Thị trường tài chính thế giới trải qua 2 phiên đen tối chưa từng có trong nhiều năm nay. Nhiều sàn chứng khoán chứng kiến cơn địa chấn “đẫm máu”. Bitcoin tụt giảm xuống dưới ngưỡng 7.000 USD. Trong cơn biến động đó, giá vàng lại có chuỗi ngày tăng giá liên tục.


Sụp đổ trên diện rộng

Thị trường tài chính thế giới từ Mỹ, cho tới châu Âu, châu Á vừa trải qua 2 phiên giao dịch tồi tệ chưa từng có trong khoảng nửa thập kỷ qua. Nhiều sàn chứng khoán chứng kiến cơn địa chấn “đẫm máu”. Bitcoin tụt giảm xuống dưới ngưỡng 7.000 USD.

Trong phiên giao dịch ngày 5/2, giới đầu tư thực sự choáng váng khi chứng kiến chỉ số Dow Jones có lúc mất tới 1.600 điểm và chốt phiên giảm gần 1.200 điểm. Đây cũng là mức sụt giảm tồi tệ chưa từng có. Cùng với đà sụt giảm của Dow Jones, S&P 500 vừa có phiên giảm mạnh nhất kể trong 6 năm với 4,1%. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng ở tình cảnh tương tự khi giảm 3,8%.

Hai phiên giảm điên cuồng nằm ngoài sức tưởng tượng của các nhà đầu tư đã quét bay khoảng 1.200 tỷ USD giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán Mỹ. 

{keywords}
 

Cơn bán tháo trên TTCK Mỹ bắt đầu xuất hiện từ thứ 6 tuần trước, sau khi báo cáo việc làm phát đi tín hiệu tích cực. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất cơ bản sớm hơn và cao hơn kỳ vọng.

Chỉ vài giờ sau cơn địa chấn trên TTCK Mỹ, các TTCK châu Á cũng tụt giảm trên diện rộng. Chỉ số Nikkei  225 của Nhật mở cửa mất hơn 1.000 điểm, tương đương giảm khoảng 5,5%. Hàng loạt các TTCK Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore… cũng đồng loạt sụt giảm, mỗi chỉ số mất từ 2-5%. Chỉ số Hang Seng China Enterprises và FTSE có lúc sụt giảm tới 5%.

Tại Việt Nam, TTCK cũng giảm rất mạnh. Sau 2 phiên lao dốc, vốn hóa trên 2 sàn Chứng khoán TP.HCM và Hà Nội “bốc hơi” 14 tỷ USD xuống còn khoảng 160 tỷ USD, tương đương 73% GDP.

Trong phiên ngày 6/2, VN-Index có lúc giảm hơn 63 điểm (khoảng 6,3%) xuống 986 điểm. HNX-Index có lúc giảm gần 6%. UPCOM giảm 5,25%.

Đồng bitcoin giảm gần 20% trong vòng 24h và tới cuối giờ chiều trên thị trường châu Á xuống dưới ngưỡng 6.400 USD/bitcoin. Trong thời gian vừa qua, đồng bitcoin đã giảm giá một cách đáng sợ, từ mức kỷ lục gần 20.000 USD/bitcoin ghi nhận trong tháng 12/2017.

Trong phiên ngày 6/2, bitcoin có lúc tuột mốc 6.000 USD do giới đầu tư tiếp tục bán tháo với lo ngại đồng tiền ảo này sẽ bị kiểm soát chặt chẽ tại các nước như lệnh cấm sử dụng thẻ tín dụng để mua bitcoin tại Anh và Mỹ gần đây. Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch đưa ra các biện pháp mới nhằm trấn áp hoạt động đầu cơ tiền điện tử. Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ xem xét áp lệnh đóng cửa sàn giao dịch tiền điện tử nhằm tránh rủi ro rửa tiền và lừa đảo, trốn thuế.

Không riêng mình bitcoin, hàng loạt các đồng tiền điện tử khác cũng lao dốc. Các đồng tiền thuộc top 10 vốn hóa trượt dốc mạnh. Đồng ethereum giảm 27% trong khi ripple giảm gần 25%.

