Bộ Tài chính siết chặt việc phê duyệt cho các đoàn đi nước ngoài công tác, trong đó cấm các trường hợp tự ý liên hệ hoặc gợi ý để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng quản lý mời đi công tác hoặc du lịch.

Du khách Trung Quốc bị 'tát nảy lửa' vì kỳ thị người nước ngoài

Đừng nghĩ Việt Nam đang đánh đuổi công nghệ nước ngoài

Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC về nâng cao hiệu quả công tác quản lý và thực hành tiết kiệm trong việc tổ chức đoàn đi công tác nước ngoài.

Chỉ thị nêu rõ, khi xây dựng kế hoạch (đoàn ra, đoàn vào), phải báo cáo đánh giá kết quả, hiệu quả của đoàn ra của năm trước; xác định nhiệm vụ của năm sau phải cụ thể, đảm bảo sát đúng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, yêu cầu đối ngoại và hội nhập quốc tế, phù hợp với khả năng tài chính của đơn vị...

"Không cử đoàn đi công tác nước ngoài không nằm trong kế hoạch, trừ các trường hợp đột xuất, cần thiết; không cử đoàn đi giao lưu, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài không thiết thực bằng nguồn ngân sách nhà nước", Bộ Tài chính yêu cầu.

{keywords}
Bộ Tài chính siết chặt việc đi nước ngoài công tác. Ảnh: L.Bằng

Việc cử đoàn đi công tác nước ngoài phải nằm trong Kế hoạch đã được cấp có thầm quyền phê duyệt. Thủ trưởng cử công chức đi công tác nước ngoài phải nêu rõ đoàn ra thuộc Kế hoạch đối ngoại của Bộ Tài chính.

Không tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài từ nguồn kinh phí các dự án (trừ các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn kinh phí không hoàn lại), kinh phí từ các nguồn vốn vay ODA, vay nước ngoài và các nguồn tài trợ khác để đi công tác ở nước ngoài.

Đối với việc cử cán bộ tham gia đoàn công tác của các Bộ, ngành liên quan, đơn vị được mời phải báo cáo Bộ Tài chính chương trình, nội dung, mục đích cụ thể của chuyến công tác, thể hiện được vai trò và sự cần thiết của đại diện Bộ Tài chính khi tham gia đoàn.

Lãnh đạo các đơn vị được phân cấp cử công chức, viên chức đi công tác nước ngoài tuyệt đối không cử quá 1 đoàn đi công tác cùng thời gian, địa điểm, nội dung trong cùng một nước đến trong thời gian 3 năm; không đi quá 3 nước trong cùng một chuyến công tác.

Với lãnh đạo chủ chốt (bao gồm cả lãnh đạo Bộ) và cán bộ của đơn vị, Bộ Tài chính yêu cầu không đi công tác nước ngoài quá 2 lần một năm và không cử 2 lãnh đạo chủ chốt tham gia cùng một đoàn (trừ trường hợp tham gia các đoàn tháp tùng, tùy tùng theo yêu cầu của cấp trên, làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế hoặc đàm phán, hội nghị thường niên do yêu cầu công tác).

Khi cử công chức, viên chức đi công tác nước ngoài, Thủ trưởng đơn vị phải báo cáo cụ thể về nội dung công tác, kinh phí, số lần công chức, viên chức tham gia công tác ở nước ngoài.

"Thủ trưởng đơn vị không cử đi công tác nước ngoài đối với các trường hợp tự ý liên hệ hoặc gợi ý để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng quản lý mời đi công tác hoặc du lịch", Bộ Tài chính nêu rõ.

Đặc biệt lưu ý việc thu hồi và nộp lại các hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao của các cán bộ, công chức, viên chức khi nghỉ hưu, thôi việc, ra khỏi biên chế và các trường hợp không thuộc diện được sử dụng hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao theo quy định.

Trong báo cáo gần đây, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ rõ, thời gian qua, tại một số bộ, ngành, địa phương, việc lập, phê duyệt đoàn đi nước ngoài còn chưa đúng quy định. Có trường hợp lãnh đạo đi công tác nước ngoài nhiều lần trong năm, nhiều đoàn ra nước ngoài với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng chủ yếu là để tham quan, du lịch, giải quyết chế độ, chính sách.

Có những dự án tổ chức 3 đoàn đi khảo sát, học tập mô hình của nước ngoài nhưng 1 đoàn về không có báo cáo, 2 đoàn có báo cáo nhưng không liên quan đến nội dung khảo sát…và theo phản ánh của dư luận, báo chí thì tình hình này vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh tình trạng này.

L.Bằng