Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2015 với một thông tin bất ngờ: lãi giảm hơn ngàn tỷ đồng. Trong đó có nguyên nhân từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới hơn 640 tỷ đồng

Khoản lỗ tỷ giá đến chủ yếu từ 4 món vay dài hạn lớn bằng đồng Yên Nhật, theo các hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tổng giá trị các khoản vay này là 70,6 tỷ Yên (khoảng 14 ngàn tỷ đồng). Đây là các khoản vay để ACV thực hiện các Dự án Nhà ga hành khách Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất và Nhà ga Quốc tế Nội Bài T2.

{keywords}
Đồng Yên Nhật tăng giá mạnh kể từ 2015.

Năm 2015, Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cũng đau đầu vì tỷ giá. Lợi nhuận trước thuế của DN giảm tới hơn 60% và chỉ hoàn thành khoảng 70% kế hoạch năm do chi phí tài chính tăng vọt 12 lần với một trong các lý do là vì tỷ giá.

Trong quý I/2016, PPC cũng bất ngờ công bố báo cáo tài chính hợp nhất với con số lỗ ròng gần 160 tỷ đồng do diễn biến bất lợi về tỷ giá JPY/VND. Trong kỳ, lỗ chênh lệch tỷ giá của DN lên tới hơn 260 tỷ đồng. Tính tới cuối quý, dư nợ vay của hợp đồng vay dài hạn của Tập đoàn điện lực Việt Nam - EVN (vay lại hợp đồng vay vốn của JBIC) còn lại là 22,2 tỷ JPY.

Không chỉ các DN trực tiếp vay, nhiều DN có hoạt động đầu tư tài chính vào các DN vay vốn hoặc có quan hệ thương mại với Nhật Bản cũng gặp vấn đề về tỷ giá.

Tại ĐHCĐ CTCP Cơ điện lạnh (REE) bà chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết vấn đề lớn nhất của DN hiện nay là khoản dự phòng tỷ giá 1,2 ngàn tỷ không được ghi nhận vào giá bán điện. Tỷ giá đã ảnh hưởng lớn tới kết quả DN như trường hợp Phả Lại, Quảng Ninh. Bà Thanh thừa nhận khoản đầu tư vào Nhiệt điện Quảng Ninh là không thực sự hiệu quả.

Trước đó, nhiều DN ghi lợi nhuận tăng đột biến do đồng Yên Nhật giảm giá kéo dài. Cũng chính PPC có thời điểm thu lợi hàng trăm tỷ đồng trong thời gian chỉ một quý từ hoạt động tài chính, mà chủ yếu do đồng Yen Nhật mất giá. Nửa đầu 2013, PPC thậm chí báo lãi khủng 1.300 tỷ đồng nhờ đồng Yên Nhật. Một đồng Yên yếu là cứu cánh của hàng loạt các DN ngành điện trong những năm 2013 và 2014.

Ảnh hưởng kéo dài

Những biến động mạnh của đồng Yên trong vài năm gần đây đã tác động mạnh tới rất nhiều DN Việt.

{keywords}
Các dự án nhiệt điện vay vốn Nhật gặp khó khăn khi đồng Yen tăng giá.

Từ chỗ lãi 600 tỷ đồng từ tỷ giá năm 2014, sang 2015 PPC lỗ gần 300 tỷ đồng. Các khoản vay bằng đồng Yên của PPC còn kéo dài đến năm 2028 và do vậy diễn biến lãi lỗ của PPC có thể còn biến động theo đồng tiền này trong cả thập kỷ tới.

Biến động lãi lỗ của các DN như PPC có ảnh hưởng lớn tới tâm lý của các nhà đầu tư tài chính như REE. Các NĐT không thể kiểm soát được hiệu quả các khoản đầu tư. Dòng vốn từ trong dân vào lĩnh vực điện, cơ sở hạ tầng do vậy có thể bị ảnh hưởng.

Trong 2015, cùng với những biến động phá giá tiền Đồng và sự hồi phục của nền kinh tế Nhật, đồng Yên đã tăng giá dữ dội so với VND. Diễn biến này khiến lợi nhuận của nhiều DN Việt vay vốn bằng đồng tiền nước này teo tóp.

Kỷ nguyên của một đồng Yên yếu dường như đã kết thúc trong năm 2015 khi mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) không tăng cường kích thích tiền tệ nhằm mục đích đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể khiến những khoản lợi nhuận bất thường của các DN vay vốn bằng đồng Yên không còn nữa.

Trước đó, đồng Yên giảm giá nhiều năm liên tiếp do khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền hồi cuối 2012, ông đã thực thi cam kết đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới thoát khỏi tình trạng giảm phát bằng hàng loạt các chính sách mới mà trọng điểm là kích thích tiền tệ.

Gần đây, chính phủ nước này bắt đầu tìm cách thoát khỏi chính sách nới lỏng khi nền kinh tế Nhật có dấu hiệu phục hồi và Mỹ phát đi tín hiệu tăng lãi suất sau gần một thập kỷ duy trì ở mức gần bằng 0.

Tính từ đầu năm tới nay, đồng Yên đã tăng giá gần 10% và là đồng tiền tăng mạnh nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Sự suy yếu của đồng NDT của Trung Quốc càng khiến đồng Yên tăng giá mạnh.

Một số chuyên NH Nhật cho rằng, đồng Yên nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá bởi mức 110 Yên/USD hiện tại vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 99 Yên/USD của 5 năm trước. Điều đó có nghĩa là, các DN Việt vay vốn Nhật có thể còn gặp khó khăn về tỷ giá JPY/VND.

Ở chiều ngược lại, người lao động Việt tại Nhật và DN xuất khẩu sang Nhật sẽ hưởng lợi khi đồng Yên mất giá.

Mặc dù vậy, một đồng Yên mạnh không phải là điều tốt cho nền kinh tế Nhật. Đây là yếu tố có thể khiến chính phủ Nhật tính đến khả năng kiềm chế sự tăng giá của đồng Yên nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

M. Hà