Thủ tục pháp lý rườm rà, phức tạp cùng thái độ vô cảm của một số cơ quan Nhà nước và cá nhân đã ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án đầu tư xây dựng, khiến nhiều dự án bị ngâm hồ sơ, rất chậm trễ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, còn tình trạng: “Có 300 lạng việc này mới xong” như trong truyện Kiều đã viết.

Ngâm hồ sơ, thời gian làm thủ tục kéo dài

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng sáng 20/4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện các hoạt động đầu tư xây dựng đang chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật và rất nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn cùng hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật,... từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác.

Những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng.

Chẳng hạn, giai đoạn thực hiện dự án bắt đầu từ khi có quyết định phê duyệt dự án đến khi kết thúc, vướng mắc chủ yếu liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

Đó là tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài. Thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân mất khoảng 20 tháng, đặc biệt nhiều dự án bị kéo dài từ 5-10 năm do đơn giá đền bù đất, công trình trên đất chưa theo cơ chế thị trường; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa theo quy hoạch được duyệt làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng

Bên cạnh đó, quy định về thời hạn chậm triển khai thực hiện dự án bị thu hồi đất giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai chưa thống nhất, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư. 

Liên quan đến Luật Đấu thầu, thời gian lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành khá dài, dẫn tới tâm lý ngại nghiên cứu, chuẩn bị dự án bài bản,... Quy định sơ tuyển, đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án nhóm B trở lên chưa phù hợp. Dự án nhóm B có tổng vốn đầu tư thấp (từ 45 tỷ đồng trở lên), việc bắt buộc áp dụng sơ tuyển rộng rãi quốc tế và đấu thầu quốc tế có thể gây kéo dài thời gian và không thu hút nhà đầu tư quốc tế.

Giai đoạn đưa dự án vào vận hành khai thác, thời gian quyết toán vốn dự án hoàn thành của nhiều dự án bị kéo dài so với quy định. Theo thống kê, năm 2016, có tới 12.255 dự án vi phạm thời gian quyết toán (chiếm trên 14% dự án hoàn thành), trong đó hơn 5.400 dự án vi phạm thời gian quyết toán trên 2 năm, tăng hơn 1.100 dự án (27%) so với năm 2015.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay thời gian qua đã nhận được hàng nghìn phản ánh về khó khăn vướng mắc trong đầu tư xây dựng và đã tập hợp lại báo cáo Chính phủ.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, phản ánh, cách thức tổ chức thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng thiếu khoa học, làm tăng sự phức tạp và tốn kém.

Dự án cấp thành phố như Hà Nội, để xin cấp giấy chứng nhận đầu tư thì Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối tiếp nhận hồ sơ. Theo quy định, nếu hồ sơ hợp lệ thì sau 15 ngày có kết quả. Nhưng trên thực tế, Sở KH-ĐT lại gửi văn bản hỏi ý kiến tới các Sở Xây dựng, Quy hoạch kiến trúc, Tài chính, TN-MT, Cục Thuế và UBND quận nơi có dự án. Như vậy, thực chất phải qua 6 cửa mà cuối cùng DN phải làm việc trực tiếp với tất cả 6 cửa này để giải quyết công việc. Chính vì vậy, từ 1 thủ tục thành 6 thủ tục và thời gian kéo dài từ 5-6 tháng. Một dự án từ khi làm thủ tục đến khi tiến hành xây dựng, phải chuẩn bị từ 2 đến 3 năm.

Những bất cập này đang ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của các DN trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Nó gây ra nhiều hệ lụy, làm giảm hiệu quả các dự án và làm chậm sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Kiểm soát chi phí bôi trơn

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đất nước phải có nhiều công trình xây dựng khởi công và đi vào hoạt động thì kinh tế mới phát triển. Nếu cứ đắp chiếu nằm đó, thiệt hại vô cùng. Nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng rất lớn, trong 5 năm qua lên tới 2 triệu tỷ đồng, nhưng giải ngân rất thấp. Cả DN và người dân muốn đầu tư, nhưng còn vướng nhiều khó khăn cản trở.

