Đầu năm nhậm chức, ngay cuối năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà Trắng cho công bố bản Chiến lược an ninh quốc gia mới. Ngay từ lúc đó, và cũng có thể là trước đó, ông Trump đã xem “An ninh kinh tế là an ninh quốc gia” là một trong bốn trụ cột vì một nước Mỹ thịnh vượng: “Nước Mỹ là tiên quyết”.

{keywords}
Nếu không “bán mình”, TikTok sẽ chính thức biến mất khỏi nước Mỹ sau ngày 15/9. Nguồn: cnet.com

Đương nhiên, Tổng thống Donald Trump đủ khả năng để nhận biết tầm quan trọng của “.com.world.” Chỉ có điều, bản báo cáo đã chỉ ra một thực tế rằng, hạ tầng số của Mỹ đã tụt hậu, và bị bỏ lại phía sau. Ông Trump vì vậy thúc đẩy triển khai mạng 5G. Đặc biệt, ông cũng nhấn mạnh rằng Internet là phát minh của người Mỹ nên cần mang lại lợi ích và giá trị cho người Mỹ.

Sẽ có nhiều cách để giải thích, nhưng đây có thể là lý do lý giải vì sao cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dần chuyển thành cuộc chiến công nghệ mà ở đó các công ty công nghệ lớn có nguồn gốc Trung Quốc đều bị Tổng thống Donald Trump chỉ điểm.

Quyền riêng tư trở thành cái cớ?

Người ta có thể dễ hình dung rằng, Microsoft, và cả TikTok, không khó để vượt qua cửa ải kiểm soát của Mỹ, Ấn Độ, Anh và các nước đồng minh khác. Nhưng với phần thế giới còn lại, một quy trình rà soát sáp nhập vẫn có thể phải tiếp diễn.

Để “chặn đường” một doanh nghiệp, tất nhiên phải có “cớ,” và an ninh quốc gia luôn là “thượng phương bảo kiếm”. Thực tế, ngay cả các thỏa thuận thương mại đa biên dù có mở đến đâu thì các bên cũng đều phải chấp nhận nhiều tình huống ngoại lệ vì lý do này.

Huawei và ZTE của Trung Quốc gần như gục ngã khi ông Trump tung chiêu này.

Nhưng có vẻ, với TikTok, và cả WeChat, lần này, sự cáo buộc có phần còn non yếu. Nếu như đối với Huawei, ông Trump có báo cáo chỉ ra sự móc nối và đứng sau của quân đội và chính quyền Trung Quốc, thì đối với TikTok, ông viện... quyền riêng tư để cáo buộc và ra quyết định ngăn chặn.

Xã hội hiện thời luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền riêng tư, nhưng kết liễu một công ty vì những sai phạm trong chính sách bảo mật là một lựa chọn đầy thử thách, và không mang tính phổ biến. Nước Mỹ chủ yếu phạt hành chính và phạt... tiền đối với các vi phạm chính sách bảo mật, như đã thực hiện đối với Facebook và Google.

Cũng có ý kiến cho rằng, với tính cách của mình, Tổng thống Donald Trump có thể làm bất cứ thứ gì mà ông muốn. Tuy nhiên, trong hai quyết định cấm cửa đối với TikTok và WeChat, ông đủ tỉnh táo để tìm kiếm và viện dẫn Luật về các quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế và Luật về các trường hợp khẩn cấp quốc gia, để cho rằng các ứng dụng di động do các công ty ở Trung Quốc phát triển và sở hữu lan rộng ở Mỹ tiếp tục đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của nước này.

Quyết định cáo buộc rằng thông tin được TikTok ghi lại có khả năng giúp Trung Quốc theo dõi cả vị trí nhân viên nhà nước, nhà thầu cũng như tạo dựng bộ thông tin phục vụ hoạt động gián điệp kinh tế. Phía Mỹ cũng không quên đề cập TikTok cũng kiểm duyệt nội dung mà Trung Quốc cho là nhạy cảm chính trị. Đáng nói là, điều này vẫn có thể xảy ra cho dù phía TikTok phản hồi rằng dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ (stored) tại chỗ.

Thú vị ở chỗ, phương án cuối cùng được đưa ra là TikTok cần phải được tiếp quản bởi một công ty Mỹ. Dù được mua lại và vận hành bởi một công ty “thuần Mỹ” thì điều đó cũng không có nghĩa là nguy cơ xâm phạm thông tin cá nhân không xảy ra. Ngay trước ngày Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định với TikTok và WeChat, CEO của Facebook, Google... cũng đã phải đứng ra điều trần trước Nghị viện về các vấn đề liên quan đến cạnh tranh, độc quyền, và không hiếm những câu hỏi làm “bẽ mặt” các ông lớn công nghệ Mỹ này về chuyện “ăn cắp” thông tin người dùng.

Bán là giải pháp khả dĩ?

