Giá điện sẽ được tăng 3% trở lên so với giá giá điện bình quân hiện hành và thời gian tối thiểu giữa 2 lần tăng là 3 tháng. Như vậy, một năm giá điện có thể điều chỉnh tới 4 lần.

Theo dự thảo Quyết định quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công Thương vừa soạn thảo nhằm thay thế Quyết định 69/2013, hàng năm, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Giá bán điện bình quân được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định và chỉ được điều chỉnh tăng ở mức 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.

{keywords}
Giá điện sẽ được điều chỉnh nhiều lần hơn?.

Bộ Công Thương dự kiến, trên cơ sở có sự biến động của thông số đầu vào cơ bản khiến cho giá điện bình quân cập nhật lại cao hơn giá bán điện đã được duyệt từ 3-5%, EVN được điều chỉnh tăng tương ứng, nhưng phải báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Dự thảo này quy định, nếu các biến động đầu vào làm giá điện cập nhật lại tăng trên 5% hoặc nằm ngoài phạm vi khung giá quy định, EVN sẽ phải báo cáo hai Bộ Công Thương-Tài chính để thẩm định để trình Thủ tướng xem xét cho ý kiến.

Có thể thấy, so với Quyết định 69 hiện hành về cơ chế điều chỉnh giá điện, thẩm quyền tăng giá điện của EVN bị thu hẹp lại. Theo Quyết định này, EVN hiện nay sẽ được tăng giá điện từ 7% đến dưới 10%, cao hơn mức hiện nay và tất nhiên, cũng phải xin ý kiến và được sự đồng ý của Bộ Công Thương. Các mức này cao hơn hẳn từ 2-7% so với thẩm quyền hiện hành của EVN.

Thẩm quyền xem xét giá điện của Thủ tướng được thực hiện sâu sát hơn, thay vì mức trên 10% như Quyết định 69 hiện hành thì dự thảo quy định từ trên 5% là phải xin ý kiến Thủ tướng.

Dự thảo cũng nêu, trước ngày 1/11 hàng năm, EVN phải xây dựng phương án giá bán điện bình quân trình Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Các Bộ này sẽ xem xét việc điều chỉnh giá trên cơ sở nguyên tắc trên.

Đặc biệt, tần suất điều chỉnh giá điện theo cơ chế hiện nay là 6 tháng/lần, nghĩa là 1 năm 2 lần thì dự thảo đã tăng tần suất lên là 4 lần/năm.

Như vậy, nếu tính kịch trần tỷ lệ % mà EVN có quyền tăng giá điện, mức tăng trong 1 năm của EVN cũng giống như Quyết định 69 hiện nay, nghĩa là dưới 20%/năm.

Quỹ bình ổn giá điện

Dự thảo cũng quy định về Quỹ bình ổn giá điện được lập ra với mục tiêu bình ổn giá điện. Nguồn hình thành Quỹ được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Quỹ bình ổn giá điện được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện đã được phân bổ hết. Quỹ này sẽ do EVN thực hiện trích lập, quản lý và sử dụng theo sự hướng dẫn của hai Bộ Công Thương- Tài chính.

Cách thức lập Quỹ này cũng tương tự như giá xăng dầu, tuy nhiên, Quyết định 69 hiện nay mới chỉ đề cập đến chứ chưa có hướng dẫn cụ thể về việc trích lập, sử dụng, quản lý Quỹ này ra sao.

Phạm Huyền