Cuộc càn quét

Tuần qua, ồn ào thông tin Sabeco được ông chủ tỷ phú Thái sang tay cho đối tác khác. Thông tin đã bị phủ nhận nhưng điều này đã nhắc lại băn khoăn của nhiều người khi tỷ phú Thái bỏ 5 tỷ USD chi phối Sabeco. Hiệu quả việc bán vốn được khẳng định nhưng lúc đó đã có những lo lắng khi 1 thương hiệu hàng đầu đã tuột khỏi tay người Việt. Sabeco - DN ít ỏi của Việt Nam có tầm cỡ châu lục đã từng cùng Habeco, Huda, Halida… đẩy lùi bia Tàu giành lại thị trường cách đây mấy chục năm như 1 kỳ tích.

Lịch sử những cuộc thâu tóm thương hiệu Việt nổi tiếng luôn để lại nhiều luyến tiếc trong hàng chục năm qua. Sabeco có tuổi đời trên 100 năm, thì xà bông Cô Ba nổi tiếng từ 1930 của thế kỷ trước cạnh tranh ngang hàng đồ Pháp, Mỹ nhập khẩu, phát triển khắp Đông Dương

Sau 1975, Cô Ba vẫn được yêu thích và phát triển. Đến 1995, khi bước vào liên doanh với Procter & Gamble (P&G) xà bông Cô Ba dần lụi tàn, sống lay lắt không còn ai biết đến.

Đó là điều dễ hiểu khi các ông lớn ngoại thâm nhập, thâu tóm DN Việt với chiến lược dọn đường, tiêu diệt để giảm cạnh tranh nhằm chiếm và không chế thị trường đầy tiềm năng.

{keywords}
 

Đau đớn hơn, kem đánh răng Dạ Lan còn không giữ nổi tên của mình sau khi liên doanh với Colgate. Tập đoàn ngoại đưa ra lời mời chào triệu USD và viễn cảnh hợp tác phát triển nhưng 1 năm sau khi thâu tóm, thương hiệu số 1 Việt Nam bị xoá bỏ.

Ông chủ Dạ Lan sau này tâm sự, tập đoàn hàng đầu thế giới chiếm 70% vốn trong liên doanh thì mình không nói gì được, đành phải chấp nhận thực tế là đứa con của mình phải… ‘chết’.

May mắn hơn, kem đánh răng P/S còn tồn tại nhưng nó không còn của người Việt khi bán cho Unilever vào 2003. Về tập đoàn ngoại, 1 cơ hội lớn để tên tuổi này phát triển như bây giờ, nhưng ngày nay P/S không thuộc về người Việt nữa. Hàng triệu sản phẩm vẫn bán ra và thu lợi từ người Việt nhưng tất cả đều về tay tập đoàn nước ngoài.

Dường như hoá phẩm chính là điển hình cho nỗi buồn của những thương hiệu Việt mất đi.  Cách đây 20 năm, trước sự ‘càn quét’ của tập đoàn ngoại đã khiến lĩnh vực này thúc thủ. Nếu Colgate đưa Dạ Lan vào quá khứ thì Unilever thâu tóm và gạt bỏ Viso, Haso đưa OMO lên ngôi, P&G thâu tóm Cô Ba thì đưa Tide trở thành chủ lực. Cạnh tranh không nổi, hàng loạt tên tuổi khác của Việt Nam cũng đã ‘chết’ hoặc còn sống nhưng co hẹp và cạnh tranh khó khăn như Net, Đức Giang hay Lix..

Hậu quả là gần như toàn bộ ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình trị giá 3,1 tỷ USD gần như nằm trong sự khống chế của nước ngoài với hai ông lớn nước ngoài là Unilever với 54,9% thị phần, Procter & Gamble 16,0%... các DN trong nước chỉ chia nhau phần nhỏ còn lại hoặc đi làm gia công cho các tập đoàn nước ngoài.

Một chuyên gia tiết lộ, qua khảo sát thì các sản phẩm chất tẩy rửa hiện nay trên thị trường đang được định giá khá cao và người tiêu dùng đang trả mức giá nhiều hơn cần thiết. Chỉ riêng ngành hàng các sản phẩm chăm sóc cá nhân & gia đình, Việt Nam có chi tiêu bình quân đầu người cao nhất, trong khi GDP bình quân đầu người lại thuộc hàng thấp nhất trong số các quốc gia được khảo sát. Với 80% thị phần trong tay, các tập đoàn đa quốc gia đang kiếm lợi rất lớn trên thị trường Việt Nam.

Giành lại ‘đất’

Thị trường 100 triệu dân tiềm năng, bước tiến của các tập đoàn nước ngoài chưa dừng lại. Hãy nhìn nhà đầu tư luôn phục sẵn, đổ cả trăm triệu USD để được là cổ đông các DN lớn Việt Nam đủ thấy sự hấp dẫn và gây cấn của cuộc chơi.

