Sau 2 năm hủy niêm yết tự nguyện để tìm nhà đầu tư chiến lược và tái cơ cấu, Tập đoàn Minh Phú nhà ông Lê Văng Quang trở lại.

CTCP Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố thông tin về việc mua lại cổ phiếu quỹ. Theo đó, doanh nghiệp của nhà ông Nguyễn Đăng Quang dự kiến mua 115 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ 16/10-14/11 với tổng giá trị khoảng 6,3 ngàn tỷ đồng. Số cổ phiếu Masan muốn mua chiếm 10% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Nếu thương vụ này thành công, đây sẽ là một trong những thương vụ mua cổ phiếu quỹ hàng đầu trên thị trường chứng khoán. Nó cũng giúp doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Đăng Quang giải quyết được vấn đề “đau đầu vì nhiều tiền mặt”.

Theo của Masan, việc mua lại cổ phiếu sẽ góp phần tạo thanh khoản cho cổ đông. Trong khi các cổ đông còn lại có thể hưởng lợi từ tầm nhìn chiến lược trong thời hạn 3 năm như đã được công bố trong thông báo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017.

{keywords}
Thị trường chứng khoán trầm lắng.

Trong vòng gần 3 tháng qua, cổ phiếu MSN đã tăng giá khoảng 37% từ mức trên 40 ngàn đồng/cp lên mức gần 58 ngàn đồng/cp như hiện tại. Đây cũng là mức giá cao nhất trong gần 2 năm giao dịch vừa qua.

Rất nhiều cổ phiếu khác cũng đang có giá đứng ở mức cao lịch sử như MWG, PNJ, VIC, VJC, HPG.... Nó khiến hàng loạt các đại gia giàu chưa từng có. Tuy nhiên, điều này cũng cản trở giao dịch trên thị trường. Thanh khoản chùng lại ở gần như tất cả các mã cổ phiếu.

Tuy nhiên, đây lại là thời điểm mà nhiều cổ đông lớn, nhà đầu tư lớn mua vào.

Hàng loạt các cổ đông lớn như ông Dương Công Minh, ông Nguyễn Đức Hưởng mua vào cổ phiếu các ngân hàng như Sacombank (STB), LienVietPostBank (LPB)…

Sau cú chi hàng ngàn tỷ đồng mua VPBank hôm cổ phiếu này lên sàn, các quỹ ngoại như Composie Capital Master Fund LP… cũng vừa trao tay hơn 24 triệu cổ phiếu VPBank, trị giá cả ngàn tỷ đồng

Trong phiên đầu tiên LienVietPostBank (LPB), khối ngoại cũng đã gom cổ phiếu này với gần 18 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, khả năng bứt phá của cả VPBank và LPB đều hạn chế do các cổ phiếu này đã tăng mạnh trên OTC trước khi lên sàn. LPB đã tăng một mạch từ khoảng 6 ngàn đồng/cp lên 14 ngàn đồng/cp…

Khối ngoại cũng đang mua ròng nhiều cổ phiếu đầu ngành như mía đường SBT của nhà ông Đặng Văn Thành, xây dựng CTD, Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng, Vinamilk (VNM), Sacomreal (SCR) nhà ông Đặng Hồng Anh, Viglacera (VGC)…

Ở vào thời điểm hiện tại, nhiều cổ phiếu sắp công bố kết quả kinh doanh quý 3. Một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh ấn tượng.

Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Không chỉ các cổ phiếu mới lên sàn dồn dập, một số cổ phiếu sau khi hủy niêm yết cũng đã và đang niêm yết trở lại.

Sau 2 năm hủy niêm yết tự nguyện để tìm nhà đầu tư chiến lược và tái cơ cấu, Tập đoàn Minh Phú nhà ông Lê Văng Quang trở lại. Cuối tháng 3 năm 2015, Minh Phú đã chính thức hủy niêm yết tự nguyện tại Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh với mức giá đóng cửa 122.000 đồng/cổ phiếu.

Về thị trường chung, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm khi giá cổ phiếu đang ở đỉnh khoảng 10 năm. Áp lực chốt lời vẫn sẽ là lực cản chính khiến thị trường chưa thể đi lên được, trừ khi có những thông tin hỗ trợ tích cực trực tiếp từ các doanh nghiệp.

Về mặt điểm số, ngưỡng kháng cự 810 vẫn là thử thách ngắn hạn cho chỉ số thị trường, trong khi ngưỡng hỗ trợ khá mạnh là 800 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/10, VN-index giảm 0,43 điểm xuống 805,23 điểm; HNX-Index giảm 0,47 điểm xuống 106,96 điểm. Upcom-Index tăng 0,12 điểm lên 54,01 điểm. Thanh khoản đạt 200 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 4 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

H. Tú