Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được theo quy định tại khoản này thì Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc sẽ bị miễn nhiệm...

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Liên quan đến cơ chế huy động vốn, dự thảo quy định EVN không được huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính.

Mặt khác, EVN cũng không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

{keywords}

Bên cạnh đó, EVN không được góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là họ hàng của các lãnh đạo nắm vị trí chủ chốt ở EVN.

Đáng chú ý, trong dự thảo Nghị định cũng có một điều khoản mới về việc thành lập Quỹ bình ổn giá điện.

Theo dự thảo, đây là quỹ tài chính được hình thành từ các nguồn hợp pháp theo quy định, không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, để phục vụ mục đích bình ổn giá điện. Việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Liên quan đến trách nhiệm của EVN trong việc quản lý các khoản nợ phải thu, dự thảo đưa ra yêu cầu EVN phải xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu, phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản công nợ.

Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc EVN có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thu hồi được.

“Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được theo quy định tại khoản này thì Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc sẽ bị miễn nhiệm… Trường hợp không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của nhà nước tại EVN thì phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật” – dự thảo yêu cầu.

Đặc biệt, dự thảo cũng yêu cầu với các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, EVN có trách nhiệm xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan. Số còn lại được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi. Nếu còn thiếu thì hạch toán vào chi phí kinh doanh của EVN.

Dự thảo cũng cho phép EVN được quyền bán các khoản nợ phải thu quá hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn.

Nhưng EVN chỉ được bán nợ cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán nợ trực tiếp cho khách nợ. Giá bán các khoản nợ do các bên tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm về quyết định bán khoản nợ phải thu.

Dự thảo lưu ý: Trường hợp quản lý nợ dẫn đến thất thoát vốn chủ sở hữu hoặc bán nợ mà dẫn tới EVN bị thua lỗ, mất vốn, hoặc mất khả năng thanh toán, dẫn đến tình trạng EVN phải giải thể, phá sản thì Hội đồng thành viên và người có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh các khoản nợ này phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ của EVN.

Tính chi phí hiếu hỉ, nghỉ mát vào giá điện

Trong dự thảo Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lần này, chi phí hoạt động kinh doanh của EVN là các khoản chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm tài chính.

Đáng chú ý, dự thảo của Bộ Tài chính quy định các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát... cũng được tính vào chi phí sản xuất của EVN. Chi phí sản xuất kinh doanh cũng là một cơ sở để EVN tính toán giá bán điện.

Ngoài ra, chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác... cũng được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN.

Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN.

Hà Duy