- Từ “chợ làng” ra “chợ quốc tế”, từ quyết tâm đòi công lý đến chấp nhận luật chơi của thương trường, nhiều bài học đắt giá rút ra từ vụ kiện cá tra, basa Việt Nam của Mỹ. Sau cả chục năm theo đuổi vụ kiện, có nhiều chi tiết đến giờ mới được công bố.

LTS: Để chọn một điển hình hội nhập kinh tế của Việt Nam thì chắc chắn quan hệ giao thương Việt - Mỹ là một câu chuyện thành công.

20 năm từ ngày Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, giao thương giữa hai nước từ gần như con số 0 thương mại hai chiều đã bùng nổ lên hơn 35 tỷ USD vào cuối 2014. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Điều này phản ánh nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế hai nước là: Bùng nổ về quy mô và gia tăng tốc độ mạnh mẽ.

Từ bình thường hóa quan hệ, tới Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, rồi WTO và sắp tới có thể là TPP, mỗi bước tiến hội nhập chính là một nấc thang mới trong quan hệ kinh tế hai nước.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, VietNamNet xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài: “20 năm giao thương Việt - Mỹ: Bùng nổ quy mô, gia tăng tốc độ” để góp cái nhìn tổng thể về quan hệ kinh tế Việt - Mỹ cũng như một góc nhìn về hội nhập kinh tế của Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Tổng Thư ký, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP) - chia sẻ với PV VietNamNet về những tình huống gay cấn khi ông trực tiếp cùng doanh nghiệp tham gia giải quyết vụ kiện.

Từng muốn đóng 3 triệu đô để hòa hoãn

- Vụ kiện chống bán phá giá cá tra tại Mỹ năm 2002 - thách thức to lớn đầu tiên của ngành kinh tế đối ngoại nước ta - có khiến ông bị bất ngờ không?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Có chứ. Hồi đấy đã ai biết thế nào là chống bán phá giá đâu? Chữ anti-dumping lần đầu tiên mình mới được nghe năm 2002.

Trước đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: Đó là cái chợ làng, tôi có trái cây ngon, con gà ngon tôi mang ra chợ bán, mà giá rẻ hơn thì người ta tập trung mua - chuyện đó là tất nhiên. Trong đầu mình nghĩ rất ngây thơ là "mình không bán phá giá thì không ai khép được cho tôi tội đó cả".

Nhưng thương trường thế giới lại khác. Ở thị trường Mỹ, chuyện điều tra, kết luận chống bán phá giá hay không là theo luật của Mỹ. Theo luật đó, đối với các nước kinh tế phi thị trường, Mỹ sẽ lấy các yếu tố giá thành của nước thứ ba để so sánh (trong vụ kiện này ban đầu là Banglalesh). Và lấy số liệu nào là toàn quyền của họ.

{keywords}

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng được trao giải Thành tựu trọn đời do Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) trao tặng năm 2014 (ảnh Vietfish)

Nửa đêm 27/1/2003 về sáng, khi nghe Bộ Thương mại Mỹ đưa ra phán quyết sơ bộ về biên chống bán phá giá cực kỳ cao (37,94-63,88%) với cá tra, basa tôi cảm thấy hoàn toàn bất ngờ. Đến mức, tuy hồi đó lượng cá basa không là bao nhưng tôi đã phải nghĩ ngay đến chuyện mở chiến dịch kêu gọi các bà nội trợ trong nước mỗi nhà một tháng ăn hộ 1 ký.

- Được biết ông đã từng trắng đêm nghiên cứu tài liệu, bay qua bay lại nước Mỹ, tham gia vận động hành lang,... để đối phó với vụ kiện. Có lúc nào ông thấy nản lòng?

Thật ra ngay từ đầu năm 2002, VASEP có được sự giúp đỡ của một nhóm người ở bang Texas (Mỹ). Họ chưa biết gì về con cá basa. Họ đến Việt Nam làm việc khác cơ. Trong nhóm này có 1 tỷ phú người Mỹ. Đọc báo tiếng Anh nên biết đến vụ kiện, ông đã chủ động tìm gặp tôi ở văn phòng VASEP. Nghe tôi giải thích về quan điểm của Việt Nam, họ cũng tin là mình không bán phá giá.

Trong thảo luận với họ, VASEP từng đề xuất 3 phương án để giải quyết vụ kiện:

Phương án đầu tiên là hòa hoãn. Mình hiểu ra một điều, ở chợ quốc tế, chợ quốc gia (như Mỹ), Hiệp hội Cá nheo Hoa Kỳ (CFA) cũng phải dày công để người Mỹ biết đến tên con cá nheo và ăn con cá ấy. Họ cũng phải vất vả bao năm để gây dựng thị trường... thì ngẫu nhiên, Việt Nam mang sản phẩm tốt, đẹp, rẻ vào bán. Đây không phải là chợ làng. Muốn chiếm thị trường, muốn có thị phần, anh phải bỏ công sức.

Nếu hòa hoãn với CFA, thông qua trung gian, VASEP đề nghị sẽ đóng góp một số tiền, khoảng 3 triệu USD, để cùng CFA lập một quỹ chung phát triển thị trường cá da trơn. Cùng với đó là cam kết hạn chế sản lượng cá xuất khẩu sang Hoa Kỳ, giá bán sẽ không thấp hơn một mức nào đấy và cả hai bên cùng hợp tác phát triển.

Phương án hai: Thỏa thuận Đình chỉ - nếu CFA không đồng ý thì nhờ Chính phủ, cụ thể Bộ Công Thương (lúc đó là Bộ Thương Mại) thỏa thuận với Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Phương án ba, nếu thỏa thuận giữa các Bộ không thành thì buộc phải đi đến cùng vụ kiện.

