Lãnh đạo tỉnh có nhà máy sản xuất ô tô lo hụt thu khi ô tô nhập khẩu trong ASEAN được dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Còn đại diện các hãng ô tô lớn lại đề nghị mở cửa rộng hơn cho ô tô nhập.

Là nơi hiện diện của nhiều hãng ô tô lớn như Toyota, Honda, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã bày tỏ nhiều tâm tư liên quan đến ngành công nghiệp này tại hội nghị thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng diễn ra ngày 30/3 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho hay, năm 2017, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do tác động về giảm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về mốc 30% và sau đó về 0% vào năm 2018. Theo đó, số lượng ô tô sản xuất năm 2017 trên địa bàn Vĩnh Phúc giảm 20% so với năm 2016, dự báo năm 2018 vẫn còn khó khăn do các chính sách liên quan đến ngành ô tô.

{keywords}
Công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chủ yếu là "sơn, hàn, lắp ráp, kiểm tra".

Do sản xuất ô tô trên địa bàn giảm, thu nội địa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng ảnh hưởng theo. Năm 2017, thu ngân sách của tỉnh này hụt hơn 5.000 tỷ đồng, phần hụt thu chủ yếu từ mặt hàng ô tô với sự góp mặt của các nhà sản xuất lắp ráp, như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam.

Do đó, ông Trì nhấn mạnh, những chính sách phát triển sản xuất đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là rất quan trọng đối với một số tỉnh có hoạt động sản xuất ô tô như Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Hải Dương, Ninh Bình.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc lo hụt thu khi ô tô nhập khẩu trong ASEAN được dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Còn đại diện các hãng ô tô lớn lại đề nghị mở cửa rộng hơn cho ô tô nhập.

Ông Ninh Hữu Chấn, Tổng thư kí Hiệp hội Các nhà sản xuất lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), cho rằng: Năm 2017 do khách hàng chờ đợi thuế ô tô trong ASEAN về 0% nên khiến thị trường trầm lắng. Tổng số xe bán ra thị trường là gần 298 ngàn xe, giảm nhẹ 2% so với 2016, trong đó lượng xe của các thành viên VAMA bán được là hơn 250 nghìn xe, giảm hơn 10%.

“Dự báo 2018 thị trường đạt 340 ngàn xe, tăng so với 2017”, đại diện VAMA cho hay.

Nhắc đến Nghị định 116 về sản xuất lắp ráp, nhập khẩu ô tô, đại diện VAMA gợi lại câu chuyện nhiều nhà nhập khẩu ô tô ngừng nhập khẩu, khiến mấy tháng đầu năm 2018 thị trường ô tô lâm cảnh khan hiếm.

Ông Ninh Hữu Chấn cho hay: Hiện xe nhập khẩu nhập khẩu từ Thái Lan đã vào được, Indonesia cũng đồng ý cấp giấy chứng nhận kiểu loại, giúp ô tô nhập về Việt Nam thời gian tới. Nhưng ô tô nhập khẩu từ các nước phát triển lại tiềm tàng khó khăn. Vì vậy, liên quan yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận kiểu loại, VAMA đề xuất Bộ Giao thông Vận tải đồng ý cho doanh nghiệp nhập khẩu được nộp giấy chứng nhận chất lượng và kiểu loại của Cục Đăng kiểm Việt Nam, thay vì quy định mới là phải có giấy này từ cơ quan chuyên môn nước ngoài.

Đại diện VAMA cũng “bền bỉ” kiến nghị một loạt vấn đề đã nói lâu nay về đường thử, thử nghiệm xe theo lô,...

Phản hồi lại, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Mong muốn của Chính phủ Việt Nam là có ô tô thương hiệu Việt. Xu hướng ô tô hóa ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, nếu chỉ có nhập khẩu ô tô là không đáp ứng mong muốn của người dân.

Ngoài ra, nhiều nước phát triển dựa vào công nghiệp ô tô vì nó kéo theo công nghiệp phụ trợ đi kèm.

“Chúng ta vui mừng vì Việt Nam đã có một số doanh nghiệp có tiềm lực đã đi vào sản xuất lắp ráp để tạo ra ô tô có thương hiệu Việt”, Phó Thủ tướng chia sẻ và khẳng định vẫn tạo điều kiện cho ô tô nhập khẩu vào Việt Nam trên cơ sở phù hợp với luật pháp, các cam kết mà Việt Nam tham gia, nhưng vẫn ưu tiên sản xuất trong nước để cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Lương Bằng