Lý giải cho thành tích "cá bơi ngược dòng" của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế không thể không nói đến những cải cách đột phá về môi trường kinh doanh. Từ vị trí còn thấp so với các nước trong khu vực, Việt Nam đã vươn lên TOP ASEAN-6, nhiều lĩnh vực đạt thứ hạng TOP ASEAN- 4.

Sự thông thoáng trị giá ngàn tỷ

Hai năm trước, mỗi tháng 1 lần, DN phải trực tiếp đến chi cục thuế để thực hiện kê khai thuế. Hết năm, đến kỳ quyết toán thuế, các cán bộ kế toán xếp hàng dài, với chồng hồ sơ dày cộp, chen chúc làm thủ tục. Bởi nếu chậm 1 ngày, DN sẽ bị phạt vì "tội" chậm nộp thuế.

Bây giờ, ngày cuối cũng như đầu tháng và kể cả là ngày 31/3 - ngày cuối cùng quyết toán thuế, phòng một cửa của Cục thuế TP. Hồ Chí Minh trống vắng, chỉ có lác đác vài người đến hỏi thủ tục. Số người đi làm thủ tục thuế ít hơn nhiều so với số cán bộ thuế làm việc tại đây.

{keywords}

Đến 2015, nhiều thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của DN hầu như đã chuyển sang giao dịch qua mạng internet. Khi không còn phải in ấn hàng chục tập hồ sơ dày cộp và bớt đi việc giao dịch trực tiếp với các công chức, DN ở Việt Nam đã tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng, kể cả là những khoản phí lót tay.

Lãnh đạo Công ty CP chăn nuôi Việt Nam (CP) của Thái Lan, DN đã tiết kiệm tới 60 tỷ đồng chi phí hành chính khi chuyển sang kê khai và nộp thuế điện tử.

Cùng đó, thời gian cho các thủ tục trong các hoạt động kinh doanh hiện nay đã rút ngắn hơn rất nhiều lần so với 2 năm trước.

Với ngành thuế, từ mức 1.050 giờ nộp thuế ở năm 2011-2012, đã cải cách giảm xuống 872 giờ và sang năm 2016, tính theo phương thức của WB, số giờ nộp thuế trên thực tế đã chỉ còn chưa đến 171 giờ.

Nếu như 2014-2015, ngành thuế giảm đột 420 giờ thì bước sang năm mới này, sẽ chỉ còn vỏn vẹn... khoảng 1- 2 giờ nộp thuế để giải quyết, đưa tiêu chí này của Việt Nam vào thứ hạng trung bình của ASEAN-4.

Và với cách tính của tổ chức USAID, với mức chi phí trung bình phải trả cho kế toán ở Việt Nam là 24,6 triệu đồng ở 450.000 DN, ước mức chi phí mà Việt Nam tiết kiệm được khi giảm hơn 700 giờ nộp thuế và bảo hiểm xã hội, lên tới 6.600 tỷ đồng.

Theo xếp hạng của WB tại báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016, Việt Nam đã tăng tới 3 bậc. Đáng chú ý, khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc, tiếp cận điện năng tăng 22 bậc, tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc và nộp thuế tăng 4 bậc.

Từ thành quả này, nhìn lại quyết tâm cải cách môi trường kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần đặc biệt lưu ý giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử.

“Chẳng hạn trong ngành thuế, cuối năm nay phấn đấu 90% số DN nộp thuế điện tử thì người dân sẽ không phải xách xe, xách tiền đi nộp nữa, nếu làm được thì cải cách rất lớn, rất thuận tiện. Các nước làm được thì không có lý do gì ta lại không làm được?”, Thủ tướng nhấn mạnh; “không có cách nào khác” là phải triển khai quyết liệt giải pháp này.

Đồng thời Thủ tướng cũng lưu ý cải cách thủ tục hành chính, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho người dân, DN thì cũng cần bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo vệ lợi ích của cộng đồng.

Hạ tầng mềm cho phát triển

Chia sẻ về vấn đề trên tại diễn đàn mới đây, đại sứ quán Australia bày tỏ: "Tôi rất ấn tượng về kết quả cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan trong những năm vừa qua của Việt Nam, đặc biệt là trong năm 2014-2015. Nghị quyết 19 của Chính phủ là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ các cải cách quan trọng, đáp ứng tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế".

Ông Goyal Aseem, Giám đốc khối tài trợ thương mại và quản lý dòng tiền, ANZ Việt Nam cho biết: “Khi đánh giá về chỉ số thuận lợi kinh doanh của một quốc gia, DN thường quan tâm đến tiêu chí, thời gian khởi nghiệp, các thủ tục cấp phép và đặc biệt là thời gian nộp thuế. Với những cải cách quyết liệt thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt và đúng hướng. Điều này thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động”.

{keywords}

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng nhấn mạnh: "Chính phủ đã coi những tiêu chí quốc tế như một thước đo cho điều hành kinh tế, một mục tiêu để tất cả các bộ ngành địa phương phấn đấu hướng tới. Môi trường kinh doanh Việt Nam phải đạt thứ hạng trung bình của ASEAN-6, năm 2016 là ASEAN-4 là các mục tiêu cụ thể đã được thể hiện rõ ngay trong các Nghị quyết 19 của Chính phủ".

Đó là minh chứng cho sự đổi mới tư duy từ từ Chính phủ trong câu chuyện cải cách ở Việt Nam và đặc biệt, sự thành công của những bước đột phá trong môi trường kinh doanh hiện nay là quyết tâm chính trị cao của người đứng đầu.

Tại phiên họp cuối tháng 11/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu năm 2016 cần tiếp tục đà cải cách của năm 2015, phải đạt được các mục tiêu về giảm thời gian nộp thuế, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa…, những lĩnh vực đã đạt được mục tiêu cải cách như tiếp cận điện năng thì phải phấn đấu làm tốt hơn nữa.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trước những cơ hội và sức ép cạnh tranh, không có cách nào khác là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm, từng mặt hàng, tập trung vào những lĩnh vực có lợi thế của Việt Nam, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

Ngày 31/12, tại Hội nghị tổng kết Ngành Công thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Chúng ta xây bao nhiêu đường cao tốc mà không có thể chế, cơ chế phù hợp thì cũng không phát triển được. Thể chế ở đây chính là hạ tầng mềm, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và cả ngoài nước đầu tư phát triển. Đó là trách nhiệm của Nhà nước, của Chính phủ, doanh nghiệp không làm thay được".

Từ chia sẻ của Thủ tướng, nhìn rộng ra toàn nền kinh tế, một thể chế mềm linh hoạt, sáng tạo, coi DN là một đối tác đồng hành cùng Nhà nước, là động lực cho phát triển là cần thiết trên mọi lĩnh vực kinh tế. Thể chế mềm này có thể hiểu chính là môi trường kinh doanh. Cải cách vừa qua trở thành luồng gió mới cho đời sống DN Việt Nam và động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới bền vững hơn.

Phạm Huyền