Những đế chế của nền kinh tế Hàn Quốc như Samsung, Lotte tới Keangnam hay Hanjin Shipping Global trong năm 2016 trải qua không ít sóng gió. Những sự cố xảy ra liên tiếp cho thấy chaebol Hàn đang bộc lộ các điểm yếu khi mở rộng hoạt động trên thương trường quốc tế. 

Nội bộ đấu đá

Lotte, Hanjin, Samsung là 3 tập đoàn nằm trong danh sách tốp đầu các chaebol ở Hàn Quốc. Năm 2016, Lotte gần như khủng khoảng nghiêm trọng do bê bối tranh quyền đoạt chức giữa các thành viên trong gia đình. Hai người con trai của nhà sáng lập đã đấu đá nhiều năm nay, thậm chí đưa nhau ra tòa. Phó chủ tịch Lotte bị phát hiện đã chết chỉ vài giờ trước khi đến lịch thẩm vấn về scandal tham nhũng trong tập đoàn

Hồi tháng 6, các công tố viên Hàn Quốc đột kích 17 địa điểm liên quan đến Lotte Group, gồm văn phòng của người sáng lập tập đoàn tại khách sạn Lotte ở Seoul, cũng như nhà của đương kim Chủ tịch Shin Dong-bin, để thu thập chứng cứ về hành vi tạo quỹ đen thông qua giao dịch nội bộ để trốn khoản tiền thuế 533 triệu USD. 

{keywords}

Những đế chế của nền kinh tế Hàn Quốc

Cùng với Lotte, một loạt tên tuổi một thời lừng lẫy khác như Keangnam, Hanjin,... đang làm đau đầu Chính phủ Hàn Quốc. Sự cố Galaxy Note 7 do pin phát nổ là một cơn ác mộng đối với Samsung trong năm 2016. Samsung tuyên bố sẽ ngừng bán Galaxy Note 7 và thông báo trên toàn cầu về chiến dịch thay thế khoảng 2,5 triệu máy Galaxy Note 7 đã bán. Vụ thu hồi ước tính gây thiệt hại cho Samsung hơn 1 tỷ USD.

Sự cố không chỉ ảnh hưởng đến Samsung, mà còn tác động đến các nhà cung cấp của họ nữa. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ phải đánh giá lại ảnh hưởng của sự cố này lên các điện thoại sẽ ra mắt trong tương lai.

Gần đây nhất, các công tố viên Hàn Quốc bố ráp trụ sở của tập đoàn Samsung vì những nghi ngờ liên quan đến vụ bê bối của tổng thống Park Geun Hye cùng người bạn thân "pháp sư".

Ngày 8/11, công tố viên Hàn Quốc đã tiến hành lục soát văn phòng của Samsung Electronics. Hoạt động này nhằm xem xét liệu Samsung có hỗ trợ tài chính mờ ám cho con gái của bà Choi hay không. Samsung bị cáo buộc cung cấp 3,1 triệu USD cho một công ty đồng sở hữu của bà Choi và con gái.

Khủng hoảng nghiêm trọng nhất phải kể đến là Hanjin bởi sự ảnh hưởng rộng lớn của tập đoàn này. Hanjin Shipping là công ty trực thuộc Hanjin Group. Đây là công ty vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc và cũng là một trong 10 công ty lớn nhất thế giới, xét theo công suất. 

Sự sụp đổ của Hanjin Shipping đã gây ra nhiều xáo trộn trong thương mại toàn cầu. Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ cung cấp một lượng vốn lớn cho hãng vận tải biển phá sản Hanjin nhằm giúp công ty này hồi phục. Trong vòng 5 năm qua, có tới 4 năm Hanjin làm ăn thua lỗ, nợ đầm đìa lên tới 1 tỷ USD.

Chaebol liệu đã hết thời?

Hoãn IPO là đòn mới nhất giáng vào Lotte Group, tập đoàn có 89 công ty con tại Hàn Quốc và sở hữu lượng tài sản 100 nghìn tỷ Won, tương đương 85 tỷ USD. “Cuộc khủng hoảng này có thể được xem như một vấn đề về quản trị và sự thiếu minh bạch ở Lotte Group”, ông Kim Ho Joon, người đứng đầu mảng nghiên cứu quản trị doanh nghiệp thuộc công ty Daishin Securities ở Seoul, nhận định. “Trong dài hạn, Lotte cần cải thiện căn bản việc quản trị doanh nghiệp”.

{keywords}
Khủng hoảng của các tập đoàn gia đình gây ảnh hưởng tới kinh tế Hàn

Kim Woo-chan, giáo sư tài chính tại trường kinh doanh thuộc Đại học Hàn Quốc, cho biết: "Rất nhiều chaebol Hàn Quốc hoạt động không tốt. Họ không làm theo ý đa số các cổ đông". Ông cũng tiết lộ các nhà làm luật đang tìm cách thay đổi điều này.

Hiện tại, các chaebol vẫn đang chiếm giữ một phần quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc: trong năm 2012, Samsung đóng góp 25% còn Hyundai đóng góp 12% GDP quốc nội. Với tổng trị giá tài sản lên tới hàng trăm tỷ USD, Samsung, LG, Hyundai và SK đang chia nhau nắm giữ các ngành công nghiệp trọng yếu của Hàn Quốc.

Hãng Bloomberg cho rằng thời gian tới sẽ là lúc mà các chaebol Hàn Quốc trả giá cho những gì mình đã gây ra và là thời điểm "ngọt ngào" cho các cổ đông.

Vấn đề đặt ra, các chaebol phải biết tái cơ cấu và hoàn thiện lại bộ máy lãnh đạo. Việc quản trị trong Hanjin Group từ lâu đã bị chỉ trích rất nặng nề. Hồi thập niên 80 và 90, Korean Air để xảy ra hàng loạt tai nạn. Người ta cho rằng một phần là do văn hóa phân cấp quá nặng nề của công ty, khiến các nhân viên cấp thấp không dám nêu ý kiến.

Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố chi 18 tỷ USD để thúc đẩy các công ty và doanh nghiệp phát triển tại Hàn Quốc trong tình hình nền kinh tế bị chi phối bởi chaebol. Đây rõ ràng là một thách thức từ chính phủ Hàn Quốc đối với các tập đoàn lớn để giải quyết tình trạng chi phối quá mạnh của các gia đình quyền lực.

Theo BBC, việc này sẽ còn phải qua một chặng đường dài nữa. Văn hóa và cấu trúc doanh nghiệp không thể thay đổi chỉ trong một đêm.

Nam Hải