Khó lại thêm khó

Bà Hoàng Thị Như Yến, Giám đốc Công ty CP Thương mại Xây dựng KPY (TP.HCM), kể rằng, vừa qua, công ty hỏi 5 ngân hàng để vay khoảng 10 tỷ đồng chi trả lương cho người lao động, chuẩn bị nguyên vật liệu và khởi động lại các dự án.

Để được vay, các ngân hàng yêu cầu DN phải cung cấp báo cáo thuế có lãi trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, 2 năm qua, do dịch Covid-19 nên kinh doanh thua lỗ, không có báo cáo thuế có lãi. Ngoài ra, ngân hàng còn đòi hỏi tài sản bảo đảm phải được định giá và cam kết trả nợ của DN. Với những yêu cầu trên, DN không thể tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng, bà Yến cho biết.

Trong khi đó, một số DN tại P.HCM cho hay, thời gian giãn cách, phải đóng cửa nên các món nợ tạm thời không bị đòi. Nhưng vừa mới hoạt động trở lại, áp lực về nguồn tiền rất căng thì các nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, chủ cho thuê mặt bằng, thậm chí cả ngân hàng, lập tức đòi thanh toán những khoản nợ trước đó.

{keywords}
DN đang bị , áp lực về nguồn tiền, vừa hoạt động lập tức bị đòi nợ ngay (ảnh minh họa)

Sau đại dịch, việc vay vốn ngân hàng khó hơn trước do thiếu tài sản đảm bảo, bị thua lỗ và ngân hàng chặt chẽ hơn khi cho vay do lo sợ nợ xấu. Nhiều DN không biết xoay đâu ra tiền để trang trải, vì vậy đã khó lại càng thêm khó. "Chúng tôi đang phải gồng mình để tiếp tục duy trì hoạt động, nhưng có đơn vị vượt quá khả năng chỉ có thể buông bỏ", chủ một DN trong lĩnh vực cơ khí tại TP.HCM than thở.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời điểm này, hỗ trợ cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid để khôi phục sản xuất là rất cần thiết. Theo gợi ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính vừa dự kiến một gói cấp bù lãi suất từ ngân sách Nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương với quy mô dư nợ tín dụng lên đến 100.000 tỷ đồng. Nhiều DN rất vui mừng và mong muốn gói hỗ trợ này sớm trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến nay vẫn chưa có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về gói hỗ trợ này, nên cần chờ thêm thời gian nữa. 

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, rút kinh nghiệm lần trước, khi xây dựng chính sách, cơ quan này sẽ phải tính tới 2 mục tiêu quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình triển khai gói hỗ trợ. Như vậy, DN có muốn nhanh cũng không thể được.

{keywords}
Muốn vay vốn, DN phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo và không có nợ xấu.

Không những thế, điều quan tâm của giới chuyên môn là làm thế nào để DN tiếp cận được gói hỗ trợ này. Theo luật các tổ chức tín dụng, muốn vay vốn, DN phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo và không có nợ xấu. Như vậy, những DN khó khăn đang tạm ngừng hoạt động, sẽ không thể đáp ứng được.

Điều kiện cho vay của ngân hàng là không đổi. Ngân hàng không thể tự ý giảm chuẩn được, muốn giảm chuẩn phải có một quy chế cho phép họ làm điều đó. Nếu giảm chuẩn cho DN dễ vay, ví dụ như không cần tài sản đảm bảo, khi có rủi ro, không thể trả nợ được thì sẽ xử lý như thế nào? Khoản tiền bị mất ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Khó nhất chính là xác định được những ai là người chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Chờ đến bao giờ?

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, cần vực dậy và phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng DN ở các địa phương. Các quỹ này cần sẵn sàng đứng ra bảo lãnh DN vay vốn như một số quốc gia vẫn làm. Chính phủ nên chỉ đạo địa phương tăng nguồn lực tài chính cho các quỹ. Đồng thời, sửa đổi cơ chế vướng mắc như: quy định DN phải có tài sản đảm bảo, quỹ phải bảo toàn vốn... Từ đó mới có thể tạo động lực bảo lãnh tín dụng cho DN.

Nhưng với giải pháp này, cũng chưa thể thực hiện được ngay, do phải mất thời gian để vực dậy quỹ.

Tính đến nay, cả nước có 28 quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương, nhưng đa phần đều hoạt động lay lắt, cầm chừng; thậm chí, một số quỹ cả năm không bảo lãnh được DN nào. Hạn chế này xuất phát từ bất cập về cơ chế chính sách cũng như nguồn lực của các quỹ.

{keywords}
Nếu không được cứu, hàng loạt DN sẽ tiếp tục rời khỏi thị trường.

Hiện quy mô của các quỹ bảo lãnh tín dụng còn nhỏ do nhiều địa phương chưa có nguồn lực để bố trí vốn cho quỹ. Trong khi đó, năng lực tài chính, quản trị điều hành các quỹ còn hạn chế; quy trình nghiệp vụ trong thẩm định hồ sơ, kiểm tra, giám sát, thu hồi các khoản nợ,... chưa hoàn thiện. Cùng với đó, những quy định về điều kiện cấp bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là yêu cầu DN phải có tài sản bảo đảm, cộng thêm những quy định về phạm vi và giới hạn cấp bảo lãnh tín dụng... khá rườm rà, phức tạp. Vì vậy, việc sửa đổi chính sách để các quỹ này phát huy vai trò,chắc chắn sẽ mất không ít thời gian.

Một số ý kiến đề xuất, cần hình thành ngay một quỹ bảo lãnh DN hoạt động theo cơ chế mới và dành một khoản tiền từ ngân sách để bảo lãnh tín dụng cho các DN vay. Một trong những điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo DN tiếp cận được là bảo lãnh 100%, cho vay tín chấp.

Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực lại cho biết, để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các DN và không cần tài sản đảm bảo là khó khả thi. Vì theo Luật Quản lý nợ công, Chính phủ không được bảo lãnh nợ DN nữa.

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong tháng 9/2021 với hơn 3.000 DN cho thấy, nhiều DN chỉ có thể cầm cự tối đa 6 tháng. Nếu không được cứu, hàng loạt DN sẽ tiếp tục rời khỏi thị trường. 

Trong khi đó, theo VCCI, gói hỗ trợ về vốn và tín dụng của Chính phủ bao gồm cho vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất vay... đã được triển khai từ đầu 2020 cho kết quả rất hạn chế. Theo khảo sát nhanh trên 500 DN vào tháng 8/2021chỉ có 30,72% DN tiếp cận được. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ (0,65%) cho biết gói hỗ trợ về vốn và tín dụng đáp ứng yêu cầu của DN.

Trần Thủy

Cạn tiền không biết xoay đâu, tổng giám đốc sa chân vào tín dụng đen

Cạn tiền không biết xoay đâu, tổng giám đốc sa chân vào tín dụng đen

Theo nhiều DN, đến nay họ đã phải bán cả xe ô tô, cùng các tài sản cố định để duy trì hoạt động. Không ít DN đã phải tự cứu mình bằng cách tìm đến tín dụng đen, với mức lãi suất “cắt cổ” nhằm giải cơn khát vốn.