Phương án một được VASEP ưu tiên hơn cả, nhưng ngặt nỗi trong CFA cũng có nhiều phe phái. Cũng không may là vụ kiện xảy ra sau sự kiện 11/9, Việt Nam ở vào thế rất kẹt. Cuối cùng, CFA không đồng ý phương án hòa hoãn. Thỏa thuận đình chỉ cũng không thành. VASEP buộc phải theo phương án 3.

Ba bài học đắt giá

- Sau vụ kiện cá tra, basa đến vụ kiện con tôm, rồi các rào cản kỹ thuật ngày càng phức tạp, rõ ràng thị trường Mỹ là nơi thử thách và rèn bản lĩnh hội nhập rất tốt cho DN Việt Nam. Qua đó, các DN thủy sản đã trưởng thành như thế nào?

Vụ kiện chống bán phá giá là thách thức rất lớn với Việt Nam. Hồi đó, mình vì bị đối xử không công bằng nên phát biểu theo hướng đòi công lý. Nhưng thương trường có luật chơi của nó, họ được phép kiện theo luật của Mỹ.

{keywords}

Nhiều bài học đắt giá rút ra từ vụ kiện cá tra, basa Việt Nam của Mỹ

Có ba bài học đắt giá từ vụ kiện này.

Thứ nhất, đó là thách thức để doanh nghiệp nhận ra rằng, thương trường phức tạp hơn rất nhiều công lý thông thường. Anh không làm nhưng vẫn có thể bị kết luận là có, nếu anh không đủ chứng cứ, tài liệu bảo vệ mình.

Thứ hai, cách làm việc, cách làm theo luật của Hoa Kỳ rất chặt chẽ, nên nếu động chạm đến lợi ích của nhóm người nào đó khi kinh doanh tại đây, anh có thể bị kiện bất cứ lúc nào. Vì vậy anh phải sẵn sàng.

Thứ ba, không thể hiểu luật Hoa Kỳ nếu thiếu luật sư. Trong vụ kiện cá tra, basa, doanh nghiệp Việt Nam đã phải làm việc rất sớm với các luật sư, mức giá thuê khá đắt từ 500-520 USD/giờ. Cái đó là tiền tấn, không cần biết anh thắng hay thua, chưa kể chi phí đi lại và rất nhiều chi phí khác.

Như vậy, thực tế buộc các doanh nghiệp phải trưởng thành. Mình đừng nghĩ đơn giản, ngây thơ là cứ giá rẻ có thể chiếm lĩnh thị trường. Thương trường giờ gắn với nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là phải nắm được luật chơi. Nắm được luật chơi, VASEP đã đề nghị Chính phủ Việt Nam kiện Mỹ ra WTO về quy định zeroing (quy về không) trong vụ kiện tôm và đã thắng.

- Khi Việt Nam gia nhập WTO và tới đây là rất nhiều hiệp định thương mại khác, rất nhiều vụ kiện cũng như hàng rào kỹ thuật được dựng lên. Theo ông, chúng ta cần làm gì để giảm thiểu thiệt hại?

Khi thị trường thuận lợi, được giá, dễ dãi, sức mua lớn,... không ai bảo ai tất cả đều dồn hàng vào. Ai cũng muốn làm nhiều, xuất nhiều. Như cá tra, chúng ta đã phát triển rất nhanh trong thời gian rất ngắn. Toàn bộ do dân và doanh nghiệp làm. Nhưng chính sự phát triển quá nhanh đó đã gây ra mối hại cho ngành cá tra. Về cơ bản chúng ta chỉ tăng sản lượng, năng suất, mà lẽ ra phải đặt chất lượng, khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu, lên trên.

Trong kinh tế thị trường, anh sản xuất ra để bán, nếu sản xuất nhiều mà không bán được là chết hẳn. Anh càng giỏi bao nhiêu về sản xuất mà càng yếu bao nhiêu về thương mại thì càng gây hại cho anh bấy nhiêu. Điều ấy thể hiện rõ trên tất cả các mặt hàng nông sản.

Mặt khác là cách tư duy về đối tác, đối thủ. Trong cuộc đấu giữa VASEP và CFA, nếu tiếp tục đấu nữa họ sẽ thua, vấn đề là bao giờ họ thua và mình có muốn không? Họ cũng chỉ là người nuôi cá, trong điều kiện không thuận lợi bằng mình. Do vậy, ngoài hiểu đối tác nên tìm cách hợp tác với chính đối thủ của mình.

- Trong hội nhập, vai trò của các hiệp hội ngành nghề là đặc biệt quan trọng. Theo ông,cần phát huy vai trò của hiệp hội ra sao?

Đến nay, điểm yếu nhất của các hiệp hội ở Việt Nam là tính chuyên nghiệp chưa cao. Những người làm cho hiệp hội là loại người đặc biệt. Họ phải am hiểu kinh doanh, hiểu được những vấn đề của cộng đồng, làm cầu nối giữa các thành viên với nhau, giữa thành viên với Nhà nước và với cộng đồng quốc tế.

Nhưng lực lượng đó hiện nay chưa ở đâu đào tạo cả. Hơn nữa, cần hình thành những quy ước chung, tiếng nói chung của cộng đồng. Và, chính sách Nhà nước hiện mới là kiểm soát chứ chưa tạo điều kiện, hỗ trợ hiệp hội làm thay phần việc của Nhà nước.

- Xin cảm ơn ông.

Ngọc Hà (thực hiện)