bHàng loạt các DN đầu ngành trong nhiều lĩnh vực trên cả nước đã và đang đẩy mạnh đưa cổ phiếu lên sàn trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước nhiều cơ hội lớn nhờ các hiệp định thương mại tự do đang và sắp có hiệu lực.

Bán lẻ, thủy sản, dệt may, cảng biển… là những ngành được cho là hưởng lợi khi hội nhập. Đây là thời điểm quan trọng quyết định DN có lớn mạnh thành các tập đoàn mang tầm cỡ khu vực hay không.

{keywords}
Thủy sản được đánh giá là ngành có nhiều cơ hội trong hội nhập.

Ngày 29/10, Tập đoàn Sao Mai - An Giang đã chính thức ra mắt mã cổ phiếu DAT của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản (Trisedco) và sẽ niêm yết 38 triệu cổ phiếu này trên Sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 5/11 tới với giá chào sàn 13.000 đồng/cp. 

Đây là cổ phiếu thứ 3 của tập đoàn này, sau ASM của tập đoàn và IDI của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I.

Sự nhộn nhịp lên sàn của các DN vào cuối năm nay đã trở thành một làn sóng, khác hẳn với các năm trước. Chỉ trong ngày 20/10, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã chào đón thêm 2 doanh nghiệp niêm yết mới là CTCP Phát triển Hàng hải (VMS) và CTCP Hóa chất Đức Giang - Lào Cai (DGL).

Trong tháng 10, HOSE cho biết đã chào đón một loạt DN mới như Phân bón Bình Điền BFC (với gần 48 triệu cp), CTCP Nafoods Group NAF (30 triệu cp).... HOSE cũng đang xem xét chấp thuận niêm yết cho Đầu tư Phát triển công nghiệp (30 triệu cp) và Tư vấn dự án Quốc tế KPF…

Trong tháng 9, Sợi Thế Kỷ (STK) đã niêm yết 42,3 triệu cổ phần trên HOSE và trở thành công ty sản xuất sợi đầu tiên niêm yết tại TTCK Việt Nam. 

Tháng 8, Công ty Cổ phần cảng Hải Phòng (PHP) đã niêm yết gần 327 triệu cp trên HNX. Địa ốc Long Điền (LDG Group) đưa 75 triệu cp lên HOSE. Sắp tới trong tháng 11, hàng loạt DN như DN thức ăn nhanh đầu tiên TrangCorp cũng sẽ lên sàn HNX.

Trên UPCOM, làn sóng lên sàn còn sôi động hơn và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, với cổ phiếu của các DN như: TCT Thiết bị điện Việt Nam, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, CTCP Dược phẩm Cần Giờ, Vận tải Xăng dầu Đồng Tháp (DOP), Tài nguyên Ma San MSR (703,5 triệu cp) và sắp tới là Vinatex và Viglacera…

Chia sẻ về quyết định lên sàn, hầu hết lãnh đạo các DN vừa mới lên sàn cho rằng, đây là thời điểm thích hợp, TTCK đang ấm trở lại, nhiều cơ hội mở ra khi VN hội nhập sâu hơn vào thế giới và điều quan trọng hơn là họ muốn mở rộng quy mô, thương hiệu nhờ TTCK. 

Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản (Trisedco) kỳ vọng niêm yết sẽ giúp DN minh bạch hơn, quản trị tốt hơn và khẳng định vị thế và thương hiệu của mình ở thị trường trong nước cũng như quốc tế với các sản phẩm bột cá, mỡ cá, dầu cá, nhất là dầu tinh luyện cao cấp Ranee.

Đại diện CTCP Phân bón Bình Điền cho rằng, niêm yết cổ phiếu là nhằm minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nafoods Group hiện là DN cung ứng tinh dầu gấc số 1 thế giới mong muốn mở rộng quy mô, thương hiệu và tăng cường xuất khẩu khi VN hội nhập.

Trên thực tế, với nhiều NĐT chứng khoán, DAT còn là một cái tên lạ nhưng trên thị trường DN này khá nổi tiếng với thương hiệu dầu cá Raneedòng, một sản phẩm sản xuất từ đề tài khoa học của Viện dinh dưỡng - vào hệ thống giáo dục. Trisedco là DN đầu tiên trên thế giới sở hữu nhà máy tinh luyện mỡ cá thành dầu ăn cao cấp. Đây là một DN thuộc SaoMai Group là nhà xuất khẩu cá tra lớn thứ 5 tại Việt Nam. 

Ông Lê Văn Chính, TGĐ Trisedco cho biết, trong tương lai, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn với các hiệp định như AEC, TPP, ngành thủy sản sẽ có rất nhiều lợi thế. Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu cá tra và cá basa. Do vậy, các các sản phẩm chế biến phụ phẩm như dầu tinh luyện cao cấp cũng có cơ hội cạnh tranh cao. DAP dự kiến đầu tư thêm dây chuyền để nâng công suất sản xuất và đưa ra thị trường thêm nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng hơn với mục đích nhanh chóng lớn mạnh thành một DN hàng đầu trên thế giới.

Nafoods Group trong khi đó mong muốn thông qua TTCK thu hút các NĐT vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm, gắn kết chặt chẽ giữa NĐT và DN trong việc hợp tác đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, mang lại giá trị gia tăng cho cả hai bên.

Trong năm 2014, khá nhiều DN cũng đã lên sàn, lớn mạnh nhanh chóng và cổ phiếu tăng giá dữ dội như: CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG), CTCP Tàu cao tốc Superdong (SKG)... Cổ phiếu MWG chào sàn 68 ngàn đồng sau đó đã tăng lên 100 ngàn đồng; SKG chào sàn 29 ngàn đồng và hiện giờ là 84 ngàn đồng…

Cùng với những kỳ vọng về hội nhập, TTCK trong phiên cuối tháng 10 tiếp tục tăng điểm. Trong phiên 29/10, VN-Index đã chinh phục thành công ngưỡng 600 điểm. Chỉ số này tăng gần 9 điểm (+1,5%) lên 605,2 điểm với hơn 2,5 ngàn tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả hai sàn.

M.Hà