Sự bùng nổ của thương mại điện tử, thanh toán điện tử cùng với những ý tưởng “điên rồ” dưới góc nhìn của tỷ phú giàu nhất châu Á Jack Ma mới chỉ bắt đầu và tất cả cơ hội đang dành cho tất cả.

Cuộc đời của những ý tưởng “điên rồ ”

Jack Ma được xem là doanh nhân thành công nhất châu Á, hiện là tỷ phú giàu nhất châu lục này với túi tiền theo tính toán của Forbes khoảng 37 tỷ USD và đang phục vụ khoảng gần 1 tỷ khách hàng trên thế giới.

Mặc dù vậy, cuộc đời của Jack Ma luôn gắn với nhiều thứ điên rồ. Hàng loạt các lần thi trượt ở các cấp, 3 lần rớt thi đại học, bị Harvard từ chối tới 10 lần, rồi bị loại khỏi các cuộc lần xin việc là những thành tích bất hảo của Jack Ma.

Bước ngoặt trong cuộc đời khi thành lập công ty thương mại điện tử Alibaba cuối thập niên 90 rồi sau đó là thành lập hệ thống thanh toán của riêng mình: Alipay khi mà các ngân hàng không muốn hợp tác được xem là những những ý tưởng “ngu ngốc” nhất của Jack Ma.

Tuy nhiên, cho tới nay những ý tưởng tưởng chừng như rất điên rồ của Jack Ma được xem là đi trước thời đại và đã tạo ra một Alibaba có trị giá khoảng 500 tỷ USD. Tập đoàn này tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu suy giảm. Doanh thu của Alibaba tăng trưởng 56% trong năm vừa qua và tập đoàn này vừa nâng kế hoạch tăng trưởng cho năm tài chính kết thúc tháng 3/2018 từ 45% lên 49%.

Chia sẻ trong Diễn đàn Thanh toán Điện tử Việt Nam (VEPF) 2017, Jack Ma cho rằng, các DN cần tập trung vào phục vụ cho 80% khách hàng nhỏ lẻ để kiếm về lợi nhuận, thay vì theo lý thuyết phục vụ 20% khách hàng giàu có nhưng mang về tới 80% lợi nhuận cho DN.

Jack Ma chia sẻ với các start-up Việt Nam cho rằng, toàn cầu hóa không ủng hộ người trẻ và DN nhỏ, 80% các start-up không có cơ hội sống sót. Tuy nhiên, giới trẻ có rất nhiều cơ hội khi mà cuộc cách mạng số đang bùng nổ trên thế giới.

Trở lại Việt Nam sau 10 năm, Jack Ma cho rằng, thị trường Việt Nam giờ đã khác so với trước đây rất nhiều. Nếu như trước đây, ông không nhìn thấy những điểm sáng rõ ràng thì giờ đây ông thấy nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Đó là tầng lớp người trẻ đông đúc, cơ sở hạ tầng viễn thông tốt, thị trường bán lẻ hấp dẫn và số lượng người sử dụng điện thoại thông minh rất lớn.

Theo Jack Ma, những người trẻ tuổi Việt Nam hầu hết đều sở hữu điện thoại thông minh và rất thích công nghệ. Chỉ có điều giới trẻ Việt Nam vẫn đang thanh toán hàng hóa và dịch vụ chủ yếu bằng tiền mặt và sử dụng nhiều thời gian cho hoạt động vui chơi. Ông thấy thanh niên đi chơi vào buổi tối trên phố phường Hà Nội rất đông. Đây là cơ hội để cho các giới trẻ Việt Nam, các DN cùng với các ngân hàng thay đổi để có thể phát triển mạnh mẽ.

Kỷ nguyên mới bắt đầu

Giờ đây, sau những thành công đây ấn tượng, thậm chí hơn cả của Bezos hay Zuckerbeg, mỗi ý tưởng hay sự chia sẻ của Jack Ma đều được tán dương.

Trên thực tế, sự bùng nổ của thương mại điện tử, thanh toán điện tử (trong đó có thanh toán qua thiết bị di động - mobile payment) đang phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới, đế chế Alibaba trong đó có AliPay còn rất nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa, nhất là khi mà ông chủ Jack Ma có tầm nhìn rất xa và khá nhân văn.

Mặc dù cho rằng toàn cầu hóa không ủng hộ người trẻ và DN nhỏ và các start-up khó có thể cạnh tranh được với các ông lớn như Google, Facebook, Alibaba… nhưng theo Jack Ma cơ hội mới cho giới trẻ rất nhiều. Thế giới liên tục thay đổi và có thể cứ vài chục năm lại có một đợt cách mạng c ông nghệ mới. Và sẽ lại xuất hiện những ông lớn trong các lĩnh vực mới. Các start-up cũng có thể khởi nghiệp dựa trên những hệ sinh thái mà các tập đoàn lớn trên thế giới cũng như trong nước tạo gia.

Tại Việt Nam, thương mại điện tử và thanh toán điện tử sắp bước vào giai đoạn phát triển dữ dội. Mobile Payment được xem là nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt, thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Việt Nam đã có hầu hết các tiền đề để dịch vụ thanh toán di động phát triển.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của điện thoại thông minh (smart phone) đã thay đổi cách con người giao tiếp và tương tác, kéo theo sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng.

Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về sử dụng điện thoại thông minh kết nối Internet. Đây là điều kiện thuận lợi để hoạt động thanh toán trên thiết bị di động tạo bước đột phá giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Công nghệ số là nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Tại một số nước phát triển, kể cả các nước đang phát triển đã xuất hiện ngày càng nhiều “ngân hàng không giấy”. Các dịch vụ ngân hàng qua Internet, Mobile, mạng xã hội, phát triển ngân hàng số áp dụng nhiều giải pháp công nghệ mới hiện đại thông qua việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, thanh toán phi tiếp xúc…đang mang lại tiện lợi và an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại VEPF 2017, ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhận định: Thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ số đã giúp nhiều nước trên thế giới đạt được những kết quả mang tính đột phá về tài chính toàn diện (Financial Inclusion). Công nghệ số giúp xóa bỏ rào cản về khoảng cách không gian, thời gian và địa lý, từ đó cho phép các, có thể cung cấp những sản phẩm, dịch vụ với chi phí thấp hơn và tạo điều kiện cho nhiều người dân dễ dàng tiếp cận. 

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho biết: Trong thời gian qua, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng góp phần thúc đẩy những bước tiến về cải thiện và sử dụng công nghệ mới vào hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng. Qua đó, mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tiện ích của ngân hàng hiện đại, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng.

M. Hà