- Hai năm sau khi rút hoàn toàn khỏi FPT và tìm các bến đỗ mới, ông Trương Đình Anh cuối cùng đã quyết định đi Mỹ cùng cả gia đình. Con đường mới liệu có gập ghềnh hay sẽ mở ra tương lai xán lạn với "quái nhân" của FPT, một cá tính đặc biệt cùng những phát ngôn được coi là "chấn động"?

Hậu FPT, loay hoay tìm bến đỗ mới

Cuối tuần qua, thông tin gia đình ông Trương Đình Anh chuẩn bị bay sang Mỹ được đăng tải trên trang cá nhân đã phần nào xác thực tin đồn lâu nay: cựu CEO của Tập đoàn FPT sẽ sang sống và làm việc dài hạn ở Mỹ.

Rất có thể, sau một đoạn cuối khó khăn và đầy trắc trở tại FPT, doanh nhân nổi tiếng với rất nhiều phát ngôn sốc Trương Đình Anh đã tìm được bến đỗ mới cho mình.

Ông Trương Đình Anh vốn là cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT và là người đặt nền móng xây dựng FPT Telecom, FPT Online.

Ông thuộc thế hệ lãnh đạo thứ hai tại FPT, là một người đầy tham vọng và được ông Trương Gia Bình, chủ tịch HĐQT cũng như ban lãnh đạo, cổ đông FPT kỳ vọng sẽ nâng tập đoàn này lên một tầm cao mới.

{keywords}
Trương Đình Anh là người đặt nền móng và phát triển FPT Telecom.

Từ những năm 2007-2008, ông Trương Đình Anh đã trở nên nổi tiến với tuyên bố: "Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi".

Trong vai trò khi đó là giám đốc Trung tâm Internet FPT, ông đã khuấy động thị trường Internet với nhiều hình thức marketing và bán hàng đặc biệt như trả trước, khuyến mại ồ ạt...

Trương Đình Anh là người nổi tiếng nhất trong số 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (năm 1997). Chính vị doanh nhân này đã đưa Trung tâm Internet FPT với doanh thu 100 triệu đồng năm đầu tiên trở thành Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) với doanh thu lên tới 100 triệu USD vào năm 2008.

Ông Trương Đình Anh khi đó là gương mặt sáng giá nhất cho vị trí điều hành cao nhất của Tập đoàn FPT.

Tuy nhiên, bước lên một tầm quản lý cao hơn, ông Trương Đình Anh gặp khá nhiều khó khăn. Thực tế không phải lúc nào cũng như mong đợi, cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2011 của Tập đoàn FPT chỉ tăng trên dưới 30%, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng. Không những thế, doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2012 bất ngờ tụt giảm.

Điều mà nhiều người lo ngại còn nằm ở chỗ hình ảnh FPT thời điểm nửa đầu 2012 khá mờ nhạt, các NĐT không hình dung đâu là điểm mạnh thực sự của tập đoàn này nữa.

Người ta đặt câu hỏi FPT là nhà bán lẻ hay DN công nghệ?. Mảng mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho FPT là phân phối và tích hợp hệ thống nửa đầu 2012 giảm mạnh so với cùng kỳ.

Tới cuối tháng 9/2012, sau gần 20 tháng ngồi ghế nóng, ông Trương Đình Anh đã rời vị trí CEO FPT. Lý do ông nêu trong đơn xin từ nhiệm là vì những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và  HĐQT. Ông Trương Gia Bình, sau 3 năm vất vả trong việc tìm người kế tục vị trí CEO, đã quay lại đảm nhiệm chức vụ TGĐ.

Những phát ngôn "chấn động"

Chỉ khoảng nửa tháng sau, ông Trương Đình Anh bỏ nốt “ghế” Chủ tịch FPT Telecom dù khi đó, ông vẫn là thành viên HĐQT của FPT và FPT Telecom.

{keywords}
Ông là một trong 3 cá nhân được đề cử giải "Người Tiên Phong".

Tới tháng 7/2013, ông Trương Đình Anh lại gây sốc khi xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT FPT Online... Giữa tháng 6/2016, HĐQT CTCP Viễn thông FPT - FPT Telecom đã thống nhất thông qua đơn từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Trương Đình Anh. Khi đó, ông vẫn là thành viên HĐQT của FPT. Tuy nhiên, từ sau khi nhiệm vị trí CEO FPT, ông Trương Đình Anh hầu như không còn xuất hiện tại các hoạt động của FPT.

Cuối 2013, ông Trương Đình Anh công bố bán thành công gần 1,2 triệu cổ phiếu FPT, thu về khoảng 50 tỷ đồng.

Đoạn cuối khó khăn và những trục trặc tại FPT đã khiến cựu CEO Trương Đình Anh tìm bến đỗ mới ở DN khác ở lĩnh vực giải trí, phim ảnh. Ông đã tham gia vào HĐQT của CTCP Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio) từ tháng 4/2013. Trước đó, ông Đình Anh còn được đồn đại về với VNG, DN vốn sở hữu phần mềm nhắn tin miễn phí Zalo và có nhiều hoạt động liên quan rất nhiều đến viễn thông.

Tuy vậy, sau 4 năm rời FPT, giới đầu tư không thấy có những hiện tượng nào nổi lên giống như FPT Telecom khi xưa dưới bàn tay “phù thủy” của Trương Đình Anh. Quyết định sang Mỹ của ông Đình Anh có thể là một lựa chọn mới, tìm một chân trời mới, “cá kình phải bơi ra biển lớn” giống như lời chia tay của một người bạn.

Chưa biết trong tương lai doanh nhân này có làm nên một sự thần kỳ nào nữa không nhưng trên thực tế, giới doanh nhân đã từng chứng kiến một cái tên rất đình đám Trương Đình Anh, bên cạnh huyền thoại Trương Gia Bình.

Người ta biết đến ông Trương Đình Anh không chỉ bởi cái tài kinh doanh, sự sáng tạo trong kinh doanh mà còn những phát ngôn ồn ào, gây chấn động.

Khao khát làm giàu và vươn lên của ông có từ khi còn rất trẻ cho dù không nhận được sự đồng cảm từ số đông công chúng.

Ước mơ “tỷ phú” và “thủ tướng” vẫn còn lưu truyền. Tuyên bố dành 90% tài sản sau khi rời khỏi việc điều hành DN để phục vụ cho nhiều lợi ích xã hội của doanh nhân này cũng chưa biết có thành hiện thực hay không khi mà doanh nhân này đang tìm một chân trời mới.

Con người thiên về chữ lý, đặt thấp chữ tình, không thích đốt tiền, không mê siêu xe, tennis, đánh golf, nhậu nhẹt,... này làm việc quyết liệt tới mức độc tài để luôn đạt được hiệu quả cao trong công việc và coi “lợi ích là vĩnh viễn”... dường như gặp nhiều rào cản trong phát triển sự nghiệp kinh doanh và quản trị, khi mà “số lượng người ghét nhiều không kém số lượng người thích”.

Sang Mỹ, con đường mới có gập ghềnh hay sẽ mở ra tương lai xán lạn với "quái nhân Trương Đình Anh", tất cả còn đang ở phía trước.

H. Tú