Theo Forbes, nền kinh tế thầm lặng của Việt Nam được ví như một câu chuyện thành công của châu Á. Từ một nước nghèo trên thế giới từ 30 năm trước, nhờ vào đổi mới mà Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình như hiện nay.

Bài báo trên tờ Forbes cho biết, TP.HCM được ví như phát triển năng động nhất khu vực với hình ảnh những tòa tháp chọc trời đang được xây dựng. Nằm cách tòa tháp tài chính Bitexco, một biểu tượng của TP.HCM vài trăm mét, tòa nhà Vietcombank sắp đi vào hoạt động. Được thiết kế bởi công ty kiến trúc danh tiếng Pelli Clarke Pelli, tòa tháp này được lấy cảm ứng từ trào lưu mỹ thuật Art Deco.

Du khách tới Việt Nam, đặc biệt những người phương Tây, họ sẽ thấy ngạc nhiên  bởi những tòa nhà văn phòng cao chót vót, những cửa hàng bán đồ hiệu và các con phố tấp nập. 

Nhìn lại chặng đường phát triển từ vài thập niên trước, Việt Nam là một nước nghèo nhất thế giới cách đây 30 năm. Hình ảnh chiến tranh, đói nghèo của Việt Nam được truyền hình quốc tế ghi lại trong những thập niên 1960 và 1970.

Năm 1986, chính sách đổi mới đã được triển khai, đưa Việt Nam từ nền kinh tế tập trung chuyển sang phát triển theo định hướng thị trường. Bước chuyển mình mạnh mẽ nhất của Việt Nam là tăng nhanh thu nhập cho người dân, từ mức bình quân chỉ 100 USD vào năm 1986, con số đó đã tăng lên gần 2.000 USD hiện nay, và ở các đô thị lớn, mức thu nhập trung bình gấp đôi.

Dù bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng GDP năm 2015 của Việt Nam đạt 6,68%, cao nhất 5 năm. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 tăng 0,63% so với 2014, nhưng đây là thấp nhất kể từ 2001 đến nay.

{keywords}
Tòa nhà chọc  trời là biểu tượng thành công của kinh tế TP.HCM
Việt Nam cũng là nước sắp phê chuẩn hiệp định thương mại tư do xuyên Thái Bình Dương (TTP). Theo dự báo, hiệp định này sẽ giúp GDP tăng 11% trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, thỏa thuận đàm phán thương mại tự do với Liên minh châu Âu cũng sắp được ký kết.

Động lực để phát triển của Việt Nam chính là dân số 94 triệu dân, phần lớn là dân số trẻ và có sự kết nối dân số chặt chẽ. Theo số liệu năm 2014, hơn 40% dân số dưới 25.

Việt Nam cũng là nước có sự kết nối mạnh mẽ, hầu hết các quán cà phê, nhà hàng hay quán bar đều miễn phí wifi, tỷ lệ người dùng smartphone cũng khá cao. Báo cáo nghiên cứu về kết nối toàn cầu của TNS cho thấy, 40% dân số sử dụng Internet hàng ngày, trong số đó 1/3 có smartphone.

Forbes cũng chỉ ra rằng, mặc dù phát triển song Việt Nam vẫn còn hạn chế như sự chênh lệch về thu nhập vùng miền, bộ máy hành chính cồng kềnh. Theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 90 trong số 189 nền kinh tế được khảo sát về chỉ số thuận lợi kinh doanh.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều thách thức nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể lạc quan về triển vọng trong tương lai. Nếu nhìn vào chặng đường 30 năm, Việt Nam được xem như là một bài học thành công về kinh tế của châu Á.

Duy Anh