Ngân hàng cho rằng, heo, gà, cút là "tài sản" di chuyển nên khó quản, phải có chính quyền tham gia hợp đồng "bảo lãnh" thì mới dám cho vay.

Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã đề xuất với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tỉnh Đồng Nai cho nhiều chủ trại chăn nuôi được thế chấp đàn heo để vay vốn lấy tiền mua cám.

Theo ước tính của ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, thiệt hại người chăn nuôi do giá heo giảm lên đến 2.500 tỉ đồng/tháng. Nếu giá heo tiếp tục thấp đến cuối năm, con số thiệt hại có thể là 5.000 tỉ đồng/tháng.

Hết heo đến gà rồi chim cút...

Những ngày đầu tháng 8, nhiều hộ nuôi heo ở Đồng Nai - vùng chăn nuôi lớn nhất cả nước "ngập" trong khó khăn. Một số hộ treo chuồng, số hộ còn lại tập hợp lại để cùng nhau tìm cách chống chọi với khó khăn.

Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh (Trảng Bom, Đồng Nai), tâm tư: "Khó khăn lớn nhất của người nuôi heo bây giờ là thiếu tiền mua cám do thua lỗ kéo dài buộc nông dân nghĩ đến bước đường cùng là thế chấp chính đàn heo để vay vốn ngân hàng (NH). Nhưng NH có chịu không? Hiện tại giá heo hơi trên thị trường Đồng Nai là 34.000-38.000 đồng/kg, thương lái trả 33.000 đồng/kg, trong khi lẽ ra giá không thể thấp hơn 45.000 đồng/kg".

"Tỉ phú chim cút" Trần Nguyễn Hồ đang tìm cách giữ đàn cút đẻ của mình. (Ảnh chụp tại Trang trại Nguyễn Hồ ở Châu Thành, Tiền Giang)

Không chỉ người nuôi heo, người nuôi gà, chim cút... cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Với trang trại thuộc hạng lớn nhất vùng Đông Nam Bộ, ông Dương Anh Tuấn cũng đang đứng ngồi không yên. Ông giãi bày: "Khi giá gà ở mức 35.000-38.000 đồng/kg, trừ đi chi phí đầu tư rồi đem bán dù không lời nhưng tránh được lỗ. Hiện nay, giá chỉ còn 25.000-27.000 đồng/kg thì bán đi lỗ hơn 10.000 đồng/kg. Với lượng gà trên 800.000 con, riêng tiền mua thức ăn đã ngốn mấy trăm triệu đồng mỗi ngày. Nếu tình trạng này kéo dài thêm 1 tháng nữa, giá không tăng, rất nhiều trang trại phải dẹp chuồng, nhiều người dân trở thành con nợ...".

Gặp lại "tỉ phú chim cút" Trần Nguyễn Hồ ở ấp Long Bình, xã Long An (Châu Thành, Tiền Giang), ông như già hơn trước. "Mấy tháng nay suy nghĩ nhiều, lo chống chọi với bao nhiêu khó khăn không già sao được. Thế chấp tất tần tật tài sản thì ngân hàng cũng chỉ cho vay trên 1 tỉ đồng là cùng. Nếu các chủ trại heo được lấy con heo ra thế chấp như mong muốn thì tôi cũng muốn thế chấp đàn chim cút và trứng cút".

Phải có chính quyền đỡ đầu

Ý tưởng đem đàn heo thế chấp để vay vốn NH được ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Agribank Đồng Nai, đánh giá là mới nhưng chưa có tiền lệ trong thực tế. "Heo, gà là hàng hóa nhưng là loại hàng hóa đặc biệt. Không thể quản lý được việc người nông dân bán heo bất cứ lúc nào vì loại tài sản này không cần đăng ký" - ông Trinh nói.

Ông Nguyễn Trí Công, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nói rõ: "Tôi hiểu rõ NH là người cho vay nên phải cẩn thận, sợ rủi ro. Nếu trong đàn 1.000 con heo chỉ 500 con xuất chuồng với giá 3,6-4 triệu đồng/con, người nông dân sẽ có gần 2 tỉ đồng. Do đó, chỉ cần được vay khoảng vài trăm triệu đồng lo tiền cám thì nông dân dư sức trả nợ ngân hàng và quan trọng là xoay được đồng vốn chăm lứa tiếp theo".

Mặt khác, ông Công cho biết heo, gà trước khi xuất chuồng phải có giấy chứng nhận của chi cục thú y nên cơ quan này có thể là đơn vị quản lý như yêu cầu của ngân hàng. Nếu không, chủ trang trại sẽ ký trực tiếp với lò giết mổ và đơn vị này sẽ rà soát lại hộ nào vay thế chấp NH bao nhiêu, ngân hàng khỏi lo rủi ro, ngân hàng khỏi lo mất vốn.

"Tuy nhiên, nếu có hợp đồng ký giữa 3-4 bên gồm NH, nông dân, chi cục thú y, cơ sở giết mổ, hoặc đại diện UBND tỉnh... thì chắc chắn chúng tôi sẽ xem xét lại. Trước hết, chúng tôi sẽ khảo sát thực trạng thiếu vốn của các hộ chăn nuôi; sau đó xem xét chuyển hình thức ký cho nông dân vay vốn, thế chấp đàn heo hoặc loại hàng hóa khác. Cũng có thể NH làm theo giải pháp ký hợp đồng ba bên với một công ty thức ăn chăn nuôi và nông dân. Nghĩa là khi nông dân thiếu cám sẽ đến lấy hàng ở công ty thức ăn chăn nuôi, có hóa đơn nộp cho ngân hàng thanh toán, ngân hàng sẽ kiểm soát và giới hạn số tiền vay" - ông Trinh nói.

Chỉ được thế chấp cá, tôm đã chế biến

Ở ngành thủy sản, doanh nghiệp được lấy con cá, con tôm của mình làm tài sản thế chấp để vay vốn nhưng chỉ khi đã là thành phẩm. Nghĩa là cá, tôm đã qua chế biến đóng hộp, đông lạnh ở trong kho. Còn đàn cá, tôm dưới ao là loại hàng hóa di động, không thể kiểm soát hay quản lý việc mua bán thì ngân hàng không coi là tài sản thế chấp.

Ông NGUYỄN VĂN ĐẠO, Tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng

Chờ công ty bảo hiểm nhập cuộc

NH có thể xem xét cho nông dân thế chấp đàn heo, gà vay vốn khi có trung gian là công ty bảo hiểm. Khi đó nông dân mua bảo hiểm 100% với công ty bảo hiểm và NH sẽ xem xét cho vay dựa trên hợp đồng đó. Tôi được biết ở Mỹ có hình thức bảo hiểm nông nghiệp, nhiều chủ trang trại mua bảo hiểm tới 1 tỉ USD và sau đó các vật nuôi ở trang trại được NH nhận thế chấp để cho vay. Ở Việt Nam, trong khi chưa có công ty bảo hiểm nhập cuộc thì nông dân chỉ có thể được các NH thiên về chính sách xã hội như Agribank, NH Chính sách Xã hội cho vay vốn dưới dạng tín chấp với các khoản vay thấp hoặc khi có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

LS LƯU TRƯỜNG HẬN,
Trưởng phòng Pháp chế NH Phương Đông


(Theo Pháp luật TP.HCM)