Bà Nguyễn Thị P. N và Lê Thị Thảo quen biết nhau từ năm 2008, giữa hai người có nhiều lần vay mượn tiền qua lại của nhau. Ðến năm 2010, bà N nợ tiền của bà Thảo 4,5 tỷ đồng và nhiều lần Thảo đòi tiền nhưng bà N chưa trả. Bà Thảo sau đó tổ chức cùng nhiều người theo dõi và bắt cóc bà N, di chuyển qua nhiều tỉnh thành khác nhau, giam lỏng 7 ngày để đòi nợ.

Bắt cóc giám đốc, khủng bố đòi nợ hơn 1 tỷ đồng

Những thủ đoạn kinh hoàng của các dịch vụ đòi nợ thuê

Theo dõi và ra tay

Qua nhiều lần đòi số tiền 4,5 tỷ đồng nhưng bà N (sinh năm 1971 ở quận 4) chưa trả, bà Thảo (sinh năm 1979 ở Nghệ An) thông qua mối quan hệ quen biết với Trần Văn Hinh nên nhờ người ngày đòi giúp số tiền bà N đang nợ mình.

 Hinh kể lại với em trai mình là Trần Văn Miên, Miên rủ thêm Nguyễn Anh Đức cùng bà Thảo và Lưu Quang Ngọc Đức (lái xe của Thảo) bắt đầu đi tìm bà N để đòi nợ.

{keywords}
Bị cáo Miên bị 13 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản” và “bắt, giữ người trái pháp luật”. Trong khi các đối tượng tổ chức đòi nợ và bắt người là bà Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Ðức được tự do

Chiều 10/12/2010, ông Miên  đến  nhà bà N ở chung cư số 48 Hoa Sứ, phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM. Khi đến nơi, bà Thảo cũng đã có mặt ở chung cư  nhưng điện thoại cho bà N nhiều lần không được. Lúc này, ông Miên cho bảo vệ chung cư số điện thoại của mình kèm 100 nghìn đồng để khi thấy bà N đi ra khỏi chung cư thì báo cho ông Miên biết.

Đến 15 giờ cùng ngày, ông Miên nhận được điện thoại của bảo vệ chung cư báo rằng bà N đang chuẩn bị đi ra khỏi chung cư. Ông Miên quay lại chung cư đồng thời thuê xe ôm bám theo bà N khi bà này bắt đầu rời chung cư. Qua quá trình bám theo bà N, ông Miên điện thoại báo cho bà Thảo địa điểm bà N đi đến.

Sau khi bà N được tài xế của mình chở đến ngã tư đường Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch, quận 1. Lúc đang dừng đèn đỏ, đối tượng Miên đã áp sát vào xe bà N và bảo đi sang xe ô tô Camry của bà Thảo gần đó để nói chuyện. Cùng lúc, bà Thảo cũng từ trong xe ô tô bước ra gọi bà N vào xe. Vào xe, bà Thảo yêu cầu bà N trả tiền nợ nhưng bà N xin trả dần mỗi tháng 50 triệu đồng. Đề nghị này không được bà Thảo đồng ý.

Giam lỏng, dọa “cắt tai”

Vì không chấp nhận lời đề nghị trả 50 triệu đồng mỗi tháng nên nhóm của bà Thảo đã đưa bà N đến một nhà nghỉ ở quận 12 để tiếp tục yêu cầu bà này phải trả số tiền đang nợ nếu không sẽ cắt tai.

Đến khoảng 20 giờ ngày 10/12/2010, bà Thảo, ông Miên và Đức tiếp tục chở bà N đến nhà của ông Hinh ở gần hồ Trị An, tỉnh Đồng Nai. Tại đây, bà Thảo và bà N đã chốt lại số tiền mà bà N đang nợ là 4,5 tỷ đồng và hạ lãi suất xuống 2% mỗi tháng. Theo đó, bà N đã đồng ý trả tiền cho bà Thảo.