{keywords}
 

Tuy nhiên, đã có những tín hiệu thay đổi, không còn sự càn quét dễ dàng như trước khi có những DN Việt Nam đủ sức bước vào cuộc đấu.

Năm 2016, Visan - DN chế biến thịt tươi sống số 1 Việt Nam CPH, 1 tập đoàn lớn của Hàn Quốc dồn sức để làm nhà đầu tư chiến lược, thâu tóm nhằm hoàn thiện chuỗi sản xuất chế biến và phân phối thức phẩm ở Việt Nam. Nhưng họ đã thất bại trước 1 tập đoàn Việt Nam. Lãnh đạo tập đoàn Hàn Quốc thừa nhận, kế hoạch lớn nhất tại Việt Nam của họ năm đó thất bại và không ngờ thua trước 1 DN Việt.

Sau đó, DN Việt Nam vẫn tiếp tục làm lớn, phát triển chuỗi chăn nuôi và chế biến thuần Việt, cùng các DN nội địa giữ lại ngành hàng 10 tỷ USD quan trọng bậc nhất cho 1 đất nước có thế mạnh nông nghiệp như Việt Nam.

Gần đây, nhóm các nhà đầu tư Việt Nam cũng đã giành thế thắng trước đối thủ nước ngoài để giành quyền quyết định ở Bibica sau nhiều năm giằng co quyền lực ở DN này. Hy vọng giữ lại 1 thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng của Việt Nam đã mở ra, kế hoạch thâu tóm và đổi tên DN này của Lottte Hàn Quốc bị chặn lại.

Tập đoàn Masan thông qua công ty con Masan Home & Personal Care (Masan HPC) vừa mua 60% cổ phần Bột giặt Net với giá khoảng 43 triệu USD. Net là thương hiệu nổi tiếng có lịch sử gần 50 năm nhưng đã lao đao, mất hết thị phần, buộc phải làm gia công lại cho DN nước ngoài tồn tại. Net hiện chỉ chiếm khoảng 1,5% thị phần với doanh số  2018 là 1.117 tỷ và lợi nhuận 57 tỷ. Dù vất vả để tồn tại nhưng 2 năm gần đây, Nét đã dừng gia công cho nước ngoài để phát triển các sản phẩm thương hiệu Việt của riêng mình.

Trong khi đó, Masan cũng đang tìm kiếm hai mảnh ghép chiến lược là bán lẻ và sản phẩm chăm sóc cá nhân & gia đình. Sau cú thỏa thuận hoán đổi cổ phiếu với VinCommerce để sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+, đến thương vụ này, chỉ trong 1 tháng Masan đã có bước tiến để thực hiện mục tiêu trở thành Tập đoàn hàng Tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu.

Bất ngờ Vissan 3 năm trước, tình huống mới ở Bibica và bắt tay giữa các ông lớn trong nước Masan với Net hay với VinCommerce cho thấy các DN trong nước đang cố giành lại ‘đất’ cho mình.

Hiện nay, 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, hằng ngày người dân phải chi trả một nửa thu nhập của mình cho các mặt hàng tiêu dùng cơ bản. Đó là 1 tiềm năng lớn cho các DN. Vì thế, ngay sau khi có thoả thuận, Net xác định tập trung mạnh vào phân khúc phổ thông cộng với thế mạnh ngành hàng tiêu dùng, xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối của Masan, hy vọng cho sự trở lại của 1 thương hiệu Việt đầy khả thi.

Thực tế, dù đối đầu với các tập đoàn lớn, nhưng vẫn có những DN Việt bền bỉ như Đại Việt Hương, Mỹ Hảo, LIX hay Đức Giang với hướng đi riêng và giữ được 1 thị phần nhất định, nhất là ở nông thôn. Cũng có không ít doanh nhân kỳ cựu, các nhà đầu tư mới vẫn luyến tiếc và tiếp tục đầu tư để khơi lại 1 thời đáng nhớ của xà Bông Cô Ba hay Dạ Lan…Trong quá trình đó rất cần những tập đoàn lớn có đủ tiềm lực… dẫn đầu để hợp tác, cạnh tranh với nước ngoài để giành lại ‘đất’ cho mình.

Ông Trương Công Thắng, Chủ Tịch kiêm Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho rằng: “DN Việt Nam có thể mạnh thấu hiểu người tiêu dùng Việt, Các DN Việt liên kết lại thì chúng tôi tin rằng có nhiều ưu thế để phát triển các sản phẩm vượt trội và xây dựng những thương hiệu truyền cảm hứng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người tiêu dùng Việt Nam”.

Mai Thành