Tại hội thảo, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Trần Quốc Trung cho biết, kinh tế TP giai đoạn 2006-2019 đạt trên 7,2%, tăng hơn mức bình quân cả nước, bình quân thu nhập đầu người đạt hơn 88 triệu.

Cần Thơ từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL trên một số lĩnh vực như giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ, an sinh xã hội đảm bảo… Song, Cần Thơ vẫn còn một số hạn chế như phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng thấp. Sản xuất nông nghiệp chưa theo hướng hiện đại. Cần Thơ chưa thực sự là hạt nhân, là trung tâm, có sức lan tỏa mạnh mẽ của vùng ĐBSCL…

{keywords}
Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Trần Quốc Trung phát biểu tại hội thảo 

Cần Thơ mong muốn và đề nghị Bộ Chính trị xem xét ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, xác định mục tiêu, phương hướng và đưa ra cơ chế chính sách, giải pháp mới đột phá thu hút các nguồn lực để xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân có sức lan tỏa của cả vùng”, Bí thư Thành ủy Trần Quốc Trung nói.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh trong Nghị quyết 45 nhiệm vụ đặt ra là phát triển TP Cần Thơ trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tuy nhiên, sau 15 năm, tỷ trọng dịch vụ tăng nhanh hơn tỷ trọng công nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp có tăng nhưng không nhiều. Trong khi đó giá trị dịch vụ thì giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là thương mại và dịch vụ về ăn uống. Còn những dịch vụ giá trị gia tăng như: dịch vụ về y tế, giá trị về khoa học công nghệ thông qua giáo dục đào tạo không nhiều. 

"Từ thực tiễn đó, thế giới gọi ta là sớm chuyển sang hậu công nghiệp hoá “chưa giàu mà đã già”. Chúng ta phải thấy được bản chất của vấn đề đó để có những giải pháp khắc phục trong thời gian sắp tới", ông nói. 

{keywords}
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, các nước thông thường công nghiệp hoá thành công tối đa chỉ mất 30 năm, như các nước phát triển hiện nay Hàn Quốc, Singapore… Vì thế, có thể thay đổi lại "bức tranh" Cần Thơ hay không là ở thời gian 10 năm tới.

Có hai yếu tố quan trọng đối với Cần Thơ giai đoạn hiện nay là lựa chọn công nghiệp để phát triển phù hợp với lợi thế là trung tâm của vùng. 

Thứ hai là phát triển dịch vụ, nhưng là dịch vụ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo... để làm sao trở thành trung tâm cung cấp các giải pháp về khoa học, công nghệ trong tất cả lĩnh vực, kể cả là nông nghiệp cho cả vùng thì giá trị gia tăng mới cao.

{keywords}
 

Trưởng ban Kinh tế TW cho rằng, "Ngay cả kết nối giao thông mà không có thì trung tâm thế nào. Ví dụ làm sao để là trung tâm chế biến kết nối nông thuỷ sản nhưng đường kết nối không có, thì làm sao vận chuyển để chế biến được… Chúng ta xem định hướng chung, nhưng trong giải pháp phải xem cái gì đi trước một bước, phải chăng đó là kết nối giao thông, đào tạo nguồn nhân lực", ông nêu. 

Bên cạnh đó, theo Trưởng ban kinh tế Trung ương cho biết một vấn đề xã hội lớn của vùng nữa là, khi đi khảo sát, ông thấy đa phần công nhân đang làm việc tại các công ty, xí nghiệp ở các tỉnh miền Đông đều là người từ miền Tây lên.

"Tôi đi miền Đông Nam Bộ thì thấy công nhân ở đó phần lớn là người của Tây Nam Bộ. Bình Dương, Đồng Nai có hàng triệu công nhân, nhưng đa số toàn là người Tây lên làm việc. Thế nên đặt ra vấn đề xã hội cho cả miền Đông lẫn miền Tây", ông nêu.

Vấn đề phát triển kinh tế xã hội, trong đó có vấn đề đào tạo của miền Tây rất lớn và hiện tại xu hướng chung là đào tạo theo đơn đặt hàng của nhà máy. Thế nhưng vấn đề đặt ra, không có nhà máy thì lấy ai đặt hàng. 

Từ thực tế cuộc sống, ông Bình cho rằng, cứ giao thông đi đến đâu cộng với cơ chế chính sách tốt thì chả mời gọi doanh nghiệp họ cũng vào. Mà doanh nghiệp vào thì họ sẽ có nhu cầu về đào tạo, cần lường đón trước, không cần quá dài mà chỉ cần trước một nhịp thôi, với những cơ sở đào tạo mà Cần Thơ đang có, chuyển sang đào tạo nhanh cho những cái nghề như vậy. Phải đồng đều như vậy, chứ không chúng ta cứ đào tạo xong người ta lại ra đi, lại chảy máu chất xám", ông nói. 

Cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với đào tạo nguồn nhân lực, vốn được coi là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của Cần Thơ và vùng ĐBSCL; thu hút doanh nghiệp để gắn việc đào tạo với sản xuất và thu hút nguồn lao động tại địa phương, tránh việc di chuyển lao động sang khu vực khác gây ra
nhiều vấn đề về xã hội như hiện nay.

Về chiến lược phát triển Cần Thơ giai đoạn tới, ông Bình cho biết, sẽ sớm hoàn thiện đề án để trong tháng 6 này có thể trình Bộ Chính trị để ban hành một nghị quyết có tầm nhìn, đồng thời có một gói các giải pháp rất thiết thực". 

Hoài Thanh