Cú thoái vốn đã đem về cho công ty của Bộ Quốc phòng cả trăm tỷ đồng. Tương lai của các doanh nghiệp thoái vốn sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các cổ đông mới.

Thông tin từ Sở Giao giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, Công ty Trực thăng Miền Bắc (VNH North) đã bán ra 5 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội.

Ước tính Trực thăng Miền Bắc VNH North thu về hơn 110 tỷ đồng từ việc bán ra số cổ phiếu nói trên trong khoảng thời gian từ 28/9 đến 11/10. Hiện tại, VNH North còn sở hữu 13,17 triệu cổ phiếu MBB, tương đương 0,76% vốn điều lệ MBB, trị giá khoảng 300 tỷ đồng.

VNH North là doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH Corporation) thuộc Bộ Quốc phòng. VNH Corporation là DN thuộc Bộ Quốc phòng nắm lượng cổ phiếu thứ 2 xếp sau Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tại MB Bank với tỷ lệ sở hữu 7,74%.

Các DN thuộc Bộ Quốc Phòng khác đang nắm giữ lượng lớn cổ phần MBB như Công ty TNHH MTV - Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel.

Trước đó, Bộ Quốc Phòng đã đăng ký bán toàn bộ hơn 7,55 triệu cổ phiếu HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô (9,94%) để thoái vốn. Tuy nhiên đến nay Bộ Quốc phòng chỉ bán được 771.000 cp HDG và giảm sở hữu xuống còn 8,92%, tương đương 6,78 triệu cp.

{keywords}
Quy mô thị trường chứng khoán tăng mạnh: Hấp dẫn nhà đầu tư.

Được biết, Tập đoàn Hà Đô được thành lập vào năm 1990, tiền thân là Xí nghiệp xây dựng trực thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc Phòng). Hà Đô nhanh chóng vươn mình thành một ông lớn trong nhiều lĩnh vực như xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng giao thông; đầu tư và kinh doanh bất động sản; khai thác và quản lý các khu du lịch; thủy điện…

Hoạt động thoái vốn của Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian gần đây khiến quy mô thị trường chứng khoán tăng mạnh và giúp thị trường sôi động. Các nhà đầu tư nước ngoài thêm quan tâm.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng vừa chốt ngày chào bán 3,33% cổ phần Vinamilk là 11/11. Trong khi đó, Bộ Công Thương phải trình được kế hoạch thoái vốn ở hai công ty bia Sabeco và Habeco trước ngày 20/10.

Theo kế hoạch SCIC sẽ tổ chức roadshow ở 2 thị trường nước ngoài là Singapore và HongKong. Ở Việt Nam, roadshow sẽ được tổ chức vào 18/10 tới đây tại HOSE. Giá khởi điểm sẽ được chốt trước ngày 21/10 và ngày 11/11 sẽ tiến hành chào bán. SCIC không đưa ra tiêu chí nhà đầu tư chiến lược, cơ hội mở cho mọi tổ chức, cá nhân.

Bộ Tài Chính cũng vừa bán hết 9,8 triệu cổ phần tại In Tài Chính (tương đương 49%), thu về gần 118 tỷ đồng.

Bên cạnh hoạt động thoái vốn, nhiều DN lớn cũng chào bán cổ phiếu trong và ngoài nước với khối lượng rất lớn.

Theo Reuters, Vincom Retail - công ty thành viên quản lý hệ thống trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng sẽ thực hiện thương vụ IPO chào bán 400 triệu cổ phiếu với trị giá có thể lên tới 713 triệu USD.

Với mức giá trên, Vincom Retail sẽ có vốn hóa khoảng 3,4 tỷ USD. DN này dự kiến sẽ niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6/11, đóng góp rất lớn vào quy mô của thị trường nói chung.

Theo đánh giá của nhiều CTCK, TTCK Việt Nam sôi động và lọt top 10 thị trường tăng mạnh nhất thế giới kể từ đầu năm tới nay một phần là do quy mô của mở rộng nhanh chóng và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, khối ngoại đã đổ hơn 13 ngàn tỷ đồng vào cổ phiếu Việt.

Thị trường trong nhiều phiên gần đây tiếp tục tăng giá và nhanh chóng vượt xa ngưỡng cản tâm lý 800 điểm. Dòng tiền lớn liên tục đổ vào các cổ phiếu trụ cột như Vingroup (VIC) của Phạm Nhật Vượng, Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài, VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng, Bia Sài Gòn - Sabeco (SAB)… là yếu tố chính giúp thị trường đi lên.

Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Về ngắn hạn, áp lực chốt lời hiện tại là rõ ràng. Tuy nhiên, sức cầu từ khối ngoại đối với các cổ phiếu lớn và mùa báo cáo KQKD quý 3 đang đến gần có thể là nhân tố giúp hỗ trợ thị trường.

Dù áp lực bán ra khá mạnh nhưng sự quan tâm và lực cầu từ nhà đầu tư vẫn đang tăng cao khi thanh khoản thị trường đã hồi phục khá tốt. Dòng tiền đang có xu hướng quay trở lại với các ngành như ngân hàng, xây dựng, một số cổ phiếu dầu khí và các cổ phiếu có yếu tố thị trường cao.

Với việc khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh cùng với dòng tiền chờ bên ngoài thì thị trường hiện tại vẫn khá lạc quan, nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu của mình khi đây là tuần tâm điểm của báo cáo KQKD quý 3.

Một số CTCK như SHS… dự báo VN-Index sẽ hồi phục trở lại để tiến vào vùng kháng cự trong khoảng 820-824 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào cổ phiếu trong tuần vừa qua có thể xem xét chốt lãi một phần khi thị trường tiến vào vùng kháng cự. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt và tận dụng những nhịp điều chỉnh để mua thêm những mã có triển vọng tích cực trong cả năm nay tại vùng giá hấp dẫn hơn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/10, VN-index giảm 1,52 điểm xuống 819,43 điểm; HNX-Index tăng 0,2 điểm lên 109,3 điểm. Upcom-Index tăng 0,36 điểm lên 54,32 điểm. Thanh khoản đạt 230 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt gần 5 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

H. Tú