- Bộ Công Thương vừa báo cáo Uỷ ban kinh tế Quốc hội khẳng định, Uber giống nhà cung cấp thương mại điện tử nhưng Việt Nam lại chưa có cơ chế quy định quản lý. Các cơ quan chức năng sẽ cần một tư duy quản lý mới với Uber.

Bộ Công Thương vừa hoàn tất báo cáo phân tích về mô hình hoạt động của Uber- dịch vụ chia sẻ taxi qua mạng di động gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. 

Theo báo cáo do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng ký, Bộ Công Thương vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng nào để "chốt" rốt cục, Uber là mô hình hoạt động kinh doanh loại gì?

Bộ Công Thương đã đưa ra 3 "kịch bản: Tại Việt Nam, nếu trường hợp Uber không phải là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, không trực tiếp có hợp đồng với các lái xe vận hành mạng lưới xe, mà chỉ cung cấp giải pháp công nghệ dựa trên nền tảng thiết bị di động hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khach hoạt động thì Uber phải tuân thủ quy định về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Hoạt động này đã được quy định theo Nghị định 52 của Chính phủ ban hành tháng 5/2013. 

{keywords}
Nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề taxi Uber tại Việt Nam
Ngoài ra, vì liên quan đến dịch vụ vận tải hành khách và một số quy trình thanh toán, nên Uber còn phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ 2008, Điều 13 của Nghị định 86 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. 

Trong trường hợp công ty Uber trực tiếp tổ chức kinh doanh vận hành mạng lưới xe thì công ty này là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, phải tuân thủ các điều kiện ở Nghị định 86 trên. 

Tuy nhiên, dưới con mắt của Bộ Công Thương, rất có thể phải quản lý Uber gắn với lĩnh vực thương mại điện tử. 

Bộ này cho hay, nếu Uber là kinh doanh dịch vụ vận tải thì đây có thể coi tinh năng tương tự như website thương mại điện tử bán hàng và do đó, công ty này sẽ phải tuân thủ Nghị định 52, chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung, thông tin giao dịch giữa khách và chủ xe. 

Tuy nhiên, nếu Uber không phải là đơn vị kinh doanh vận tải mà chỉ cung cấp giải pháp công nghệ kết nối khách hàng và chủ xe thì Uber có tính năng như sàn giao dịch thương mại điện tử. Do đó, chủ sàn, tức Uber phải đảm bảo các thương nhân cung cấp dịch vụ trên sàn của mình đáp ứng các qu định của pháp luật liên quan. 

Uber có thể coi như một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại  điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng là trên nền tảng thiết bị di động. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có văn bản pháp lý nào quy định cụ thể về hoạt động thương mại điện tử trên mạng viễn thông di động nói chung và mô hình sàn giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động nói riêng. 

Vì vậy, hiện chưa có cơ chế, công cụ để quản lý ứng dụng Uber và các ứng dụng tương tự trên nền tảng thiết bị di động. 

Nghị định 52 đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu vấn đề này nhưng Thông tư 47 hướng dẫn của Bộ mới chỉ dừng lại ở phạm vị các website trên mạng internet thông thường. Hiện, có khó khăn ở chỗ chưa có văn bản nào quy định điều chỉnh đối tượng nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới, không có hiện diện tại Việt Nam. Nghị định 52 chỉ điều chỉnh các đối tượng đã có tư cách pháp lý hiện diện ở Việt Nam. 

Trước đó, Bộ Tài chính đã dự kiến sẽ thu thuế thu nhập cá nhận ở loại hình này ở mức 3-5%, đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ có Uber đăng ký tài khoản ở 3 ngân hàng để dễ quản lý. 


Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ tìm mọi cách để Uber có đủ điều kiện hoạt động ở Việt Nam. 

Tại văn bản trên, Bộ Công Thương cũng băn khoăn nhất là việc Uber thanh toán linh hoạt qua thẻ như không theo quy trình bình thường. Cước phí được tự động ghi nợ vào tài khoản thẻ mà không cần chữ ký xác nhận của chủ thẻ, tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng. Ngân hàng Nhà nước cần có quy định cụ thể về những giao dịch thanh toán thẻ không cần xác nhận như vậy, đồng thời, cũng phải đưa ra biện pháp quản lý theo dõi luồng tiền trong trường hợp đơn vị này không hiện diện tại Việt Nam nhưng lại thu tiền từ khách hàng trong nước qua thẻ quốc tế. 

Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm: "Việc xác định mô hình hoạt động của Uber là rất quan trọng. Để đưa ra câu trả lời cuối cùng, cần có kết luận chính thức của cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh vận tải hành khách là Bộ Giao thông vận tải". 

Dù là mô hình nào thì Uber vẫn là mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố mới chưa được quy định và kiểm soát đầy đủ bởi pháp luật Việt Nam hiện nay. Để quản lý toàn diện hiệu quả Uber và mô hình kinh doanh tương tự, đòi hỏi phải có một tư duy quản lý mới và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Uber vào Việt Nam từ tháng 6/2014. Đây là một dịch vụ trung gian, không sở hữu xe ô tô, không có lái xe và làm nhiệm vụ gắn kết người cần đi xe với người sở hữu xe. Khác với GrabTaxi và EasyTaxi, xe tham gia vào mạng lưới Uber không phải là của hãng taxi mà là xe cá nhân. Vì vậy, đây còn được gọi là dịch vụ “taxi không biển hiệu”. 

Phạm Huyền