Doanh nghiệp của ông trùm ngành thép Trần Đình Long báo cáo lợi nhuận khủng nhưng triển vọng và hướng phát triển cho dài hạn với truyền thống “thô và nhiều” đối mặt nhiều thách thức.

Bán máy bay, tài sản bốc hơi, ông Trần Đình Long mất danh tỷ phú USD

Ngay sau khi bị Forbes loại ra khỏi danh sách tỷ phú USD, ông Trần Đình Long đón nhận tin vui: Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông có doanh thu 11 tháng ước đạt trên 50 ngàn tỷ, lợi nhuận sau thuế khoảng 8,1 ngàn tỷ đồng.

Đây là một kết quả khá ấn tượng. Hòa Phát tiếp tục ghi nhận những kỷ lục như sản lượng thép, thị phần,... Với sự ra mắt của Khu liên hợp gang thép Dung Quất vào năm sau, sản lượng tiêu thụ thép có thể tăng từ 3 triệu tấn hiện nay lên 3,5-4 triệu tấn.

Như vậy, trong mảng thép xây dựng, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long vẫn ở vị trí số 1.

Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát vẫn đang chịu áp lực giảm giá. Cổ phiếu này đã giảm khoảng 25% kể từ đỉnh cao hồi đầu năm. Và đây là nguyên nhân khiến giá trị cổ phần HPG mà ông Trần Đình Long nắm giữ bốc hơi nhiều ngàn tỷ đồng. Túi tiền của đại gia này chỉ còn khoảng 18,5 ngàn tỷ đồng (khoảng 790 triệu USD) và doanh nhân gốc Hải Dương này rớt khỏi bảng tỷ phú USD thế giới.

Mặc dù kết quả kinh doanh khá tốt, nhưng Hòa Phát đang đứng trước một triển vọng nhiều thách thức trong bối cảnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi đang đối mặt với nhiều khó khăn, còn cơ hội để mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khác không hề dễ dàng và không phải là thế mạnh của ông Trần Đình Long.

{keywords}
Ông Trần Đình Long, chủ HPG.

Giải thích về việc cổ phiếu HPG giảm mạnh trong thời gian gần đây (bất chấp kết quả kinh doanh tốt), ông Trần Đình Long cho rằng, là do quỹ ngoại, mà cụ thể là PENM - vốn là đối tác chiến lược lâu năm của HPG từ năm 2007, bán ra khi đến hạn thoái quỹ (10 năm).

PENM đang quản lý lý 4 quỹ đầu tư vào HPG. Quỹ PENM III chưa bán nhiều HPG và có hơn 2 năm nữa để đóng quỹ. Cũng theo đại diện của HPG, PENM đang trong giai đoạn huy động quỹ mới để đầu tư vào HPG.

Việc các quỹ ngoại mua vào và bán ra chốt lời hoặc thoái vốn khi đến hạn là bình thường. Tuy nhiên, thị trường phản ứng khá tiêu cực với diễn biến này tại HPG. Với kết quả kinh doanh 2018 ấn tượng như vậy, việc giá cổ phiếu giảm mạnh như thời gian vừa qua là khá bất thường. 

Trong khi PENM bán ra cổ phiếu HPG, khối ngoại cũng không mấy quan tâm tới cổ phiếu này.

Gần đây, trên TTCK, giới đầu tư khá lo ngại vào triển vọng dài hạn của HPG. Trong khi Hòa Phát dồn lực vào lĩnh vực thép, xây thêm nhà máy Dung Quất quy mô lớn thì triển vọng tiêu thụ gặp khó khăn. Mỹ áp thuế cao đối với thép Việt Nam, thị trường bất động sản trong nước chùng xuống sau một thời gian tăng nóng và tín dụng vào lĩnh vực này đang bị siết lại.

Trong một đại hội cổ đông, ông Trần Đình Long từng chia sẻ, HPG có truyền thống sản xuất và phân phối những sản phẩm “thô và số lượng nhiều”. Trừ lĩnh vực công nghệ cao vốn không là thế mạnh của HPG, hầu hết các lĩnh vực khác đều đã được các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước xác định vị thế và có mức độ cạnh tranh rất cao.

Trên thị trường chứng khoán, thanh khoản cải thiện khá nhiều. Nhiều cổ phiếu lớn tăng mạnh sau khi có thông tin tích cực Mỹ - Trung. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn còn không nhỏ. Dòng tiền dường như vẫn đang rất thận trọng trong bối cảnh sự bất định trên thế giới còn nhiều. Độ mở lớn có thể khiến nền kinh tế Việt Nam chịu một số tác động tiêu cực.

Một số công ty chứng khoán có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

SHS dự báo, Vn-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc mạnh trong khoảng giá 950-960 điểm. SHS khuyến nghị nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu trong danh mục nên tiết chế hành đồng mua đuổi trong vùng giá cao này và nên tích cực quan sát, có thể cân nhắc chốt lời dần nếu như Vn-Index có những nhịp kéo lên trên ngưỡng 960 điểm do theo phân tích kỹ thuật thì target của Vn-Index theo mô hình 2 đáy trước đó là khoảng giá 960-980 điểm.

MBS cũng cho rằng thị trường có thể đi vào vùng phân hóa, thị trường đã tạo một đáy cuối tháng 10 và 1 đáy ở giữa tháng 11 nên nhà đầu tư ở vùng giá này đã dần chốt lời và thị trường dễ rung lắc trong phiên.

Trên thế giới, chứng khoán Mỹ đêm qua giảm mạnh, Dow Jones giảm gần 800 điểm do giới đầu tư lo ngại kinh tế Mỹ bắt đầu đảo chiều đi xuống.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/12, VN-Index tăng 7,25 điểm lên 958,84 điểm; HNX-Index giảm 0,25 điểm xuống 107,39 điểm. Upcom-Index tăng 0,3 điểm lên 53,36 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 270 triệu đơn vị, trị giá 5,8 ngàn tỷ đồng.

V. Hà

Một tuần đáng sợ, tỷ phú Phương Thảo chủ Vietjet Air vẫn bám trụ

Một tuần đáng sợ, tỷ phú Phương Thảo chủ Vietjet Air vẫn bám trụ

CEO nữ hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục gặt hái những thành công và chứng kiến túi tiền ổn định cho dù vừa trải qua một vài tuần lễ mà thị trường chứng khoán chịu nhiều áp lực.