Giá bánh ú mỗi nơi mỗi khác, khi thắc mắc thì y như rằng người bán sẽ đưa ra nhiều lý do để giải thích vì sao bánh có giá cao, thấp như vậy khiến người mua cảm thấy hoa mắt vì loạn giá.

Tại chợ Vườn Chuối (Q.3), hỏi ba tiểu thương về giá bánh ú ngọt thì nhận được câu trả lời rất khác nhau. Cụ thể, ngay trước mặt tiền chợ (đường Nguyễn Đình Chiểu), bánh ú nhân ngọt gói bằng lá dong có giá 70.000 đ/chục, nhưng vào sâu trong nhà lồng chợ, cùng một loại bánh với kích cỡ như nhau nhưng chỉ có 60.000 đ/chục.

{keywords}

Bánh ú có nhiều loại, đi kèm giá tiền khác nhau.

Tại đây, bánh ú không nhân có tiểu thương bán giá 40.000 đ/chục, nhưng một tiểu thương khác chỉ bán với giá 35.000 đ/chục, nếu khách kỳ kèo trả giá thì có khi giảm còn 30.000 đ/chục.

"Giá vậy là rẻ, nhiều người để đúng ngày tết Đoan Ngọ mới mua, hút hàng chắc chắn giá bánh sẽ lên cao, có thể tăng lên 90.000 – 110.000 đ/chục như năm ngoái”, một tiểu thương cho biết.

Tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), giá bánh cao hơn từ 10.000 đ/chục so với một số chợ khác. Cụ thể, bánh không nhân giá 40.000 đ/chục, loại có nhân đậu xanh (loại nhỏ) giá 50.000 đ/chục.

Bánh gói bằng lá tre được chuộng hơn lá dong vì thơm, bánh có màu xanh bắt mắt hơn. Khi thắc mắc sao bánh tại đây có giá đắt hơn, một tiểu thương giải thích: “Ham rẻ coi chừng mua nhầm bánh “đá” vì nếp cứng như đá, nhiều cái còn không ăn được. Bánh tại đây ngon, nếp mềm, nhân ngọt vừa phải nên giá hơi nhỉnh hơn”.

{keywords}

Bánh ú lá dong nhân ngọt hiện có giá bán khoảng 70.000 đồng/chục.

Cũng tại chợ này, khách nào muốn ăn bánh mặn thì có thể chọn bánh bá trạng với nhân bánh được làm bằng nước tro, đậu xanh (bánh ngọt) hoặc trứng muối, thịt vịt, hạt sen (bánh mặn).

Bánh này hiện có hai hình dáng: vuông do người Hoa gói và ú (chóp nón) do người Việt gói. Nếu bánh hình ú có giá 40.000 đ/cái, hình vuông giá 70.000 đ/cái. Được biết, bánh hình ú gói ít thịt hơn nên có giá thấp, trong khi bánh hình chữ vuông có nhiều thịt, trứng muối hơn nên giá cao hơn.

Đến khu người Hoa trên địa bàn Q.5 (gồm những cung đường như Lão Tử, Nguyễn Trãi, Gia Phú…) vào những ngày này rất nhộn nhịp vì nơi đây còn sót lại một số hộ gia đình chuyên gói, nấu và bán bánh ngay tại nhà.

Những lò bánh đang sôi ùng ục nghi ngút khói hay những chiếc xe đẩy chất đầy ắp bánh đậu hai bên đường không khỏi thu hút người đi đường.

{keywords}

Bà Lý Vỹ Cầm, chủ một lò bánh đã hoạt động hơn hai mươi năm.

Bà Lý Vỹ Cầm, chủ lò bánh tại số 52B Lão Tử, P.14, Q.5 – người có hơn 20 năm làm nghề gói, bán bánh bá trạng cho biết, bánh tại lò có 3 mức giá: 80.000, 90.000 và 100.000 đ/cái, tùy kích thước lớn nhỏ, nhân nhiều hay ít, bánh mặn hay ngọt.

Mỗi ngày lò cung cấp khoảng gần 200 bánh cho khách nhưng vẫn không đủ bán. Nếu mua bánh bá trạng giá rẻ coi chừng bánh không ngon, nếp bị cứng. Sở dĩ bánh có giá đắt hơn so với các nơi khác vì vỏ ngoài, nhân bánh đều chất lượng.

Chẳng hạn, nếp phải mẩy, chắc; đậu phộng phải là hạt tròn, to được ngâm bằng các vị thảo dược, khi ăn sẽ có vị mặn của thuốc bắc và mùi thơm của thảo dược. Nhân bánh gồm lạp xưởng, tôm khô, nấm, hạt sen, trứng vịt muối, thịt heo hoặc thịt vịt. Nhân bánh được ướp ngũ vị hương và sơ chế sao cho vừa ăn, không mặn, không nhạt.

Mỗi gia đình người Hoa thường có cách sơ chế riêng nên được xem là bí quyết riêng – đặc điểm thu hút khách giữa các lò bánh với nhau.

{keywords}

Mỗi lò bánh đều có một bí quyết riêng để thu hút khách.

Đi kèm với các loại bánh thì người tiêu dùng hay chọn trái vải để cúng. Năm nay, loại trái cây này đìu hiu hơn so với mọi năm.

Chị Bích, tiểu thương chợ Vườn Chuối cho biết: “Những năm trước, hễ mùa tết Đoan Ngọ sẽ thấy vải về đỏ rực góc chợ. Năm nay, vải mất mùa nên số lượng nhỏ giọt, giá rất cao, 80.000 đ/ký, gấp đôi so với năm ngoái. Nguyên nhân một phần do Trung Quốc thu mua, một phần do thời tiết thất thường ảnh hưởng đến năng suất trái”, chị Bích nói.

Hiện giá cơm rượu vẫn bình ổn, nếu cơm rượu trắng, vò viên giá 15.000 đ/hộp, còn cơm rượu vàng Hà Nội giá 30.000 đ/hộp, nếp cẩm giá 50.000 đ/hộp. Mặc dù giá thành cao nhưng người tiêu dùng chuộng cơm rượu vàng và nếp cẩm hơn do thơm, ngon, ngọt.

(Theo Phụ nữ TP.HCM)