Uber ở quốc tế là một hình thức kết nối các chủ xe rảnh rổi còn ở Việt Nam lái Uber lại thành một nghề với những tài xế taxi chuyên nghiệp. Vì thế nó đã bị cơ quan quản lý coi là trái với quy định hiện nay.

Từ làm thêm đến lái taxi chuyên nghiệp

Là một ứng dụng trên điện thoại được phát triển tại Mỹ, Uber dịch vụ đi chung xe nhanh chóng có mặt ở 311 thành phố của 58 quốc gia, với giá trị thị trường lên tới 50 tỷ USD.

Công ty Uber không sở hữu xe và cũng không thuê mướn lái xe, nhưng lại giúp khách hàng kết nối với phương tiện thông qua phần mềm của mình. “Không bao giờ để phương tiện trống trên đường về”, Uber là cầu nối giữa các lái xe đang trống và khách hàng gặp được nhau.

Lái xe được thêm một khoản thu nhập, còn khách hàng được đi xe với giá rẻ hơn so với taxi truyền thống. Uber đã trở thành biểu tượng cho sự thành công của loại hình kinh tế chia sẻ mới và dẫn đầu thị trường với những con số đáng kinh ngạc về tầm ảnh hưởng.

{keywords}
Ứng dụng đặt xa nhanh chóng được nhiều người sử dụng do mức phí rẻ

Có mặt tại Việt Nam, Uber cũng áp dụng cách thức tương tự. Chỉ trong vài tháng cuối năm 2014, Uber đã trở thành một hiện tượng trong kinh doanh vận tải.  

Nếu như ở nhiều nước, Uber đơn giản chỉ là kiếm thêm thu nhập thì tại Việt Nam, Uber nhanh chóng trở thành một nghề chính. Nhiều lái xe chuyên nghiệp tham gia,  gọi là taxi Uber. Không ít người đã nghỉ việc để trở thành lái xe chuyên nghiệp cho Uber. Số đầu xe và tài xế, chủ xe tăng nhanh chóng. Lái xe không ngần ngại vay lãi cả trăm triệu để đầu tư xe. Thậm chí, có những người mua thêm chục xe, thuê người lái chạy Uber.

Lợi thế cạnh tranh của Uber là mức giá rẻ hơn nhiều và Uber đa dạng xe, từ bình dân tới cao cấp. Các dòng xe sang như Camry, BMW chạy Uber là chuyện bình thường, mức giá chỉ ngang ngửa với một số hãng taxi. Uber nhanh chóng thu hút được lượng khách hàng lớn và cũng từ đó phát sinh mâu thuẫn với taxi truyền thống.

Thực tế, việc hiểu Uber là một ứng dụng về công nghệ hay một hãng taxi vẫn đang có nhiều tranh cãi. Đã có thời gian, các lái xe Uber đều phải nộp giấy đăng ký kinh doanh và dán phù hiệu xe hợp đồng.  

Nếu cho là một sản phẩm công nghệ, đồng nghĩa với việc Uber chỉ phải kê khai nộp thuế trên 20% doanh thu mà họ có nhờ hoa hồng kết nối. Trong khi đó, nếu xác định hoạt động của Uber  là vận tải, doanh nghiệp này phải kê khai nộp thuế trên toàn bộ doanh thu.

Việc cho phép thanh toán tiền mặt song song với thanh toán qua thẻ visa cũng là điểm khác của Uber tại thị trường Việt Nam. Điều này cũng sẽ gây khó khăn trong việc quản lý.

Kiếm lời từ đâu?

Uber đang theo đuổi một kế hoạch dài hơi: họ muốn đặt chân sớm đến mọi thị trường tại mọi quốc gia, trước khi những sản phẩm bắt chước tại bản địa có cơ hội để trở lên lớn mạnh. Công ty trị giá 17 tỷ đô này đã có mặt trên hơn 100 quốc gia.

{keywords}
Từ ưu đãi, Uber dần dần đang thay đổi chính sách với tài xế

Doanh thu của Uber đến từ hoa hồng thông qua việc kết nối chủ ôtô với người cần di chuyển. Mô hình doanh thu chung của Uber trên thế giới là chủ xe hưởng 80%, Uber thu 20% trên tổng doanh thu.

Đối với lái xe, thời gian đầu là khoảng thời gian “màu mỡ” nhất bởi Uber có chính sách hỗ trợ/khuyến mãi lên đến vài trăm ngàn đồng/ngày, nếu online nhận khách. 

Có tài xế cho biết, trước đây, cứ mỗi giờ online chạy khách được nhận tiền hỗ trợ 20.000 đồng, thậm chí tăng lên 30.000 đồng hoặc 40.000 đồng vào những giờ cao điểm; mỗi ngày Uber bảo đảm cho họ có một khoản doanh thu nhất định nếu chạy đủ số cuốc.

