- Không cần đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, nông dân trồng lúa ở nhiều địa phương vẫn tăng tới 20% năng suất, giảm ít nhất 1/3 chi phí nhân công, giống, phân bón chỉ bằng cách tận dụng ánh nắng mặt trời qua phương pháp cấy. Cách cấy này giúp giảm sâu bệnh một cách tự nhiên nên rất ít khi phải dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Đó là phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên của KS Chu Văn Tiệp - Trung tâm Tư vấn đào tạo và Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Hội Sinh học Hà Nội, từng giành giải Nhì giải thưởng Vifotec 2015. Tại chương trình hội nghị đầu bờ “Giao lưu nông dân - nhà khoa học về phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên” do Báo Khoa học và Phát triển, UBND huyện Vĩnh Bảo và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội phối hợp tổ chức tại huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng ngày 11/6, ông Tiệp cho biết hiện phương pháp này đã được ứng dụng tại 19 tỉnh, thành phố trên diện tích hàng vạn ha. Tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, tất cả 17/17 xã đều cấy theo phương pháp này.

Cấy thưa nhưng “ăn dày”

Lội xuống ruộng lúa giống J02 sắp thu hoạch tại xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, ông Triều, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Bảo, nâng những bông lúa nặng trĩu lên khoe thành quả vụ đầu tiên áp dụng cấy hàng biên: “Theo khuyến cáo của nhà cung cấp giống, tỷ lệ hạt chắc của giống J02 này là 90-120 hạt /bông, nhưng thực tế chúng tôi đếm được 145-170 hạt /bông. Số bông lúa mỗi khóm cũng rất cao, có khóm đến 42 bông. Bà con rất ngạc nhiên, hồi mới cấy họ lo lắm vì cấy thưa quá, chỉ 16-18 khóm/m2, trong khi trước đây vẫn cấy 45 khóm/m2”.

{keywords}

Nông dân các tỉnh tham quan ruộng lúa cấy hàng biên ở xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng).

TS Nguyễn Văn Biếu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Hà Nội, người đã đồng hành cùng KS Tiệp trong việc phổ biến cấy hàng biên ở nhiều địa phương, giải thích, việc cấy thưa giúp tận dụng ánh sáng chiếu vào gốc, thân, lá, kích thích các chồi mắt phát triển nên lúa đẻ sớm, đẻ khoẻ lại ít sâu bệnh. Tên gọi của phương pháp xuất phát từ một thực tế là những khóm lúa ở rìa ruộng thường nhiều bông, bông nhiều hạt và ít bệnh hơn nhiều so với lúa phía trong.

“Trong phương pháp của ông Tiệp, trung bình mỗi m2 chỉ cấy 8-16 khóm tùy đặc điểm của giống về chiều cao, dạng hình tán lá, sức đẻ nhánh. Cứ hai hàng lúa cách nhau 18-25 cm (hàng sông hẹp) lại có một khoảng trống rộng 38-65cm (hàng sông rộng). Đây là cách biến mọi khóm lúa trong ruộng thành khóm ven bờ” – TS Biếu nói.

Tổng kết kết quả triển khai ở nhiều tỉnh, ông Biếu khẳng định phương pháp giúp nông dân giảm được ít nhất 1/3 chi phí công lao động, giống, thuốc trừ sâu bệnh, phân bón nhưng tăng được 10-20% năng suất do cây lúa sử dụng ánh sáng cho quang hợp triệt để hơn, bộ rễ phát triển tốt hơn, đẻ khoẻ, ít sâu bệnh. Chi phí làm ra 1kg thóc giảm 500 -2.000 đồng so với các cách cấy khác. Nhờ ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, hệ sinh thái môi trường đất ruộng lúa có nhiều cơ hội phục hồi hơn nhờ tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất, sản phẩm gạo làm ra cũng sạch hơn.