Vấn đề là thủ tục pháp lý còn nhiều rườm rà phức tạp cùng thái độ vô cảm của một số cơ quan Nhà nước và các cá nhân, đã ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng. Nhiều cơ quan ngâm hồ sơ xây dựng quá lâu khiến tiến độ các dự án vô cùng chậm. Hiện tượng lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn lớn, tham nhũng, chi phí bôi trơn, chi phí không chính thức vẫn khó kiểm soát.

Tháo gỡ được những vướng mắc này sẽ tạo thông thoáng cho các nhà đầu tư, giúp giảm chi phí đầu tư xây dựng.

{keywords}
Thủ tướng cho biết, một số cơ quan Nhà nước, công chức không thực hiện đúng quy định, đùn đẩy trách nhiệm, ngâm hồ sơ xây dựng quá lâu, khiến tiến độ các dự án vô cùng chậm.

Do vậy, cần giải quyết tốt cơ chế để hoạt động đầu tư xây dựng trở nên thông thoáng và đơn giản hơn nữa, Thủ tướng nhấn mạnh.

Những vướng mắc nào thuộc về các quy định của Luật, cần tập hợp báo cáo Quốc hội chỉnh sửa. Còn những vướng mắc thuộc về các Nghị định, Thông tư thì Chính phủ và các Bộ ngành phải sửa ngay, tạo điều kiện cho đầu tư xây dựng. Phải nâng cao tính thần thái độ phục vụ nhân dân, phục vụ DN của công chức Nhà nước. Kỷ luật hành chính trong cơ quan Nhà nước phải được nâng cao, tránh tình trạng: “Có 300 lạng việc này mới xong” như truyện Kiều đã viết.

Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý theo quy định với những ai ngâm hồ sơ lâu. Cần minh bạch quy định về thời gian, đi liền với kiểm tra, kiểm soát,...

Cần phải rà soát, sửa đổi quy định pháp luật để thúc đẩy đầu tư xây dựng theo hướng đơn giản hóa, minh bạch hóa, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục "một cửa", "một cửa liên thông", hậu kiểm.

Ông cũng yêu cầu các cơ quan có liên quan phân tích những bất cập, vướng mắc xung quanh vấn đề đấu thầu, đất đai, giải phóng mặt bằng, đặc biệt sự phối hợp giữa nhà thầu và địa phương.

Vấn đề quan trọng nhất thời gian trước mắt là giải quyết những  khó khăn gây chậm tiến độ, chất lượng kém trong đầu tư xây dựng. Còn về lâu dài, phải sửa đổi các quy định không còn phù hợp về trình tự, thủ tục, quy chuẩn, định mức,... Thủ tướng chỉ đạo.

Trần Thủy

Môi trường kinh doanh đột phá: Doanh nghiệp lạc quan tăng tốc

Môi trường kinh doanh đột phá: Doanh nghiệp lạc quan tăng tốc

Các chuyên gia kinh tế cho biết, những cải cách về thủ tục hành chính, về môi trường đầu tư trong thời gian qua, đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và của nhiều DN.

Ba năm cải cách, môi trường kinh doanh chỉ hơn Lào, Campuchia

Ba năm cải cách, môi trường kinh doanh chỉ hơn Lào, Campuchia

Nhiều chỉ số của môi trường kinh doanh Việt Nam dù có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt trung bình ASEAN 6, chỉ nhỉnh hơn so với Lào và Campuchia.

Môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 9 bậc

Môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 9 bậc

Ngày 26/10, Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh 2017 (Doing Business), trong đó Việt Nam có môi trường kinh doanh cải thiện hơn so với báo cáo năm ngoái.

Thủ tướng: 10 điểm phải sửa về môi trường kinh doanh

Thủ tướng: 10 điểm phải sửa về môi trường kinh doanh

Chỉ ra 10 điểm tồn tại về môi trường kinh doanh, Thủ tướng cam kết cải cách toàn diện, với quan điểm: DN là đối tượng được Nhà nước phục vụ.