Thậm chí, tài xế chỉ cần online, không có khách vẫn được trả từ 45.000-95.000 đồng/giờ tùy theo giờ thấp điểm, cao điểm. Đơn cử, doanh thu tối thiểu tại giờ cao điểm là 95.000/giờ, nếu lái xe chỉ chạy được một “cuốc” ngắn và chỉ thu được từ khách 50.000 thì Uber sẽ hỗ trợ thêm 45.000 đồng.

Khi các mục tiêu bước đầu của Uber tại thị trường Việt Nam về thương hiệu, về người dùng và đối tác đã đạt được, hay nói cách khác là giai đoạn Uber vỗ về khách hàng và đối tác đã qua, thì chính sách có nhiều thay đổi. Uber không còn là thiên đường hoa hồng là điều dễ hiểu.

Về phía khách hàng, Uber tăng giá cước, còn cánh lái xe cũng sẽ vất vả hơn để “cày Uber”. Một lái xe phản ánh, Uber bắt họ mỗi một ngày phải online thường xuyên, nhận chuyến, đảm bảm tỷ lệ huỷ thấp và đánh giá sao tốt nếu không sẽ bị trừ nhiều khoản hỗ trợ. 

Các tài xế phải chạy quần quật cả ngày. Nếu xe bị hỏng hóc thì họ... lãnh đủ. Uber có thể tăng phí dịch vụ và cắt hỗ trợ cho lái xe bất kỳ lúc nào. Đến khi đó, lượng khách hàng sẽ giảm và không ít người đã đầu tư sẽ lâm vào tình thế “đâm lao phải theo lao”.

Đại diện Uber Việt Nam cho biết, đơn vị này không thuê tài xế mà các đối tác đều hợp tác dựa trên cơ sở tự nguyện và đôi bên cùng có lợi. Thực tế, đối tác tài xế có toàn quyền kiểm soát thời điểm và thời gian làm việc, có quyền lựa chọn cùng hợp tác hoặc chấm dứt mối quan hệ với Uber bất kỳ lúc nào.

“Quyết định bỏ việc, vay tiền mua xe chạy taxi Uber là khá mạo hiểm. Bởi dịch vụ này không phải dành cho các nhà đầu tư. Nó chỉ là giải pháp tiết kiệm dành cho những người có xe nhàn rỗi”, anh Nguyễn Minh Hùng, một lái xe, cho hay.

Đơn cử, đến khi chính sách của Việt Nam hoặc của chính Uber thay đổi, gây bất lợi cho người kinh doanh thì chủ xe lãnh đủ.

Âm thầm giành thị phần

Nếu như Grab quảng bá rầm rộ trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng thì Uber ngược lại khá âm thầm. Chỉ thỉnh thoảng ra đường, ở đâu đó, người ta nhận ra lái xe Uber qua logo trên chiếc mũ bảo hiểm, còn hầu như để nhận biết đâu là xe Uber chạy trên đường là điều khó có thể.

Cách marketing tại thị trường châu Á của Uber nhắm vào cộng đồng mạng xã hội và nhóm những người tiêu dùng. Thông qua việc chia sẻ những bình luận tích cực trên trang cá nhân và chính sách dành cho người sử dụng được quyền lợi khi mời người khác dùng Uber, ứng dụng này nhanh chóng tăng số lượng khách hàng.

Nam Hải

Khách tố lái xe Uber thu hai lần tiền

Khách tố lái xe Uber thu hai lần tiền

Lợi dụng việc khách hàng nhầm lẫn trong phương thức thanh toán, lái xe Uber đã thu hai lần cước phí chuyến đi. Không ít trường hợp, cước phí lên tới hàng trăm nghìn đồng.

Uber Trung Quốc: Cái chết của một chiến lược?

Uber Trung Quốc: Cái chết của một chiến lược?

Chiến lược ‘bạo vì tiền’ dường như đã không thành công ở Trung Quốc và điều đó được dự báo có thể sẽ lặp lại ở các quốc gia Đông Nam Á.

Tài xế Uber đuổi khách xuống xe giữa trời mưa

Tài xế Uber đuổi khách xuống xe giữa trời mưa

"Trời mưa rất to, trên xe lại có em bé nên chị yêu cầu tài xế chạy chậm đến 2-3 lần, nhưng tài xế không trả lời vẫn chạy với tốc độ khoảng 50-60 km/h...", hành khách chia sẻ.

Khách nữ đi Uber bị đưa lên web sex

Khách nữ đi Uber bị đưa lên web sex

Một nữ hành khách sử dụng xe uber vừa tố cáo thông tin cá nhân của mình bị một lái xe đưa lên trang web sex.