Theo quyết định, TikTok sẽ chính thức biến mất khỏi nước Mỹ sau ngày 15/9/2020 nếu như cuộc đàm phán mua lại, ví dụ như của Microsoft, không thành công.

Có nhiều lập luận để cho thấy cuộc “hôn phối” này là giải pháp khả dĩ, dù vẫn còn có ý kiến trái nhiều. Thậm chí, ngay cả với Microsoft, bên được cho là đã chủ động điện đàm với Tổng thống Donald Trump để có thương vụ này, cũng bị cho là sẽ phải đối diện với không ít rắc rối về những thông tin nhũng nhiễu của người dùng trên TikTok.

Khác với cuộc đương đầu với các công ty “thuần” công nghệ khác, ông Trump cũng lường được những trở ngại phải đương đầu nếu tiếp tục theo đuổi biện pháp cứng rắn trong xử lý một mạng xã hội như TikTok. Tác động mạng lưới là thứ khó có thể phá bỏ, thậm chí còn dễ dàng thổi bùng làn sóng phản ứng ngược từ phía người dùng nếu như ông “đụng” vào họ. Điều đặc biệt là không ít chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Mỹ chưa hề có tiền lệ trong việc ngăn chặn (block) một phần mềm như cách mà Ấn Độ và Úc đang áp dụng là ngăn cản (block) sự kết nối giữa người dùng và máy chủ (servers).

Điều đáng nói là, thay vì các ông lớn công nghệ có “vết” trong vi phạm quyền riêng tư, cái tên có phần “ngoại đạo” như Microsoft đã dễ thuyết phục được ông Trump cho một giải pháp mở đường.

Đương nhiên, bản thân Microsoft cũng phải tìm thấy những lợi lộc cho bản thân để chớp thời cơ. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cánh cửa để Microsoft bước ra một thế giới mới mẻ hơn so với con đường kinh doanh cũ kỹ của mình. Quan trọng hơn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của TikTok được cho là một hấp dẫn lớn, và thậm chí hàng tỉ video mỗi năm được upload lên ứng dụng này cũng là “kênh” tốt để Microsoft tiếp tục tận dụng cũng như phát triển AI. Thậm chí, người ta còn mường tượng một ngày Microsoft trở thành đối thủ mạnh của Google/YouTube hay Facebook cùng hàng tá video được người dùng của họ tải lên.

Tuy vậy, trang the Verge xem “dữ liệu và nhiều dữ liệu hơn” về người dùng mới thật sự là chìa khóa quan trọng. Lợi thế này không những giúp Microsoft tiệm cận với một mạng lưới khổng lồ những người dùng trẻ, năng động mà còn mở đường để Microsoft phát triển các hoạt động kinh tế dữ liệu tiếp theo của mình. Chắc chắn, Microsoft phải cam kết rằng dữ liệu cá nhân của người dùng TikTok Mỹ phải được lưu chuyển và... lưu giữ tại Mỹ.

Nhưng có lẽ, tiền đồ của Huawei đủ để TikTok thấy được tương lai của mình, và vì vậy chọn ra đi với số tiền có được từ thương vụ “bán mình” là giải pháp có phần ổn thỏa nhất trong số những nước cờ còn lại.

Một thương vụ phức tạp

Bỏ qua yếu tố chính trị, cũng phải thừa nhận rằng, đây là một thương vụ phức tạp khi đối tượng được mua là một ứng dụng mạng xã hội đang thuộc “top trending”. Trong áp lực về thời gian ngắn ngủi, Microsoft vẫn buộc phải xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là phương án mua lại cả TikTok Canada, Úc và New Zealand.

Không khó để lý giải vì sao tên của Canada, Úc, New Zealand được ông Trump nhắc tới. Nhưng với những tính toán về mặt lợi ích, và kể cả khả năng... kiểm soát như mong muốn, ý tưởng “thâu tóm” toàn bộ TikTok (toàn cầu) đã xuất hiện. Một lần nữa, những phân tích trên trang the Verger đã nhắc đến những đặc tính riêng biệt của một ứng dụng mạng xã hội để rồi cho rằng “khó có thể phân tách một mạng xã hội theo những lối (line) riêng mang tính khu vực ngay cả khi điều đó là có thể”, và đó chính là trở ngại lớn nhất cần phải được gỡ bỏ trong cuộc đàm phán.

Rõ ràng, từ một thương vụ mua lại, diễn ra như một biện pháp tái cấu trúc đi kèm với một quyết định xử lý, vụ việc có thể sẽ va chạm rất nhiều quốc gia và nền pháp lý khác nhau. Người ta có thể dễ hình dung rằng, Microsoft, và cả TikTok, không khó để vượt qua cửa ải kiểm soát của Mỹ, Ấn Độ, Anh và các nước đồng minh khác. Nhưng với phần thế giới còn lại, một quy trình rà soát sáp nhập vẫn có thể phải tiếp diễn.

(Theo TBKTSG)