- Trước hàng loạt cơ hội lớn mang lại từ các hiệp định thương mại tới đây, nếu Việt Nam không nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp không chuẩn bị tốt thì sẽ bị chìm và chịu hiệu ứng phản tác dụng từ cuộc chơi hội nhập.

Đó là khuyến cáo của Bộ trưởng Bộ KHĐT, ông Bùi Quang Vinh, cũng như nhiều chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu sáng nay, 30/9.

Phát biểu trước 700 đại biểu đến từ 32 quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dung khẳng định, Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới. Đời sống ngươi dân đã cải thiện tốt hơn, lạm phát thấp và tăng trưởng duy trì bền vững.

Ông cũng cho biết: "Sức mua và quy mô thị trường ngày càng tăng. Năm 2014 là 2.200 USD thu nhập bình quân đầu người, tính ngang giá sức mua là 5.600 USD/người".

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dung khẳng định: Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới.

Giai đoạn tới, 2016-2020, Việt Nam sẽ phấn đấu quay trở lại mức tăng trưởng kinh tế trung bình 7%. GDP năm 2016 có thể ở mức 6,7%. Năm nay, GDP có thể ở mức 6,53%, vượt xa so với mục tiêu 6,2% đề ra từ đầu năm.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao liên tục thứ 2 trên thế giới 20 năm qua, là số ít các nước có tăng trưởng dương trong giai đoạn hiện nay.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, không gian kinh tế hôi nhập đang mở ra với nhiều cơ hội lớn. Việt Nam đang tham gia xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN với GDP 2.500 tỷ USD và là thị trường 650 triệu dân. Với TPP và nhiều FTA sẽ ký kết, Việt Nam còn mở ra quan hệ kinh tế với 55 đối tác và trong đó, 15 thành viên là các nước G20 và nhiều nước G7.

Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng chia sẻ: "Môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn những khó khăn nhất định. Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp để phấn đấu môi trường kinh doanh đạt thứ hạng trung bình trong ASEAN -6 năm nay và ASEAN-4 năm tới.

Ông Tony, Tổng Giám đốc phụ trách châu Á của Euromoney đánh giá: "Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống, kinh tế ASEAN mong manh, Việt Nam vẫn tăng trưởng 6,5% năm nay và có thể lên tới 7% năm 2016. Rõ ràng, có sự quyết tâm cải cách kinh tế ở đây".

Ông tin rằng: "Việt Nam đang trở thành một điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nền kinh tế sẽ còn khá hơn nữa khi Việt Nam khi các hiệp định thương mại với EU, Hàn Quốc... và đặc biệt là TPP với 12 quốc gia thành viên. Việt Nam có thể thành trung tâm sản xuất của khu vực".

Dù vậy, Giám đốc Quốc gia ADN, ông Eric Sidgwick, chia sẻ rằng vẫn còn một số lo ngại đáng lưu tâm.

{keywords}

Việt Nam đã tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu.

"Việt Nam đã đi qua các phép thử nhất định nhưng hệ thống tài chính vẫn có khả năng bị tổn thưởng, do tác động bên ngoài. Chính phủ cần có thêm cơ chế giám sát, phản ứng nhanh và hiệu quả hơn", ông Eric nói.

Theo ông, trong 12 tháng tới, sẽ có phép thử mới là lãi suất. Vấn đề nóng hổi hiện nay là khả năng FED có thể tăng lãi suất và phải thấy, lãi suất đang còn thấp. Việt Nam sẽ phải nhìn tổng thể vấn đề này, tính đến khả năng sẵn sàng đối phó ở cấp độ toàn cầu khi lạm phát quay trở lại bình thường.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen, cho rằng: "Nền kinh tế Việt Nam phải được dẫn dắt bởi các Tập đoàn kinh tế mới đảm bảo sự phát triển vững chắc, lâu dài. Nhưng tỷ trọng FDI hiện quá lớn, làm mất đi cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Chưa kể, FDI còn chuyển giá nhiều. Đó là điều cộng đồng doanh nghiệp Việt đang trăn trở, khi hầu hết doanh nghiệp còn nhỏ, yếu cần có hỗ trợ của Chính phủ".

Trước các tâm tư này, ông Bùi Quang Vinh thẳng thắn: "Khi Việt Nam tham gia cam kết quốc tế, sẽ phải chấp nhận luật chơi chung, phải chấp nhận cạnh tranh, nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ là thất bại. Mở cửa mà trong nước không đáp ứng được thì cũng mất sân nhà".

Một minh chứng cho lòng tin của những nhà lãnh đạo Việt Nam vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế và cải cách thể chế hiện nay là việc Việt Nam đã tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, đứng thứ 56, do Diễn đàn kinh tế thế giới vừa công bố.

Phạm Huyền