Lo khó trả nợ

Theo số liệu của công ty xếp hạng tín nhiệm Fiin Ratings, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 đạt kỷ lục, lên tới 429,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,3% so với năm 2019. Mức phát hành này tương đương 4,7% dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng trong năm 2020.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã khá lớn, tương đương với 15,1% GDP và 10,3% dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng vào thời điểm cuối năm 2020. Điều này cho thấy kênh huy động qua trái phiếu đóng vai trò quan trọng trong việc khai thông nguồn vốn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 được cho là tiềm ẩn những rủi ro lớn khi gần 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Những doanh nghiệp này có năng lực tài chính yếu hơn đáng kể so với các doanh nghiệp niêm yết, dù trái phiếu có thể bao gồm tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba.

{keywords}
 

Cùng với sự thiếu chuyên nghiệp của thị trường đã làm cho chất lượng trái phiếu doanh nghiệp rơi vào tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. Chẳng hạn, khảo sát các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu cho thấy, lãi suất trái phiếu của nhóm doanh nghiệp tốt và nhóm doanh nghiệp yếu được cào bằng, trong khoảng từ 10-12%/năm. Như vậy cũng có nghĩa là, giá trị hầu hết trái phiếu phát hành của các đơn vị có sức khỏe tài chính yếu ngang bằng với trái phiếu của các đơn vị có sức khỏe tài chính tốt.

Với riêng lĩnh vực bất động sản, năm 2020, các doanh nghiệp đã huy động tới 162 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 100% so với năm 2019. Bình quân kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành trong năm 2020 là 3,8 năm, tăng hơn 1 năm so với cùng kỳ năm 2019. Lãi suất trái phiếu bình quân khoảng 10,5%/năm.

Kết quả khảo sát 17 công ty bất động sản niêm yết, có phát hành trái phiếu, Fiin Ratings đánh giá hệ số chi trả lãi vay trung bình đã giảm từ mức bình quân 4,5% (năm 2019) xuống còn 3,4% (cuối năm 2020). Tuy vậy, vẫn ở mức an toàn, bởi hệ số nợ vay ròng trên lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao thấp hơn kỳ hạn bình quân của trái phiếu đã phát hành.

Nhưng Fiin Ratings nhận định có sự phân hóa rõ rệt giữa các đơn vị đầu ngành và các đơn vị còn lại. Khi loại bỏ đơn vị đầu ngành thì sức khỏe tài chính của các đơn vị còn lại đã bị suy yếu rõ rệt. Một số doanh nghiệp có hệ số chi trả lãi vay năm đã giảm về mức 0,7 lần, tức là lợi nhuận tạo ra không đủ trang trải lãi vay. Trong khi hệ số nợ vay ròng trên lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao ở một số đơn vị tăng mạnh, lên mức 17,3 lần, tức là vượt xa kỳ hạn bình quân 3,8 năm của trái phiếu. Do vậy, khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của các công ty này sẽ phụ thuộc lớn vào sự hồi phục của ngành bất động sản.

Rủi ro trái phiếu

Các chuyên gia tài chính cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng cao trong danh mục đáo hạn 3 năm tới. Trong khi khả năng chi trả của doanh nghiệp phát hành lại phụ thuộc vào sự hồi phục của thị trường bất động sản. Nếu tình hình sản xuất kinh doanh tốt, thị trường bất động sản diễn biến thuận lợi thì doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà đầu tư. 

Ngược lại thì rủi ro rất lớn. Rủi ro thường rơi vào thời điểm đáo hạn trái phiếu, nhất là đối với các trái phiếu lãi suất cao nhưng doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.

{keywords}
 

Kể cả trường hợp có tài sản thế chấp thực sự cũng không có nhiều ý nghĩa đối với nhà đầu tư đại chúng. Lý do là trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, tài sản thế chấp chỉ có nhiều ý nghĩa với các đơn vị có thể xử lý và tìm thấy giá trị từ tài sản đó. Trong đa số trường hợp, nhà đầu tư cá nhân đại chúng hay chuyên nghiệp đều khó có năng lực xử lý tài sản thế chấp.

Chỉ có chút hy vọng là trái phiếu được phát hành qua hình thức riêng lẻ, bên mua được một số đơn vị cam kết như mua lại hoặc cho phép cầm cố sẽ góp phần giảm rủi ro cho người sở hữu.

Nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021, giới chuyên môn cho rằng vẫn sẽ sôi động. Nhu cầu vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp hiện rất lớn, trong khi năng lực đáp ứng của hệ thống ngân hàng thương mại không đủ. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đang chịu tác động của dịch Covid-19 bị ảnh hưởng đến dòng tiền. Do đó, rất cần tái cấu trúc kỳ hạn nguồn vốn nợ vay theo hướng dài hạn. Điều này đặc biệt cần thiết với các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp và khó có khả năng được ngân hàng gia hạn hay tăng hạn mức tín dụng trong bối cảnh hiện nay.

Còn với các nhà đầu tư, do lãi suất tiết kiệm đang thấp kỷ lục nên vẫn muốn đổ tiền vào trái phiếu để hưởng lợi lớn hơn. Vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 hứa hẹn vẫn sẽ sôi động nhưng về quy mô khó đạt được mức phát hành như năm 2020. Cơ cấu phát hành sẽ dịch chuyển đáng kể sang hình thức chào bán ra công chúng, thay vì phát hành riêng lẻ.

Tuy nhiên, theo Fiin Ratings, sức khỏe tài chính của các nhà phát hành trái phiếu trong năm 2020 có dấu hiệu yếu đi, nhất là các đơn vị chưa niêm yết. Do đó, các nhà đầu tư cần đánh giá chi tiết từng trái phiếu và doanh nghiệp phát hành để có các thông tin cụ thể, theo sát diễn biến tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng như các biện pháp xử lý, khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh không như dự kiến.

Trần Thủy