Trong số 7 bị can bị truy tố trước pháp luật vụ việc liên quan đến Nguyễn Đức Kiên và sẽ phải ra hầu tòa trong thời gian tới đây bị can Trần Xuân Giá - nguyên Chủ tịch HĐQT ACB là cựu quan chức từng giữ chức vụ cao nhất cũng là bị can có độ tuổi lớn nhất trong vụ án.

Sau hơn 1 năm giữ vai trò cố vấn Hội đồng quản trị (HĐQT), tháng 3/2008, sau đại hội cổ đông, ông Trần Xuân Giá được bầu làm Chủ tịch HĐQT ACB nhiệm kỳ 2008- 2012.

Thông thường, chức vụ Chủ tịch HĐQT thường dành cho người nắm giữ lượng lớn cổ phần. Nhưng với ông Trần Xuân Giá thì ngược lại "bởi ông tham gia với tư cách thành viên HĐQT độc lập”.

Theo lời ông thì “tôi làm việc vì danh dự và trách nhiệm của một con người. Tôi chẳng đại diện cho một cổ đông cụ thể nào và tôi làm việc theo luật. Tôi là người chủ trì dự thảo Luật Doanh nghiệp, theo tinh thần đó, tôi không thể làm điều gì trái với những gì mà mình mong muốn xã hội làm”. Vì vậy, “ông Giá cũng đã từng ra điều kiện cho ACB, nếu ông làm Chủ tịch HĐQT thì mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải theo luật chứ không được theo bất cứ một mối quan hệ nào”.

{keywords}
Ông Trần Xuân Giá.

Ông Trần Xuân Giá cho biết đối với các công ty đại chúng, cơ chế thành viên HĐQT độc lập là rất hay và cần thiết bởi các thành viên này có nghĩa vụ hài hòa lợi ích của công ty với lợi ích của toàn xã hội; lợi ích của các nhóm cổ đông nhằm giúp công ty phát triển bền vững. Ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng đều có quy định về vấn đề này nhưng việc áp dụng chưa được phổ biến, chưa thành nếp. Trước đây, khi tham gia xây dựng Luật Doanh nghiệp, tôi đã từng nghĩ đến vấn đề này, nhưng không có kinh nghiệm thực tế. Việc tham gia vào HĐQT của quỹ đầu tư nước ngoài đã giúp tôi nối dài suy nghĩ và với kinh nghiệm thực tế của mình, tôi sẽ có điều kiện góp ý cho việc sửa luật của ta liên quan đến cơ chế thành viên HĐQT độc lập…”

Tuy nhiên, tiếng là Chủ tịch HĐQT, nhưng ông Trần Xuân Giá không có quyền định đoạt mọi việc mà bị biến thành người thực hiện những chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên khi cùng với các ông: Lê Vũ Kỳ, Phó Chủ tịch HĐQT; Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc; Phạm Trung Cang và Trịnh Kim Quang, thành viên HĐQT cùng ký biên bản cuộc họp Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22/3/2010 ra chủ trương dùng tiền huy động của dân ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB và công ty gửi tiền VND và USD vào các tổ chức tín dụng. Chính chủ trương này đã khiến ông bị khởi tố.

Nguồn cơn của việc làm vi phạm pháp luật này là do trong thời gian từ 2005- 2011, Ngân hàng ACB huy động được từ dân lượng tiền nhiều với lãi suất cao trong khi việc cho vay lại gặp khó khăn, việc gửi liên ngân hàng không thực hiện được vì nhiều ngân hàng cũng trong tình trạng tương tự như ACB nên không có nhu cầu nhận.

Ngày 22/3/2010, Thường trực HĐQT ACB triệu tập cuộc họp của Thường trực HĐQT, có sự tham gia của Trưởng ban kiểm soát, Hội đồng tín dụng, Hội đồng đầu tư và Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB là ông Trần Mộng Hùng (Chủ tịch) và ông Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch) để bàn phương án giảm tồn lượng tiền huy động từ dân để tránh thiệt hại cho Ngân hàng ACB.

Tại cuộc họp, ông Trần Mộng Hùng đưa ra phương án giảm lãi suất huy động tiền gửi để giảm áp lực bị lỗ khi nhận tiền tiết kiệm mà không cho vay được. Nhưng Nguyễn Đức Kiên có ý kiến chỉ đạo: không được giảm tổng tài sản của ngân hàng ACB, theo đó không chấp nhận giảm lãi suất huy động. Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên ngân hàng ACB mang tiền của ACB đi gửi vào các ngân hàng để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng thêm “hoa hồng”, khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng.

Đề xuất này được Nguyễn Đức Kiên đồng tình. Sau đó các thành viên Thường trực HĐQT là Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã thống nhất ký vào biên bản cuộc họp Thường trực HĐQT với nội dung: “đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng. Giao Tổng giám đốc kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng… ủy quyền cho kế toán trưởng tổ chức thực hiện, ký hợp đồng ủy thác”.

Thực hiện Nghị quyết này, từ ngày 26/1 đến 22/9/2011, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhân viên gửi hơn 28,3 nghìn tỷ đồng vào 22 ngân hàng với lãi suất 7,5%/ năm đến 22%/năm và hơn 71,258 triệu USD với lãi suất 3%/năm đến 6%/ năm. Số tiền gửi VND đã thu được lãi là hơn 1.162,5 tỷ đồng, trong đó lãi vượt trần là hơn 243,6 tỷ đồng; số tiền lãi gửi USD là hơn 1,2 triệu USD.

Ngoài ra, từ 27/6 đến 5/9/2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho Kế toán trưởng thực hiện ủy thác 718,9 tỷ đồng cho 19 nhân viên ACB gửi tiết kiệm vào ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, thời hạn từ 3 đến 6 tháng với lãi suất trong hợp đồng 14%/năm; lãi suất thỏa thuận ngoài hợp đồng từ 3,7% đến 13%/ năm. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này sau đó đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh chiếm đoạt.

Kết luận của cơ quan điều tra đã khẳng định việc ông Trần Xuân Giá đồng ý chủ trương dùng tiền huy động của dân không sử dụng vào cho vay để phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề an sinh xã hội của đất nước, kinh doanh không nằm lĩnh vực được phép hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sử dụng không đúng mục đích kinh doanh mà ủy thác cho các tổ chức, cá nhân gửi vào các Ngân hàng khác làm sai lệch số tiền gửi, cũng như tài sản thực có của các ngân hàng, từ đó làm ảnh hưởng đến việc ra chủ trương điều hành thị trường tiền tệ, gây rối loạn thị trường tiền tệ, gây hậu quả về phi vật chất đặc biệt lớn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ và thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông Ngân hàng ACB.

Hành vi của ông Trần Xuân Giá đã đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 165 Bộ Luật Hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức.

Cáo trạng của Viện KSND Tối cao cũng cáo buộc: “bị can Trần Xuân Giá, với tư cách là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y, có nhiệm vụ đưa ra các chủ trương, đinh hướng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB, là người quản trị cao nhất của Ngân hàng ACB và biết rõ các quy định của Ngân hàng nhà nước nhưng ông Trần Xuân Giá vẫn đồng ý để chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định gây thiệt hại số tiền 718.908.000.000 đồng nên phải chịu trách nhiệm về hành vi này.

Hành vi của ông Trần Xuân Giá đã phạm vào tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, xét bị can Trần Xuân Giá nguyên là cán bộ cao cấp của Nhà nước, đã có nhiều đóng góp trong quá trình công tác, nay tuổi cao, sức khỏe yếu nên đề nghị tòa xem xét khi lượng hình”.

Theo Vnmedia