Sau khi thương lượng, ngày 14/12/2010 bà N đã gọi điện cho nhiều người hỏi vay mượn. Trong đó mượn của Trần Văn S, 1,5 tỷ đồng rồi gửi vào tài khoản của em gái ruột bà Thảo là bà Lê Thị Thúy Hằng tại ngân hàng Phương Nam. Ngoài ra, ngày 15/12, bà N gọi điện cho chị Lý K.C còn nợ mình 2 tỷ đồng, tổng cộng bà N đưa cho người thân của bà Thảo số tiền 3,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vì thiếu 1 tỷ đồng chưa trả xong nên ngày 16/12/2010 bà N tiếp tục được ông Miên đưa đến Khu nghỉ dưỡng Phương Nam, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tại đây, ông Miên nói với bà N nếu không trả đủ 1 tỷ đồng thì phải lo từ 500 đến 700 triệu đồng trả cho bà Thảo thì mới được về. Đến ngày 17/12/2010, bà N tiếp tục gọi điện cho chị  Lý K.C đòi thêm 1 tỷ đồng, chị C sau đó nhờ người chuyển 800 triệu đồng vào tài khoản của ông Trần Văn Miên. Chiều cùng ngày, bà N được ông Hinh chở về TPHCM và trả lại tự do sau 7 ngày  bị giam lỏng, dọa dẫm. Ngày 18/12/2010, ông Miên trở về Phú Thọ và rút số tiền 800 triệu đồng để tiêu xài.

Sau khi trở về, bà Nguyễn Thị P. N, cầu cứu đến Cơ quan CSĐT- Bộ Công an. Cơ quan này đã vào cuộc điều tra và tiến hành triệu tập các đối tượng để làm rõ về hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản” theo quy định của pháp luật.

Kẻ chịu tù, người nhởn nhơ

Với hành vi của mình, tháng 5/2015, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố Trần Văn Miên (50 tuổi ngụ ở Nam Định) về 2 tội “cưỡng đoạt tài sản” và “bắt, giữ người trái pháp luật”; Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức bị truy tố tội “bắt, giữ người trái pháp luật”. Tại phiên toà sơ thẩm tháng 6/2015, ông Miên bị TAND TPHCM tuyên phạt 1 năm tù về tội “bắt giữ người trái pháp luật” và 12 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Sau đó, ông Miên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị hại cũng có đơn kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm, điều tra xét xử lại từ đầu.

Đến tháng 10/2015, TAND Cấp cao tại TPHCM đã mở phiên xét xử phúc thẩm và nhận thấy cấp sơ thẩm có nhiều sai sót, vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra, xét xử lại từ đầu. Trong quá trình điều tra lại, ngày 06/09/2016, cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã ký Quyết định số 359/C45-P7 và 360/C45-P7 khởi tố bị can đối với Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức với hành vi “bắt giữ người trái pháp luật”.

Tuy nhiên, thật bất ngờ  ngày 28/12/2017, CSĐT- Bộ Công an lại ra Quyết định số 10 và 11/C45-P7 đình chỉ điều tra với hai bị can là Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức với lý do “không còn nguy hiểm cho xã hội”. Từ một vụ án có 3 bị can, 3 đối tượng liên quan, đến Cáo trạng số 20/VKSTC-V2 ngày 12/01/2018 chỉ còn duy nhất  Trần Văn Miên bị truy tố.

Trước sự việc để Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Ðức thoát khỏi trách nhiệm hình sự, mới đây bà Nguyễn Thị P. N đã gửi đơn kêu cứu đến Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Ðoàn đại biểu Quốc hội TPHCM  đề nghị có ý kiến xem xét lại quyết định đình chỉ điều tra số 10 và 11 của Cơ quan CSÐT Bộ Công an đối với Thảo và Ðức, tránh bỏ lọt tội phạm, đề nghị khởi tố hình sự đối với nhóm tội phạm có tổ chức “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”.

Luật sư Nông Minh Ðức - Ðoàn luật sư TPHCM cho biết theo kết quả điều tra thì bà Lê Thị Thảo có nhiều hành vi liên quan trong việc bắt giữ và cưỡng đoạt tài sản của người bị hại. Bị cáo Miên trong các phiên toà cũng khai nhận thực hiện hành vi trên là theo yêu cầu của bà Lê Thị Thảo, giữa bị cáo Miên và bị hại hoàn toàn không quen biết hoặc có giao dịch gì trước. “Ðiều này đã quá rõ nhưng bà Thảo vẫn không bị xử lý; việc điều tra, truy tố và xét xử của cấp sơ thẩm là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, bỏ lọt tội phạm”- luật sư Ðức nói.

 (Theo Tiền phong)

Giám đốc đòi nợ thuê phải có bằng đại học: Để làm gì?

Giám đốc đòi nợ thuê phải có bằng đại học: Để làm gì?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không đồng tình với quy định giám đốc doanh nghiệp đòi nợ phải có... bằng đại học.