cái cần nhất là phải nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nhất là hiện đại hóa khâu bao bì, đóng gói. Giải quyết xong vấn đề này, thì cơ hội thành công của hàng Việt Nam sẽ rất lớn trên thị trường quốc tế", Philippe Broianigo nói. 

{keywords}

Nhiều mặt hàng của Việt Nam đưa sang Thái Lan bán hiện có giá rẻ hơn cả hàng Thái.


Mới đây, Central Group và Bộ Công thương Việt Nam đã tổ chức hội chợ hàng Việt Nam tại Bangkok. Các sản phẩm bày bán tại đây như đồ gỗ, may mặc, vải thiều, thanh long, thậm chí cả khoai lang Việt Nam, đã làm nhiều người tiêu dùng Thái mê mẩn, ông Philippe Broianigo cho biết.

Ông Don Pramudwinai, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan, mới sang thăm Việt Nam cho biết, thương mại song phương Việt Nam - Thái Lan đã tăng trưởng hơn 40% trong suốt 5 năm qua. Ngay cả trước những biến động khôn lường của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, năm 2015 mức tăng trưởng tiếp tục đạt 10% với tổng kim ngạch lên tới gần 13 tỷ USD. Không khó để có thể hình dung rằng cả hai quốc gia có thể cùng phối hợp để tăng kim ngạch thương mại chung lên 20 tỷ USD vào năm 2020.

Một loạt các tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan đã bộc lộ tham vọng sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào sản xuất, chế biến nông thủy sản tại Việt Nam để phân phối toàn cầu.

Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc điều hành của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cho biết, trong 5 năm tới, các tập đoàn lớn của Thái Lan sẽ biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất để xuất khẩu các sản phẩm của họ sang các nước khác. Các DN Việt Nam cần coi đây là cơ hội lớn, để hợp tác, nâng cao những kỹ năng về quản lý, điều hành và đổi mới sản xuất, qua đó vươn ra toàn cầu, đem lại sự phát triển cho kinh tế đất nước.

Trần Thủy