Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 của Quảng Ninh đạt 10,16%, cao nhất 6 năm gần đây, đặc biệt thu nội địa đạt 15.000 tỷ đồng.

Những con số ấn tượng

6 tháng đầu năm 2018, với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, Quảng Ninh đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Thu ngân sách 6 tháng đầu năm của Quảng Ninh vượt so với cùng kỳ, đạt 20.995 tỷ đồng, đặc biệt thu nội địa tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn, đạt 15.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện ước đạt 23.360 tỷ đồng, tăng 11,6% so cùng kỳ. Chi thường xuyên được tiết kiệm tối đa, tổng chi đầu tư phát triển vượt mức trên 55% tổng chi ngân sách địa phương theo Nghị quyết HĐND đề ra, trong đó, 6 tháng đầu năm 2018 đã đạt 60,9% tổng chi ngân sách.

Công tác quy hoạch và đầu tư cho phát triển hạ tầng du lịch, quản lý Nhà nước về môi trường kinh doanh du lịch phát huy hiệu quả với 7,5 triệu lượt khách, tăng 26% cùng kỳ, doanh thu du lịch tăng 31%.

{keywords}
 

Quảng Ninh là tỉnh đi đầu thu hút vốn xã hội hóa, từ hạ tầng giao thông cho đến dịch vụ. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (Par Index) vươn lên vị trí đứng thứ nhất trong 63 tỉnh, thành phố năm 2017.

Tiếp tục các giải pháp trọng tâm

Để đạt được những kết quả khả quan trên, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian qua, ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” đã được Quảng Ninh quyết liệt triển khai.

Theo đó, việc xây dựng thể chế, cải cách hành chính được thực hiện theo hướng giảm thủ tục và thời gian giải quyết; thực hiện đủ 4 bước “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” tại chỗ và tăng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4; đưa 231 điểm cầu trực tuyến tại 186 xã và các đơn vị vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư.

Quảng Ninh là địa phương tiên phong triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI), là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và vận hành mô hình trung tâm hành chính công cấp tỉnh và toàn bộ 14 huyện, thị.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đưa ra nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; nhiều mô hình mới được đưa vào vận hành hiệu quả, điển hình như Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) và chính quyền điện tử; lập fanpage về PCI trên mạng xã hội tạo kết nối giữa doanh nghiệp với các sở ngành.

Năm 2018, Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn; hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xin phép thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên, với những cơ chế, chính sách ưu đãi; tập trung triển khai đề án xây dựng mô hình thành phố thông minh. Bên cạnh đó, nhiều dự án, công trình đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, mang tính động lực đã và đang được tỉnh Quảng Ninh tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Quảng Ninh phấn đấu năm 2018 đạt mức tăng trưởng trên 10,6%, góp phần đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 11 - 12%/năm. Để làm được điều này, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt và linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại, tạo mọi điều kiện để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

N.H