Tuy Bộ Giao thông Vận tải đã ra quyết định tạm ngừng cấp xe mới hợp đồng điện tử của các hãng gọi xe công nghệ, song liệu đây đã phải là kết quả cuối cùng?

Những ngày gần đây, việc đại diện hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM đồng loạt đưa kiến nghị siết chặt và dừng cấp phép, mở rộng đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử kiểu Uber trong năm 2017 đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

{keywords}

Liên quan đến đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Giao thông và Vận Tải cho biết sẽ tạm ngừng cấp xe mới hợp đồng điện tử của các hãng này, các xe đã đăng kí vẫn hoạt động bình thường. Tuy các cơ quan chức năng Nhà nước đã có những động thái đầu tiên sau khi tiếp nhận các luồng ý kiến, song đây chưa phải là kết quả cuối cùng.

Khi người tiêu dùng được lợi

Trên thực tế, với những đặc điểm ưu việt như sự nhanh chóng, tiện lợi, giá thành rẻ, việc ứng dụng công nghệ để kết nối vận tải hành khách trong thời gian qua đã thể hiện là một dịch vụ ứng dụng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, thuận tiện cho người dân – thể hiện được nhiều ưu điểm trước taxi truyền thống. Các ứng dụng gọi xe như Uber đang được xã hội và người dân ủng hộ, phù hợp với xu thế phát triển của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giao thông vận tải của quốc tế và Việt Nam.

Đứng về phía người tiêu dùng, đại diện Bộ Tư pháp và Bộ Khoa học - Công nghệ cho rằng không chỉ nên xem xét dưới góc độ nhà quản lý mà còn cần xem xét dưới góc độ người tiêu dùng. Ở khía cạnh này, rõ ràng taxi truyền thống cũng cần phải chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa.

Tuy nhiên, theo thông tin của Bộ GTVT, trước áp lực cạnh tranh để tồn tại, một số doanh nghiệp taxi truyền thống cũng đang từng bước đầu tư cải tiến, đưa ứng dụng công nghệ vào để hoạt động hiệu quả hơn, thuận tiện hơn cho người dùng. Đây là tín hiệu đáng mừng, đáng được khích lệ của một môi trường cạnh tranh tích cực, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Về lâu dài, sự thay đổi này hứa hẹn giúp giao thông đô thị của Việt Nam ngày càng theo kịp xu thế phát triển của khu vực và trên thế giới, ngày càng hiện đại và tiện lợi.

Thách thức mở ra cơ hội

Đứng về phía trực tiếp quản lý hoạt động đề án thí điểm của Uber, đại diện Vụ Giao thông Vận tải nhấn mạnh việc cần đưa ra giải pháp thay vì cấm hoạt động của các công ty dịch vụ công nghệ như Uber. Chủ trương của Bộ là nắm thế chủ động trong thay đổi để thích ứng với những hiện tượng kinh tế mới, phát triển theo xu thế kinh tế quốc tế. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Chúng ta phải đưa ra giải pháp chứ không thể không quản lý được thì cấm. Hoạt động của Grab và Uber thời gian qua đáp ứng được nhu cầu người dân và thể hiện được ưu điểm trước taxi truyền thống. Chúng tôi ủng hộ ứng dụng công nghệ vào vận tải nhưng đề nghị các hãng phải đảm bảo minh bạch trong các nghĩa vụ thuế, đảm bảo cạnh tranh công bằng.”

{keywords}

Bộ cũng chỉ ra những ưu điểm của việc cho phép các đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe tham gia chương trình thí điểm sẽ tạo tiền đề hành lang pháp lý để quản lý tốt hơn các đơn vị này. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang tiến vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, lấy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của đời sống làm nền tảng mà Việt Nam không thể đứng ngoài hay lùi sau, giải pháp khôn ngoan là thích ứng thay vì cấm đoán.

Việc phê duyệt và thông qua đề án thí điểm của các hãng như Uber là một động thái tích cực trong công tác phối hợp giữa nhà quản lý và các doanh nghiệp, hứa hẹn sẽ mang đến một môi trường kinh doanh rộng mở và nâng cao đáng kể hiệu quả hoạt động cũng như công tác quản lý đối với loại hình doanh nghiệp này. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cần có sự làm việc chặt chẽ với doanh nghiệp, nhanh chóng phát hiện những vấn đề cần đi sâu giải quyết, lắng nghe những đề xuất để có những bước đi phù hợp. Đây là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để Bộ cân nhắc hình thức quản lý sẽ áp dụng cho các mô hình mới như Uber theo đúng chủ trương: Thích ứng thay vì cấm đoán.

Ngọc Hải