Ngân hàng bội thu

Chia sẻ tại đại hội cổ đông ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) ngày 16/3, ông Hồ Vân Long, Phó Tổng giám đốc cho biết, lợi nhuận quý I/2022 của VIB ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 24-25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm.

Còn đại diện ngân hàng TMCP Quân đội (MB), tại buổi gặp gỡ giới phân tích và nhà đầu tư ngày 15/3, cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng tính tại ngân hàng này khoảng 10%. Với mức tăng trưởng trên, dự kiến lợi nhuận hợp nhất quý 1/2022 đạt 5.500 tỷ đồng và con số thực hiện trong 2 tháng đã bám sát mục tiêu này.

Theo giới phân tích, hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng quý 1 và cả năm 2022 rất sáng sủa, nhờ nền kinh tế phục hồi, nhu cầu tín dụng tăng mạnh trở lại. Nhiều ngân hàng dự báo tiếp tục lãi lớn cả năm.

{keywords}
Ngân hàng dự báo tiếp tục bội thu trong năm 2022.

Lãnh đạo ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) dự kiến lợi nhuận năm 2022 đạt 6.800 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 30%. VIB dự kiến đạt lợi nhuận kỷ lục 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Eximbank kỳ vọng thu về 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, tăng 107%. Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2021 (năm ngoái là 27.376 tỷ đồng). VietinBank lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế năm 2022 đạt 10-20% so với 2021 (năm ngoái là 17.589 tỷ đồng).

Công ty Chứng khoán SSI nhận định, năm 2022 ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng là 21%, chưa gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí phân phối bảo hiểm độc quyền hoặc thoái vốn từ công ty con của một số ngân hàng.

Trong đó, các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước ước tính tăng 19%, còn các ngân hàng TMCP khác có thể đạt mức tăng trưởng tới 22% so với năm 2021. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ bứt phá mạnh từ quý II với các ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, MB và từ quý III với các ngân hàng khác.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng trưởng tích cực, nhưng có sự phân hóa rõ nét với sự bứt phá của nhóm ngân hàng tư nhân. Trong đó, phải kể đến những cái tên như Techcombank, ACB, MSB, TPBank, MB và BIDV, với mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% .

Tăng trưởng tín dụng cao ngay từ đầu năm và mặt bằng lãi suất huy động thấp, trong khi lãi suất cho vay neo cao, là những yếu tố mang lại lợi nhuận tốt cho các ngân hàng. Chưa kể, các ngân hàng đang cạnh tranh thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA), với lãi suất thường thấp hơn  rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ quanh mức 0,2%/năm. Ngoài ra, do khách hàng tăng cường sử dụng kênh số nên thu hút CASA còn giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu tư thuê văn phòng, trang thiết bị, nhân sự... do không phải mở thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý III/2021, có hơn 110 triệu tài khoản thanh toán của cá nhân mở tại các ngân hàng. Số dư tiền gửi tại các tài khoản này cũng đạt mức kỷ lục với gần 800.000 tỷ đồng. Tính ra bình quâ,n một khách hàng để trong tài khoản hơn 7 triệu đồng. Con số này dụ kiến sẽ vượt 1 triệu tỷ đồng trong năm 2022. Số tiền lớn này tạo ra một nguồn vốn giá rẻ, giúp các ngân hàng có cơ hội mở rộng biên lợi nhuận.

Lãi vay có giảm?

Từ đầu năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý, phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1%/năm trong 2 năm để hỗ trợ các DN phục hồi sản xuất.

Năm 2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1% và năm 2021 khoảng 0,7%, nếu được giảm tiếp chắc chắn sẽ hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, không biết điều này có thành hiện thực.

{keywords}
DN gặp khó khăn nhưng vẫn phải vay vốn với lãi suất cao.

Một số ngân hàng cho rằng, dư địa giảm lãi suất không còn. Hiện chỉ có hai giải pháp để các ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất, đó là tiết giảm chi phí hoạt động và nâng chất lượng danh mục tài sản để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, chi phí hoạt động của các ngân hàng đã ở mức tối thiểu sau nhiều lần cắt giảm trong hai năm qua, trong khi đang phải đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng. Dự địa càng hẹp hơn khi lạm phát cũng có xu hướng tăng.

Trong khi đó, các DN gặp khó khăn nhưng vẫn phải vay vốn với lãi suất cao. Trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại vừa qua chỉ giảm lãi suất cho nhóm đối tượng hẹp và kèm theo rất nhiều điều kiện xét duyệt. Đặc biệt, khối ngân hàng TMCP tư nhân giảm lãi suất theo kiểu “nhỏ giọt”.

Khảo sát cho thấy, lãi suất cho vay với khách hàng DN, của một số ngân hàng thương mại quý 1/2022 khá cao. Lãi suất vay từ 7-8%/năm với các kỳ hạn ít DN tiếp cận được, phần lớn đều vay với lãi suất cao hơn.

Cụ thể, các DN đang phải vay với kỳ hạn 6 tháng khoảng 8,5- 9%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 9- 9,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 9,25-9,75%/năm. Tuy nhiên, các mức lãi suất này không cố định. Cứ sau 3 tháng lại điều chỉnh một lần, cộng thêm biên độ. Mức cộng từ 1-3% cho kỳ hạn 6 tháng, từ 1,25-2,25% cho kỳ hạn 9 tháng và từ 1,5-2,5% cho kỳ hạn 12 tháng, tùy đối tượng khách hàng. Tính ra, lãi suất bình quân thấp nhất DN vay kỳ hạn 6 tháng là 9%/năm. 

Trong khi đó, lãi suất huy động bình quân chỉ từ 4-5,5%/năm. Vấn đề là ngân hàng luôn muốn duy trì tỷ lệ lợi nhuận cao thì khó có chuyện giảm lãi suất thực chất. Lãi suất cao thì cuối năm báo cáo của các ngân hàng mới tươi sáng.

Ngoài ra, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DN nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số DN cả nước, nhưng chỉ có dư nợ tín dụng ở mức 22-25%, nghĩa là chỉ chiếm 1/5 tổng dư nợ cả nước. Mặc dù Việt Nam được xếp hạng thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, song đến nay vẫn có 60% DN nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn.

Trần Thủy

Treo lãi suất cao thu lãi lớn, coi chừng 'gậy ông đập lưng ông'

Treo lãi suất cao thu lãi lớn, coi chừng 'gậy ông đập lưng ông'

Năm 2021, nhiều ngân hàng vẫn giữ lãi suất cho vay cao và thu lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh các DN khó khăn do dịch bệnh mà vẫn giữ lãi suất cao thì “gậy ông lại đập lưng ông” là điều khó tránh khỏi.