Nhiều thương hiệu Việt được quốc tế định giá lên đến hàng trăm triệu USD nhưng những lỗ hổng về pháp lý có thể khiến nỗ lực xây dựng thương hiệu trở thành “dã tràng xe cát”.

Lúng túng xác định giá trị thương hiệu

Tại Hội thảo Xây dựng, phát triển, định giá và bảo vệ thương hiệu DN, do Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 4/7/2017 tại Hà Nội, ông Đặng Quyết Tiến- Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhận định, nhiều DN mạnh tay chi tiền để xây dựng thương hiệu, nhưng lại không xác định được giá trị của tài sản vô hình này, nên lâm cảnh “ném tiền qua cửa sổ”, bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh.

Cũng tại hội thảo này, không ít người thực sự bất ngờ khi ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Công ty Brand Finace (hãng định giá thương hiệu hàng đầu thế giới) công bố giá trị thương hiệu hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi tại Việt Nam như VietinBank nằm trong top 400 Thương hiệu ngân hàng toàn cầu với giá trị thương hiệu đạt 249 triệu USD năm 2016, Mobiphone là 391 triệu USD.

{keywords}

Ông Samir Dixit cho biết, ở các nước trên thế giới, giá trị thương hiệu thường chiếm 47% tổng giá trị doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam con số này không tính được vì không nằm trong bảng cân đối kế toán, sổ sách theo dõi sự biến động của tài sản không theo dõi sự biến động của tài sản vô hình - thương hiệu doanh nghiệp vì vậy, trong nhiều cuộc mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng, IPO, phát hành cổ phiếu, doanh nghiệp Việt Nam đã bị mất đi số tài sản không nhỏ.

Sở dĩ chưa có "thang điểm" nói trên, theo phân tích của các chuyên gia, là do các lỗ hổng pháp lý trong định giá thương hiệu ở Việt Nam. Giữa các văn bản chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá. Từ Nghị định 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ về bán, giao DN 100% vốn nhà nước đến Nghị định 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa DN nhà nước đều xác định “lợi thế kinh doanh” bao gồm cả “giá trị thương hiệu”. Điều này lại không phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04: “giá trị thương hiệu” hay “nhãn hiệu hàng hóa” được coi là tài sản cố định vô hình.

Hội thảo cũng đưa ra một thực tế là, trong khi giá trị thương hiệu của DN được thể hiện trong báo cáo tài chính và được coi là một khoản vốn để đóng góp khi khởi sự kinh doanh nhưng đến lúc đặt vấn đề thoái vốn bằng thương hiệu thì lại “tiến thoái lưỡng nan” bởi không có văn bản nào mang tính pháp lý để điều chỉnh việc thoái vốn kiểu này.

Chưa thoái vốn được bằng thương hiệu vì chờ hướng dẫn

Tại Hội thảo, ông Đặng Quyết Tiến thừa nhận , việc xác định giá trị, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết... bằng giá trị thương hiệu đối với các DN thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta vẫn còn là một khoảng trống bỏ ngỏ. Nhiều thương hiệu đã lọt vào top đầu thế giới, lại chưa được xác định như giá trị tài sản DN tại Việt Nam. Điều này khiến Nhà nước có thể bị thất thoát lớn trong quá trình CPH, DN thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập..

Hiện nay, việc xác định giá trị tài sản góp vốn đã được Luật Doanh nghiệp quy định. Và tuy chưa có văn bản hướng dẫn Nghị định 102/2010/NĐ-CP về việc định giá góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ, nhưng tại văn bản của Bộ Tài chính hướng dẫn về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đã quy định cách xác định giá trị thương hiệu.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp không quy định việc rút vốn góp bằng thương hiệu. Tuy nhiên, nếu xét theo tính logic thì khi đã được góp vốn bằng thương hiệu thì cũng có thể được rút vốn góp bằng thương hiệu.

Cùng với đó, theo đề án tái cơ cấu, tập đoàn, tổng công ty sẽ thoái vốn ở một số công ty thành viên, trong đó có cổ phần góp vốn bằng giá trị thương hiệu. Thế nhưng, việc thoái vốn góp bằng giá trị thương hiệu chưa có hướng dẫn nên các DN chưa thực hiện được việc thoái vốn. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn của DN theo đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Quyết định 929/2012/QĐ-TTg.

'Gỡ vướng' định giá thương hiệu

Tại Hội thảo, nhiều giải pháp đã được đề xuất để DN Việt dễ định giá thương hiệu, đặc biệt khi cổ phần hóa. Theo đó, trong lúc chờ sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn cho phép DN thoái vốn đã góp bằng thương hiệu giống quy định thoái vốn góp bằng giá trị tài sản khác (tiền, tài sản hiện vật và giá trị lợi thế kinh doanh..). Trường hợp chưa cho phép DN giao dịch cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp bằng thương hiệu hoặc giá trị lợi thế kinh doanh đã tính vào giá trị DN, đề nghị cho phép loại trừ khỏi giá trị DN và bàn giao cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam để tiếp tục quản lý, theo dõi và xử lý.

“Kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ, các thương vụ mua bán, sáp nhập, phát hành cổ phiếu diễn ra tấp nập, nếu không quan tâm định giá thương hiệu rất dễ bị bán hớ tài sản vì đã không tính giá trị tài sản là thương hiệu vào trong giá trị doanh nghiệp. Mặc dù không xác định được giá trị thương hiệu, nhưng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rất quan tâm tới xây dựng, đầu tư, quảng bá để làm gia tăng giá trị thương hiệu. Vì thế, sau khi xác định tài sản hữu hình, nên cộng thêm 20-25% giá trị vô hình vào giá trị tài sản sau đó mới tính ra giá trị doanh nghiệp để khỏi mua bán hớ”, chuyên gia định giá thương hiệu Samir Dixit khuyến cáo.

Còn theo ông Đặng Quyết Tiến, Nhà nước sẽ không quy định phương pháp định giá thương hiệu, không khống chế chi phí trong việc xác định giá trị thương hiệu ở các DN có vốn của nhà nước trong quá trình định giá, cổ phẩn hóa DN. Ông Tiến cũng đề xuất giải pháp giao hết cho các công ty tư vấn có chức năng trong định giá tài sản để đảm bảo đúng thông lệ quốc tế trong định giá DN, thương hiệu.

"Như vậy, có thể hiểu rằng, luật pháp đang quy định rất mở cho chuyện định giá thương hiệu; nhà nước không ép buộc các DN phải tính theo phương pháp nào mà để cho các DN tự định đoạt phương thức chính xác nhất, có lợi nhất cho bản thân, nhất là phần chi phí định giá. Bởi nếu các DN chi phí định giá cao có thể sẽ có giá trị thị trường lớn, do vậy, trừ đi thì giá trị thật sự DN vẫn được đảm bảo" - ông Tiến nói.

Xuân Thạch