Vàng, USD tăng vọt

Ngay sau 2 phiên thị trường tài chính thế giới chao đảo, hàng loạt các tỷ phú USD giàu có trên thế giới chứng kiến túi tiền bốc hơi hàng trăm tỷ USD. Theo Bloomberg, tỷ phú huyền thoại Warren Buffett mất khoảng 5 tỷ USD; CEO Facebook - Mark Zuckerberg mất 3,6 tỷ USD; CEO Amazon Jeff Bezos mất 3,3 tỷ; Larry Page và Sergey Brin của Google mỗi người mất 2,3 tỷ USD. 

{keywords}
 

Trái ngược với các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu, những người giữ vàng và đồng USD được hưởng lợi. Đồng USD tăng vọt trong khi vàng cũng tăng lên trên ngưỡng 1.340 USD/ounce. Dòng tiền có xu hướng tìm tới những tài sản trú ẩn an toàn. Nỗi lo về một cuộc khủng hoảng chu kỳ 10 năm dâng cao.

Nỗi lo càng trở nên lớn hơn khi mà vàng tăng giá ngay trong bối cảnh đồng bạc xanh của Mỹ tăng đang tăng rất mạnh. Thông thường vàng thường có biến động ngược chiều với đồng USD.

Đa số các phân tích cho thấy, TTCK thế giới tụt giảm trước hết chính là do giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong hơn 1 năm qua, áp lực chốt lời là không tránh khỏi. Và dòng tiền tạm thời đang chảy sang các kênh được đánh giá là hấp dẫn và an toàn hơn: vàng và USD.

Những phát biểu của đại diện Fed cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất, qua đó sẽ giúp đẩy giá đồng USD đi lên.

TTCK giảm còn do giới đầu tư lo ngại Mỹ sẽ bước vào một thời kỳ bất định khi mà Fed có chủ tịch mới. Bà Janet Yellen đã từ nhiệm, thay vào đó là ông Jerome Powell. Các chính sách của Mỹ có thể sẽ biến động rất mạnh theo vị tân chủ tịch Fed này.

Mặc dù vậy,  theo đánh giá của nhiều chuyên gia, TTCK Mỹ và thế giới sụt giảm lần này không phản ánh triển vọng u ám của nền kinh tế. Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ và thế giới đang hồi phục ấn tượng và được dự báo sẽ tiếp tục tích cực trong năm 2019.

Bên cạnh đó, nhiều khả năng Mỹ sẽ không có những thay đổi lớn về chính sách tiền tệ. Ông Powell sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch từ từ nâng lãi suất mà bà Yellen đã đưa ra trước đó.

Đồng USD cũng được dự báo sẽ không tăng mạnh và ảnh hưởng tới thế giới bởi “khẩu vị” ưa thích của ông Trump vẫn là một đồng USD yếu, qua đó giành lợi thế thương mại với nhiều đối tác lớn như Trung Quốc, Nhật…

Những tín hiệu mới nhất trên thị trường tài chính trên thị trường Mỹ cho thấy niềm tin đang trở lại trên phố Wall. Các chỉ số tương lai đều đang hồi phục.

Trong nước, cuối phiên 6/2, TTCK Việt Nam cũng đã đón nhận những tín hiệu bớt xấu hơn. Chỉ số VN-Index chỉ còn giảm hơn 37 điểm, thay vì giảm 63 điểm như trước đó. Những ảnh hưởng từ thế giới có thể sẽ sớm suy giảm.

Tất nhiên, ở vào thời điểm hiện tại, áp lực chốt lời và bán tránh nợ margin cũng như nỗi lo về khả năng cơ quan quản lý hạ thấp tỷ lệ margin vẫn còn khá lớn. Đây là những yếu tố gây áp lực lên TTCK Việt Nam trong những phiên cuối cùng trước Tết Nguyên đán.

Mặc dù vậy, về dài hạn, triển vọng TTCK Việt Nam vẫn được dự báo khá tươi sáng. Khối ngoại vẫn không ngừng đổ tiền vào, nhất là trong các phiên giảm điểm. Trong 4 tháng qua, khối ngoại mua ròng 1 tỷ USD giá trị cổ phiếu Việt. Riêng trong phiên TTCK đỏ lửa giảm 37 điểm, khối ngoại mua ròng 4.300 tỷ đồng.

M. Hà