Điều này cũng được chứng minh bởi thực tế tại xã Tam Cường. Ông Triều cho biết, trong suốt cả vụ, phần lớn diện tích chỉ phun thuốc trừ sâu cuốn lá một lần duy nhất, chỉ 2/11ha phun một thuốc trừ sâu đục thân. Bệnh đạo ôn gần như không có.

Công thức tối ưu từ quy luật “cũ”

Thực ra, việc cấy thưa để tận dụng quy luật hiệu ứng hàng biên tối ưu, cấy hàng rộng - hàng hẹp không hề mới trong nông nghiệp. Điều quan trọng là KS Chu Văn Tiệp đã tính ra được công thức về mật độ cấy tối ưu cho mỗi giống lúa để hiệu ứng hàng biên đem lại lợi ích lớn nhất cho việc trồng lúa.

Tác giả cho biết, bản thân ông cũng biết đến quy luật hiệu ứng hàng biên từ lâu nhưng không nghĩ nhiều đến nó cho đến lần cùng vợ đi thăm ruộng năm 2002, khi bà thắc mắc tại sao lúa gần bờ thì khóm to, bông nhiều hạt và gần như không mắc bệnh, nhưng chỉ cần bước một bước vào trong thì khóm bé, bông bé, hạt lép và nhiều sâu bệnh. KS Tiệp trả lời vợ là do hiệu ứng hàng biên và nảy ra ý tưởng tìm quy luật xuất hiện hiệu ứng hàng biên tối ưu để ứng dụng vào sản xuất. Ông mất 6 năm cho việc này, và rất nhiều tâm huyết để thuyết phục nông dân thử nghiệm.

Trước đây, đã có những chuyên gia nông nghiệp đề xuất phương pháp cấy thưa, nhưng thưa nhất cũng trên 30 khóm/m2. Vì vậy công thức cấy 8-16 khóm của KS Tiệp khiến không chỉ nông dân mà cả cán bộ kỹ thuật ở các địa phương cũng sốc, không dám áp dụng dù “nghe bác Tiệp nói rất có lý”. Khi thuyết phục họ trồng thử, ông png phải cam kết nếu thiếu cân thóc nào so với cách cấy cũ, ông đền cân đó. “Vậy mà trong 200-300 hộ nông dân ở huyện Yên Lạc đến nghe trong buổi phổ biến kỹ thuật đầu tiên, chỉ 3 hộ dám làm theo. Hỏi thì họ bảo cả đời làm ruộng đã nghe đến nhiều công nghệ lắm rồi, nhưng chuyện mỗi m2 cấy có hơn chục khóm mà năng suất cao hơn cấy 40-50 khóm nghe hoang đường quá, không dám thử” – KS Tiệp kể.

Thế nhưng 3 hộ đầu tiên đó đã đạt năng suất vượt trội trong vụ xuân 2013 và diện tích áp dụng cấy hàng biên từ đó không ngừng mở rộng, lan ra nhiều địa phương chỉ qua con đường chia sẻ kinh nghiệm giữa những người làm ruộng và chia sẻ kiến thức giữa nhà khoa học với nông dân. Con số 500-2.000 đồng chi phí tiết kiệm được cho mỗi kg thóc được sản xuất tuy nhỏ nhưng nếu nhân với sản lượng 8-9 tạ trên mỗi ha mỗi vụ thì nguồn lợi tăng thêm không nhỏ; tỷ lệ tăng năng suất 10-20% cũng vậy. Theo KS Tiệp, điều quan trọng là khi cấy hàng biên, nông dân Việt - vẫn luôn gặp khó khăn về vốn - đang sử dụng một công nghệ không đòi hỏi thiết bị phức tạp, tốn kém, hoàn toàn chỉ tận dụng của trời cho là ánh nắng mặt trời.

Phương pháp cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên của KS Chu Văn Tiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế vào tháng 9/2015, được trao Giải thưởng Vifotec năm 2015. Tại Hội chợ triển lãm Khoa học và Công nghệ quốc tế được tổ chức ở Hàn Quốc năm 2016, phương pháp này đã được Hàn Quốc trao huy chương đồng và Thái Lan trao huy chương vàng.

Hoàng Dung