Những năm qua, Quảng Ninh đã phát huy hiệu quả lợi thế tự nhiên, đưa thương mại biên giới trở thành “đòn bẩy” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp gần lớn vào GDP của tỉnh hàng năm. 

Phát huy lợi thế

Nằm ở địa đầu phía Đông Bắc của đất nước, Quảng Ninh có đường biên giới đất liền tiếp giáp Trung Quốc dài 118,7km với 3 cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh và nhiều điểm thông quan hàng hóa trực tiếp với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Quảng Ninh có bờ biển dài trên 250 km với hệ thống cảng biển quốc tế Hòn Gai, Cái Lân, Cẩm Phả và khu chuyển tải cảng Vạn Gia.

Hệ thống các cửa khẩu, cảng biển trên mở ra cơ hội đưa hàng hóa của Việt Nam sang thị trường tiêu thụ lớn nhất - Trung Quốc và thông thương với thế giới. Quảng Ninh có thể kết nối với Hải Phòng phát triển thành cụm cảng quốc tế phía Bắc, kết nối với Hà Nội và các tỉnh khác trong vùng thành trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu của miền Bắc ra các thị trường quốc tế, đặc biệt là với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á.

Nhằm phát huy lợi thế này, trong những năm qua, Quảng Ninh đã không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đổi mới cơ chế chính sách theo hướng ngày càng thông thoáng; hoạt động quản lý nhà nước ngày càng tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.

Từ cuối năm 2017 đến nay, một loạt các dự án giao thông mang tính động lực khu vực cửa khẩu được gấp rút đầu tư, nhanh chóng đưa vào hoạt động, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, như: Cầu Bắc Luân II, lối mở cầu phao Km3+4 Hải Yên, đường giao thông từ QL18 vào khu bến bãi Km3-Km4, tỉnh lộ 341 từ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, cầu qua cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc)…

{keywords}
 

Giữa tháng 4/2018, Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị đẩy mạnh hoạt động kinh tế cửa khẩu biên giới với sự tham gia của gần 300 đại biểu, trong đó có 200 doanh nghiệp hoạt động XNK, tháo gỡ nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. 

Cùng với đó, tỉnh đã công bố doanh nghiệp thực hiện tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh đối với các hàng hóa nhóm 5; bãi bỏ thủ tục doanh nghiệp thực hiện tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong các khu kinh tế cửa khẩu phải ký và công bố doanh nghiệp; thương nhân tham gia hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan hải quan không cần phải được UBND tỉnh công bố thực hiện mua bán hàng hóa qua cửa khẩu, lối mở... 

Ngoài việc thường xuyên kết nối, gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Quảng Ninh đẩy mạnh cải cách hành chính trong thủ tục hải quan với 3 giảm: Giảm chứng từ thủ tục - giảm thời gian thông quan - giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

Hiện các cửa khẩu tại Quảng Ninh đã thực hiện khai báo điện tử, thông quan tự động qua hệ thống một cửa quốc gia, giúp thời gian thông quan nhập khẩu giảm 13,41% và giảm 52,86% đối với hàng xuất khẩu. Thời gian thu phí, lệ phí với một số lĩnh vực như kiểm dịch thực vật, thủy hải sản và y tế… cũng giảm từ 4h xuống 2h. Mới đây, Hải quan Quảng Ninh còn tổ chức triển khai Hệ thống quản lý tự động tại cảng biển (VASSCM) với hàng hóa XNK tại Chi cục Hải quan cảng Cái Lân, để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đang kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ đề án Khu hợp tác quốc tế song phương, trong đó có Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc). Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường giao lưu kinh tế, chính trị, xã hội nhằm mở rộng quan hệ hợp tác với Trung Quốc thông qua các cuộc gặp gỡ, tọa đàm, trao đổi thông tin, xúc tiến đầu tư, hội chợ... góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh XNK. 

Trái ngọt từ thương mại biên giới 

Với những nỗ lực cải cách, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi tối đa cho xuất nhập khẩu, trong những năm qua, hoạt động thương mại biên giới Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực. Theo Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tăng dần đều qua các năm.

Năm 2017, tổng thu ngân sách hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bản tỉnh là 10.947 tỷ đồng, đạt 202,72% chỉ tiêu do Bộ Tài chính đề ra. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Quảng Ninh ước đạt 155,4 triệu USD; lũy kế 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1.585 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Thông qua hiệu quả thu ngân sách, hoạt động thương mại biên giới đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đáng chú ý, hàng loạt các khu kinh tế cửa khẩu hình thành và phát triển như: KKTCK Móng Cái, KKT biển Vân Đồn, KCN Cái Lân, KCN Đại Yên… đã tác động tích cực tới đời sống của nhân dân không chỉ tại các địa phương vùng biên giới.

D.Minh (tổng hợp)